Bà Harris học được gì từ lần 'trầy trật' năm 2020?

Với những bài học từ lần tranh cử đầu tiên, Phó tổng thống Kamala Harris đang có cơ hội hiếm hoi để tái xây dựng hình ảnh với công chúng Mỹ.

Ngày tuyệt vời nhất trong chiến dịch tranh cử năm 2020 của bà Kamala Harris có lẽ là ngày đầu tiên, New York Times nhận định.

Ngay sau đó, bà phải trầy trật đối phó với các buổi tranh luận trên CNN, hàng loạt đề xuất chính sách từ Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, bị công kích bởi Hạ nghị sĩ Tulsi Gabbard và kẹt giữa Tổng thống Joe Biden và Thị trưởng Iowa Pete Buttigieg khi đó.

Song trong ngày khởi động chiến dịch, bà đã thu hút hơn 20.000 người ủng hộ tham gia mít tinh ở Oakland, California, vào tháng 1/2019. Sự kiện này phần nào cho thấy hình ảnh của một nhân vật đoàn kết đảng mà bà đang hứa hẹn với công chúng.

Trong bài phát biểu ở Oakland, bà Harris điểm lại thành tích của mình với tư cách công tố viên, chia sẻ những câu chuyện về gia đình và quá trình trưởng thành trong môi trường đa văn hóa, khiến các đối thủ phải dè chừng.

Nhận định xoay quanh chiến dịch tranh cử của bà Harris lúc đó cũng tương tự những lập luận mà các cử tri và nhà phân tích đưa ra hiện nay.

Ông Biden có kinh nghiệm, bà Warren có chính sách, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders có sức hấp dẫn của tư tưởng tiến bộ. Và bà Harris, trên lý thuyết, có thể đáp ứng tất cả ưu điểm trên. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử sơ bộ khi đó, ít cử tri cho rằng bà là ưu tiên số một. Bà là lựa chọn thứ hai hoặc thứ ba của hầu như mọi cử tri.

Giờ đây, khi chỉ còn cách thời điểm bầu cử chưa đến 100 ngày, bà Harris có cơ hội hiếm hoi để tái xây dựng hình ảnh trước công chúng Mỹ, nỗ lực thể hiện hình ảnh nhất quán và sắc bén hơn. Dưới đây là 4 điểm chính cho thấy phó tổng thống đã thay đổi sau bài học năm 2020.

Tự hào với quá khứ công tố viên

Vào năm 2019, trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ nơi các ứng viên tiến bộ và các nhóm hoạt động có ảnh hưởng đáng kể, bà Harris đã né tránh việc đề cập đến các thành tích khi còn là công tố viên và tổng chưởng lý California.

Suốt nhiều tháng, bà không phản bác lại những lời chỉ trích với sự nghiệp của mình, đặc biệt là khẩu hiệu #KamalaIsACop (bà Kamala là cớm) trên mạng xã hội. Bà cũng không đưa ra lập trường chính sách về vấn đề này cho đến khi các đối thủ hàng đầu đã đi trước từ lâu.

Sự thiếu chủ động này dẫn đến hai hệ quả: Các cố vấn thất vọng, tự hỏi tại sao một công tố viên vốn tự hào về sự nghiệp lại đột nhiên thiết tự tin. Điều này cũng khiến những người ủng hộ tiềm năng bối rối.

Trên đường đua năm 2019, từ Iowa đến South Carolina, những người ủng hộ đầu tiên luôn yêu thích câu chuyện của bà Harris về thời thơ ấu ở Vịnh San Francisco và sự nghiệp bắt giữ kẻ xấu để đảm bảo an toàn cho California. Tuy nhiên, bà đã không thể liên kết những câu chuyện này với chính sách rõ ràng, khiến niềm tin của cử tri lung lay.

 Bà Harris trong một buổi tranh luận năm 2020. Ảnh: New York Times.

Bà Harris trong một buổi tranh luận năm 2020. Ảnh: New York Times.

Song rõ ràng chiến dịch năm nay đã chứng minh bà Harris sẽ không lặp lại sai lầm cũ. Tuần trước, trong bài phát biểu đầu tiên trước nhân viên chiến dịch ở Wilmington, bà Harris coi sự nghiệp công tố viên là tâm điểm, phần cốt lõi vạch ra sự đối lập giữa bà và cựu Tổng thống Donald J. Trump, người đang đối mặt nhiều tội danh.

“Tôi đã đối đầu với mọi loại tội phạm”, bà Harris nói. “Những kẻ săn mồi lạm dụng phụ nữ. Những kẻ lừa gạt người tiêu dùng. Những kẻ gian lận phá vỡ quy tắc để tư lợi. Vì vậy, hãy tin khi tôi khẳng định: Tôi hiểu loại người như ông Trump”.

Phát ngôn này gợi lại tuyên bố cứng rắn của bà Harris ở Oakland - điều bà đã để phai nhạt dần trong chiến dịch năm 2020.

“Trong hệ thống công lý của chúng ta, nỗi đau của bất kỳ cá nhân nào đều là nỗi đau với cả cộng đồng. Đó là lý do khi đề nghị khởi tố, chúng tôi không nộp dưới tên nạn nhân mà là ‘người dân’”, bà nói.

Lập trường nổi bật về quyền phá thai

Trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2020 của đảng Dân chủ, bà Harris không phải ứng viên duy nhất chỉ trích việc hạn chế quyền phá thai và thúc đẩy hủy bỏ Tu chính án Hyde. Do đó, sự ủng hộ của bà không tạo nên nhiều khác biệt.

Tuy nhiên, sau khi phán quyết Roe v. Wade bị lật đổ và trong một bối cảnh chiến dịch hoàn toàn khác, việc ủng hộ quyền phá thai hiện là một chủ đề đặc trưng của bà. Với tư cách phó tổng thống, bà Harris luôn là tiếng nói mạnh mẽ nhất trong chính quyền ông Biden về vấn đề này, trở thành cầu nối quan trọng giữa Nhà Trắng và các nhóm ủng hộ quyền phá thai.

Bà cũng là phó tổng thống đương nhiệm đầu tiên thăm một cơ sở cung cấp dịch vụ phá thai, khi đến một chi nhánh của Planned Parenthood ở Minnesota.

Về mặt chính trị, vấn đề này cũng mang lại cho bà Harris cơ hội hàn gắn mối quan hệ với các nhóm tiến bộ và tổ chức vận động của đảng Dân chủ vốn rạn nứt sau chiến dịch tranh cử năm 2020. Theo thời gian, các nhóm này đã dần tin tưởng bà Harris như một đồng minh kiên định và phiên bản đối lập với Tổng thống Biden - người dè chứng hơn trong việc thể hiện lập trường về quyền phá thai.

Ngoài việc đề cập đến quyền phá thai trong các bài phát biểu tranh cử, bà Harris cũng dự định nhấn mạnh “tự do” là thông điệp cốt lõi trong chiến dịch, ám chỉ thông điệp “tự do sinh sản” mà đảng Dân chủ theo đuổi. Đây cũng là chủ đề bài hát cho chiến dịch của bà - “Freedom” do ca sĩ Beyonce trình bày với sự góp giọng của Kendrick Lamar.

 Bà Harris đã đến thăm một cơ cở cung cấp dịch vụ phá thai ở Minnesota. Ảnh: New York Times.

Bà Harris đã đến thăm một cơ cở cung cấp dịch vụ phá thai ở Minnesota. Ảnh: New York Times.

Tạo khoảng cách với phe cấp tiến

Một thay đổi khác là bà Harris đã tạo khoảng cách lớn hơn với phe cấp tiến trong đảng Dân chủ. Phiên bản Kamala Harris trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2020 - người cố gắng không làm phật lòng các phe phái liên quan đến ông Sanders và bà Warren - đã không còn.

Ngoại trừ quyền phá thai, bà đã thay đổi một số lập trường chính sách so với năm 2020, nhấn mạnh bà không còn ủng hộ hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân “Medicare for All”, lệnh cấm khai thác dầu khí bằng phương pháp fracking hay chương trình mua lại súng bắt buộc.

Việc giữ khoảng cách nhất định với cánh tiến bộ rất quan trọng với bà Harris, khi đảng Cộng hòa chuẩn bị sử dụng các lập trường chính sách trước đây để chống lại bà.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6/2020, giữa các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc trên toàn cầu, bà Harris khẳng định nước Mỹ nên “chuyển hướng nguồn lực” từ các sở cảnh sát. Phe bảo thủ đã sử dụng điều này để mô tả bà là người chống đối cảnh sát, dù bà chưa bao giờ ủng hộ phong trào “giảm tài trợ” cho lực lượng này.

“Tôi không tin rằng chúng ta nên giảm tài trợ cho cảnh sát”, bà nói với phóng viên New York Times vào tháng 8/2023. Bà cho biết việc đảm bảo công bằng trong hoạt động thực thi pháp luật nên được thúc đẩy bởi những gì thực sự hiệu quả và đáng chi tiền.

“Nếu suy nghĩ theo hướng đó, hãy tìm hiểu xem chúng ta đang làm gì với hoạt động phòng tránh, vì nó thực sự rẻ hơn so với phản ứng sau khi sự việc đã xảy ra”, bà nói thêm.

 Người ủng hộ phó tổng thống Mỹ tại một sự kiện ở Atlanta hôm 30/7. Ảnh: New York Times.

Người ủng hộ phó tổng thống Mỹ tại một sự kiện ở Atlanta hôm 30/7. Ảnh: New York Times.

Có đảng hậu thuẫn

Có lẽ thay đổi lớn nhất so với năm 2020 là sự ủng hộ từ chính nội bộ đảng Dân chủ.

Cách đây chỉ 10 tháng, trong các cuộc phỏng vấn với New York Times, các thành viên đảng Dân chủ ở Washington sẵn sàng chỉ ra những thiếu sót của bà Harris và ủng hộ một lãnh đạo khác trong cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống năm 2028.

Trong đó, một cố vấn hàng đầu cho rằng năng lực chính trị của bà Harris không như kỳ vọng. Một nhà tài trợ lớn cũng cho biết nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong đảng tin rằng việc bà nhậm chức phó tổng thống không phải điều lý tưởng. Và khi đó, bà Harris cũng hầu như vắng mặt trong hoạt động kết nối ứng viên và nhà tài trợ tiềm năng cho cuộc bầu cử năm 2028.

Tuy nhiên, khi ông Biden rút lui và đảng Dân chủ đoàn kết ủng hộ chiến dịch của bà, những người từ lâu cho rằng phó tổng thống bị đánh giá thấp sẽ có cơ hội chứng minh niềm tin của họ đặt đúng chỗ.

Hiện tại, bà Harris đang ở trong bối cảnh lý tưởng: Một cuộc đua gấp rút chống lại đối thủ gây chia rẽ, với sự ủng hộ của nhiều nhà tài trợ, người nổi tiếng và quan chức trong đảng.

Giờ đây, tất cả chỉ còn phụ thuộc vào bà.

Cuộc gọi quan trọng từ ông Obama và phu nhân tới bà Harris Cựu Tổng thống Barack Obama và phu nhân đã liên lạc với Phó tổng thống Kamala Harris để bày tỏ sự ủng hộ với bà trong cuộc đua trở thành ứng viên đại diện đảng Dân chủ.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/ba-harris-hoc-duoc-gi-tu-lan-tray-trat-nam-2020-post1489869.html