Ba Lan cảnh báo châu Âu về 'một thời kỳ rất khó khăn' sắp tới
Ba Lan, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho rằng đã đến lúc châu Âu phải tự chịu trách nhiệm về tương lai và an ninh của chính mình.
Ba Lan bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) kéo dài 6 tháng của mình khi ông Donald Trump chuẩn bị nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 và xung đột Nga-Ukraine đang tiếp diễn ở sát vách.
Trong bối cảnh này, Warsaw đã đưa ra lời cảnh báo về "một thời kỳ rất khó khăn" sắp tới đang đón đợi châu Âu.
"Các nước châu Âu đều nhận thức rằng vài tháng tới sẽ là một thời kỳ rất khó khăn… Đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng đây là thời điểm thích hợp để nói to rằng đã đến lúc châu Âu phải tự chịu trách nhiệm về tương lai và an ninh của chính mình", Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Ba Lan, Adam Szłapka, nói với tờ The Guardian (Anh) hôm 15/1.
"An ninh là điều chúng ta cần nghĩ đến mỗi ngày", ông Szłapka cho biết trong cuộc phỏng vấn với báo Anh tại tòa nhà Bộ ngoại giao Ba Lan ở Warsaw, đồng thời nói thêm rằng đất nước ông định nghĩa an ninh châu Âu theo nghĩa rộng.
"Nó không chỉ là việc tăng cường năng lực cho ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta. Mà còn là về an ninh nội bộ… về an ninh năng lượng và an ninh kinh tế", vị quan chức Ba Lan nói.
Ba Lan giữ chức Chủ tịch luân phiên EU từ ngày 1/1 đến ngày 30/6/2025. Nước này đã từng đảm nhiệm vị trí này vào năm 2011, nhưng quốc gia Đông Âu và "cựu lục địa" đang trải qua một thời điểm rất khác so với khi Warsaw lần đầu "cầm trịch".
Khi đó, Ba Lan mới là thành viên EU trong chưa đầy một thập kỷ. Giờ đây, đất nước này là một trong những nhân tố chủ chốt của châu Âu trong phản ứng đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine ở sát vách.
Ba Lan tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên EU từ Hungary, nơi nhà lãnh đạo lâu năm Viktor Orbán thường xuyên xung đột với Brussels và có lập trường thân thiện với Nga hơn bất kỳ quốc gia thành viên EU nào khác.
Ông Orbán bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Hungary bằng chuyến thăm Moscow – mà ông mô tả là ""sứ mệnh hòa bình" – khiến nhiều người ở Kiev và các thủ đô châu Âu khác tức giận.
Dưới thời chính phủ dân túy Ba Lan trước đây do Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) điều hành, Ba Lan và Hungary là đồng minh thân thiết, nhưng kể từ khi chính phủ của Thủ tướng Donald Tusk tiếp quản vào cuối năm 2023, quan hệ giữa Warsaw và Budapest ngày càng trở nên căng thẳng.
Nhưng có lẽ thời điểm này, điều người Ba Lan để ý nhiều nhất vẫn là sự trở lại của ông Trump. Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Ba Lan Szłapka cho biết vẫn còn quá sớm để nói điều gì.
"Bây giờ chúng ta chỉ đang nói về một số tuyên bố và thông tin liên lạc đến từ nhóm của Tổng thống Trump, chúng ta vẫn chưa quan sát hành động của họ. Vì vậy, đây không phải là thời điểm tốt để suy đoán về nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump sẽ như thế nào. Chúng tôi đang chờ lễ nhậm chức, chờ những tuyên bố chính thức đầu tiên của ông ấy với tư cách là Tổng thống Mỹ", ông Szłapka nói.
Thủ tướng Ba Lan Tusk từng nói với các nước châu Âu rằng thời gian lục địa này ủy thác an ninh của mình cho người khác "đã qua rồi", và với tư cách là quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng theo tỉ lệ GDP, Ba Lan ít nhất sẽ có vị thế tốt để đàm phán với ông Trump.
Trên thực tế, Ba Lan đã hoan nghênh lời kêu gọi của ông Trump về việc các quốc gia thành viên NATO châu Âu chi 5% GDP cho quốc phòng. Ba Lan hiện là nước chi tiêu quốc phòng lớn nhất trong NATO – với 4,12% GDP vào năm 2024 và dự kiến sẽ tăng lên 4,7% trong năm nay.
Minh Đức (Theo The Guardian, GZero Media)