Bà Harris 'giữ nhiệt' sau tuần trăng mật

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ cần tìm cách giữ sự nhiệt tình của những người ủng hộ nếu muốn đánh bại cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc đua đường dài vào Nhà Trắng.

 Bà Kamala Harris và phe Dân chủ sẽ còn chưa đầy 100 ngày chuẩn bị nếu muốn đánh bại ông Trump. Ảnh: New York Times.

Bà Kamala Harris và phe Dân chủ sẽ còn chưa đầy 100 ngày chuẩn bị nếu muốn đánh bại ông Trump. Ảnh: New York Times.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng hôm 21/7, phe Dân chủ Mỹ trải qua những ngày đầy hưng phấn.

Phe Dân chủ nhanh chóng tập hợp quanh “ngọn cờ” là Phó tổng thống Kamala Harris. Chỉ trong vòng một tuần, chiến dịch của bà đã thu hút hơn 200 triệu USD tiền ủng hộ. Các số liệu thăm dò dư luận cũng cho thấy bà Harris đã thu hẹp khoảng cách với ông Trump so với khi ông Biden còn là ứng viên.

Tuy nhiên, bà Harris giờ đây phải đứng trước thách thức không hề nhỏ: Làm sao để có thể duy trì sự nhiệt tình của những người ủng hộ khi niềm hưng phấn ban đầu nguội bớt, trong bối cảnh phe Cộng hòa chĩa mũi dùi chỉ trích nhằm vào bà.

“Tôi gọi đó là giai đoạn trăng mật”, cựu Thống đốc Nevada Steve Sisolak, người của đảng Dân chủ, nói với New York Times. “Chúng tôi sẽ cần giữ cho tinh thần này tiếp diễn. Khi đã bắt đầu, ta giờ đây phải kết thúc công việc. Đây sẽ là thách thức với mọi người”.

"Giữ nhiệt" của cử tri

Tuần sắp tới sẽ có ý nghĩa quan trọng trong chiến dịch tranh cử của bà Harris. Các đại biểu dự đại hội đảng có thể sẽ bắt đầu bỏ phiếu trực tuyến để đề cử bà từ ngày 1/8, nếu không có ứng viên nào khác xuất hiện. Bà cũng sẽ phải lựa chọn ứng viên liên danh tranh cử trước hạn chót 7/8 mà bà tự đặt ra.

Bà Harris và các chính trị gia cấp cao của đảng Dân chủ sẽ tiếp tục duy trì nhịp độ vận động dày đặc ngay từ đầu tuần. Hôm 28/7, Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer và Thống đốc Pennsylvania Josh Shapiro - người được coi là một trong những ứng viên hàng đầu cho vị trí “phó tướng” của bà Harris - sẽ tham gia vận động tranh cử tại Pennsylvania.

Một ngày sau đó, bà Harris sẽ lần đầu tiên xuất hiện tại bang chiến địa Georgia với tư cách ứng viên tổng thống. Năm 2020, ông Biden từng “cuỗm tay trên” Georgia từ phe Cộng hòa - tuy nhiên màn thể hiện của ông năm nay không tốt, khiến nhiều người thuộc phe Dân chủ đã từ bỏ hy vọng chiến thắng tại bang này.

Bà Harris được kỳ vọng sẽ đem đến thay đổi nhờ sự ủng hộ của các nhóm cử tri Dân chủ truyền thống như người da đen, phụ nữ, cử tri trẻ và các cư dân ngoại ô học thức cao.

Dù vậy, ứng viên Dân chủ thừa nhận bản thân sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Trong một sự kiện gây quỹ cuối tuần trước, bà dường như cố gắng giữ sự kỳ vọng ở mức độ nhất định và cẩn trọng tránh tự mãn.

“Chúng ta có một cuộc chiến ở trước mắt. Chúng ta là những người ở thế dưới hơn trong cuộc đua này”, bà nói.

 Bà Harris và những người ủng hộ trong sự kiện của phe Dân chủ tại Milwaukee hôm 23/7. Ảnh: New York Times.

Bà Harris và những người ủng hộ trong sự kiện của phe Dân chủ tại Milwaukee hôm 23/7. Ảnh: New York Times.

Phe Cộng hòa phản kích

Ở chiều ngược lại, ông Trump và “phó tướng” JD Vance cũng đang tích cực thúc đẩy chiến dịch vận động tranh cử của mình. Trong khi ông Trump sẽ vận động tại Harrisburg, Pennsylvania vào ngày 30/7, ông Vance sẽ tham dự hàng loạt sự kiện tại hai bang chiến địa miền Tây Nevada và Arizona.

Tại hai bang có đông cử tri gốc Latin này, ông Vance được cho sẽ tiếp tục công kích bà Harris dựa trên vấn đề nhập cư. Bà Harris từng được ông Biden giao giải quyết “tận gốc” cuộc khủng hoảng người nhập cư vào Mỹ từ các nước Trung Mỹ, do đó phe Cộng hòa thấy chiến thuật công kích này tương đối hiệu quả.

Phe Cộng hòa cũng đăng tải lại các đoạn video từ khi bà Harris tranh cử tổng thống năm 2020 để cáo buộc bà là ứng viên “cấp tiến”, “cực tả”, “quá tiến bộ” so với đất nước.

“Chắc chắn họ sẽ nhằm vào bà ấy”, bà Chaire McCaskill, cựu Thống đốc Dân chủ của bang Missouri, nhận xét. “Tuy nhiên, điều duy nhất họ thực sự cố làm cho đến nay là cho thấy (bà Harris) không ủng hộ lực lượng thực thi pháp luật. Đây là điều không mấy ý nghĩa khi xuất phát từ một ứng viên phó tổng thống từng viết: ‘Tôi ghét cảnh sát’”.

(Ông Vance mới đây bị phát hiện tuyên bố “Tôi ghét cảnh sát” từ năm 2014 trong một email, sau vụ việc chàng trai da đen 18 tuổi Michael Brown bị cảnh sát thành phố Ferguson, bang Missouri sát hại - sự kiện châm ngòi phong trào “Black Lives Matter, theo Newsweek).

Trước sự tấn công của phe Cộng hòa, hàng loạt thành viên đảng Dân chủ đã lên tiếng ủng hộ bà Harris. Trên CNN, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của bang Massachusetts ca ngợi bà Harris vì đã ủng hộ một dự luật về biên giới hồi đầu năm nay - vốn sẽ siết chặt hơn quy định quản lý biên giới. Theo bà Warren, chính ông Trump đã khiến thỏa thuận này không được thông qua.

Cuộc gọi quan trọng từ ông Obama và phu nhân tới bà Harris Cựu Tổng thống Barack Obama và phu nhân đã liên lạc với Phó tổng thống Kamala Harris để bày tỏ sự ủng hộ với bà trong cuộc đua trở thành ứng viên đại diện đảng Dân chủ.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://znews.vn/ba-harris-giu-nhiet-sau-tuan-trang-mat-post1489047.html