'Ba không' để ngăn chặn ma men trên đường
Với tinh thần kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn theo phương châm 'ba không': Không có vùng cấm - Không có ngoại lệ - Không ngày nghỉ, tin rằng không chỉ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, mà kể cả sau này, chuyện 'đã uống rượu bia thì không lái xe' sẽ trở thành nhận thức chung của cộng đồng và thói quen của mỗi cá nhân.
Ngày 19/1, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 22/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý vi phạm nồng độ cồn theo phương châm “ba không”: Không có vùng cấm – Không có ngoại lệ - Không có ngày nghỉ. Việc nhấn mạnh tới phương châm “ba không” là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh Tết đến, Xuân về.
Thực tế cho thấy dù chưa tới Tết, đã có rất nhiều ma men bị xử lý vì vi phạm an toàn giao thông. Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, 10 ngày thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (11 – 21/1/2024), lực lượng chức năng đã xử lý 30.491 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Con số này của cả năm 2023 là 770.000 trường hợp, tăng 1,5 lần so với năm 2022 và nhiều hơn tổng số 3 năm 2020 – 2022 cộng lại. Đáng chú ý hơn là trong năm 2023, số trường hợp vi phạm nồng độ cồn chiếm khoảng 23% tổng số trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tức là trung bình 1 ngày xử lý hơn 2.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Những con số nêu trên cho thấy thực tế đáng báo động bởi vì nó xảy ra trong bối cảnh các quy định, chế tài đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã đi vào cuộc sống với mức xử phạt tăng cao. Cụ thể, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020), mức xử phạt cao nhất đối với lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn tới 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng. Còn đối với tài xế xe máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng, nếu vi phạm nồng độ cồn nặng nhất sẽ bị phạt kịch khung từ 6 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Lái xe vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn sẽ bị xử lý hình sự theo các chế tài khác nhau, tùy mức độ nghiêm trọng.
Do đó, việc ngăn chặn người tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn để kéo giảm tai nạn luôn là ưu tiên hàng đầu trong xử phạt vi phạm an toàn giao thông của lực lượng công an. Vấn đề này cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của dư luận xã hội. Bởi nếu "ma men" vẫn ngồi sau tay lái, sự bình yên trên mỗi con đường sẽ bị đe dọa. Đặc biệt là khi Tết đến, Xuân về, người ta lại có cả mớ lý do để mời mọc nhau uống rượu bia. Và lúc đã dốc chén, ngà men say rồi mà còn ngồi sau tay lái thì vui đâu chưa thấy, nhưng nguy cơ mất an toàn đã cận kề. Hậu quả của những cạn tận đáy ly ấy là không ít vụ tai nạn nghiêm trọng, khiến nhiều người tử vong, hoặc thương tật vĩnh viễn, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Để tạo sức răn đe, góp phần ngăn chặn người có nồng độ cồn trong cơ thể tham gia giao thông, lực lượng chức năng cần nghiêm chỉnh quán triệt và thực thi phương châm “ba không”, đặc biệt là đối với những người làm việc trong hệ thống chính quyền. Năm 2023, hàng trăm trường hợp người vi phạm nồng độ cồn là đảng viên, cán bộ, công chức, công an, sĩ quan... đã bị xử lý, không chỉ theo Nghị định 100, mà còn theo cả quy định của cơ quan, đơn vị chủ quản người vi phạm bởi thông tin vi phạm sẽ được gửi về cơ quan, đơn vị của họ.
Có thể kể ra đây một số trường hợp như do vi phạm nồng độ cồn trong lúc điều khiển ô tô vào tối 22/9/2023, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang bị phạt 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe trong 23 tháng và bị xử lý trách nhiệm theo quy định nội bộ ngành công an. Trước đó khoảng 1 tuần, Bí thư huyện ủy một huyện ở tình Bình Thuận đã bị phạt hành chính và thông báo sai phạm về nơi làm việc vì vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển ô tô. Gần đây nhất, Công an thành phố Vinh đã chuyển hồ sơ vụ một thượng úy quân đội vi phạm nồng độ cồn và có biểu hiện chống đối cùng người vi phạm sang Cơ quan điều tra khu vực 2, Quân khu 4 để điều tra, xử lý theo thẩm quyền….
Những gì nêu trên có thể thấy phương châm “Không có vùng cấm – Không có ngoại lệ” đã và đang được hiện thực hóa. Tuy nhiên, để hình thành thói quen “đã uống rượu thì không lái xe”, lực lượng chức năng cần không ngừng nỗ lực, không chỉ có cao điểm mới tăng cường kiểm tra, xử phạt; cũng không phải chỉ lập chốt ở các tuyến phố, con đường lớn. Bởi hiện nay có tình trạng các ma men thông báo với nhau thông tin về các đợt cao điểm hay vị trí chốt kiểm tra nồng độ cồn, từ đó tìm cách né chốt, đi vào các ngõ nhỏ, đường ngang. Ở khía cạnh này, kế hoạch tuần tra kiểm soát cũng cần phải có sự điều chỉnh, bổ sung, tạo thế bọc lót, không để ma men “hớn hở” vì đã tránh chốt an toàn, lần sau lại tái diễn.