Ba Lan cáo buộc trực thăng Belarus xâm phạm không phận

Ba Lan ngày 1/8 cáo buộc hai trực thăng quân sự của Belarus xâm phạm không phận của nước này khiến họ phải điều thêm quân tới biên giới phía đông. Tuy nhiên, Belarus đã phủ nhận cáo buộc, cho rằng Warsaw đang viện cớ để huy động binh lực.

Belarus phủ nhận việc trực thăng xâm phạm biên giới Ba Lan. Ảnh: Sputnik

Belarus phủ nhận việc trực thăng xâm phạm biên giới Ba Lan. Ảnh: Sputnik

"Hai trực thăng của Belarus đã xâm phạm không phận Ba Lan đang huấn luyện gần biên giới", Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết trong tuyên bố, theo RT.

Quân đội Ba Lan ban đầu phủ nhận xảy ra bất kỳ vụ xâm phạm biên giới, nhưng sau khi tham khảo ý kiến đã xác nhận vụ xâm phạm "diễn ra ở tầm thấp tại khu vực Bialowieza, cản trở các hệ thống radar phát hiện".

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak tuyên bố tăng cường số lượng binh sĩ dọc biên giới với Belarus, cũng như tăng các nguồn lực khác như trực thăng chiến đấu để phản ứng với vụ xâm phạm biên giới.

Ba Lan đang triển khai hàng nghìn cảnh vệ và binh lính bảo vệ biên giới với Belarus. Ảnh: Reuters

Ba Lan đang triển khai hàng nghìn cảnh vệ và binh lính bảo vệ biên giới với Belarus. Ảnh: Reuters

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ba Lan đã triệu tập Đại biện lâm thời Belarus để yêu cầu giải thích về vụ việc. "Phía Ba Lan nhấn mạnh rằng vụ việc được coi là một yếu tố khác làm leo thang căng thẳng ở biên giới Ba Lan - Belarus. Ba Lan hy vọng Belarus sẽ kiềm chế các hoạt động như vậy", Bộ này cho biết.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Belarus phủ nhận việc các trực thăng Mi-24 và Mi-8 của nước này xâm phạm không phận Ba Lan. Bộ này cho rằng Ba Lan không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào, cáo buộc Warsaw đã viện cớ cho nỗ lực tập hợp quân đội gần biên giới với Minsk.

Mỹ và NATO chưa đưa ra bình luận về vụ việc này.

Trong những tuần gần đây, Ba Lan và các nước láng giềng ở sườn đông NATO đã bày tỏ lo ngại về mối đe dọa tiềm ẩn từ Belarus - đồng minh thân cận của Nga, trong bối cảnh Minsk đang là nơi đóng quân của lực lượng quân sự tư nhân Wagner sau cuộc bạo loạn thất bại tại Moscow.

Hôm 29/7, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki lên tiếng cảnh báo rằng một nhóm gồm 100 lính đánh thuê Wagner ở Belarus đã tiến gần hơn đến thị trấn biên giới Grodno. Ông mô tả động thái này "chắc chắn là một bước tiến tới một cuộc tấn công hỗn hợp sắp tới vào lãnh thổ Ba Lan". Ba Lan đã thông báo triển khai thêm 1.000 binh sĩ tới biên giới và tăng gần gấp đôi quân số, từ 172.000 lên 300.000 binh sĩ.

Một lính biên phòng tuần tra dọc biên giới Ba Lan - Belarus. Ảnh: AFP

Một lính biên phòng tuần tra dọc biên giới Ba Lan - Belarus. Ảnh: AFP

Hồi tháng trước, Tổng thống Alexander Lukashenko đã nói đùa trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng một số binh sĩ Wagner rất muốn tiến vào Ba Lan và "thực hiện chuyến thăm tới Warsaw và Rzeszow". Rzeszow là một thành phố gần biên giới giữa Ba Lan và Ukraine. Địa điểm này được coi là trung tâm đầu mối để NATO cung cấp các loại vũ khí, đạn dược và thiết bị sửa chữa khí tài cho Ukraine.

Hãng Belta dẫn lời ông Lukashenko hôm 1/8 nói rằng Ba Lan nên "cầu nguyện rằng Belarus đang cố gắng kiềm chế các binh sĩ Wagner. Nếu không, lực lượng này có thể sẽ tràn qua Warsaw và Rzeszow".

Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 7 tuyên bố Washington sẽ bảo vệ Ba Lan trong mọi trường hợp tấn công từ nước ngoài. "

Tôi không biết các bạn nên tin điều đó đến mức nào. Tôi chỉ muốn nhắc lại rằng, liên minh của chúng tôi với Ba Lan rất vững chắc. Tất nhiên, Ba Lan là một thành viên của NATO và nếu cần, chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tuyên bố.

Trong khi đó, Belarus đang duy trì mối quan hệ Nhà nước liên minh và hiệp ước phòng thủ chung với Nga. Quân đội Nga cũng duy trì lực lượng quân sự tại Belarus. Tổng thống Nga Putin cũng từng cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nào từ phía Ba Lan nhằm vào quốc gia đồng minh Belarus sẽ bị coi là một cuộc tấn công vào chính Nga.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ba-lan-cao-buoc-truc-thang-belarus-xam-pham-khong-phan-post25037.html