Ba Lan chấp nhận đề xuất của Mỹ về xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước này
Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho biết đã chấp nhận đề nghị của Mỹ về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ba Lan, được xem như một thông điệp gửi tới Moscow về mối quan hệ giữa Warsaw và Washington.
Ngày 28-10, Thủ tướng Ba Lan - ông Mateusz Morawiecki xác nhận Ba Lan đã chấp nhận lời đề nghị của Mỹ về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước này, theo hãng tin Reuters.
Tập đoàn Điện hạt nhân Westinghouse Electric của Mỹ và chính phủ Ba Lan sẽ ký hợp đồng xây dựng các lò phản ứng hạt nhân. Lò phản ứng đầu tiên dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2033.
Ông Morawiecki viết trên Twitter: “Chúng tôi xác nhận dự án năng lượng hạt nhân của Ba Lan sẽ sử dụng công nghệ an toàn, đáng tin cậy của Tập đoàn Westinghouse Electric”.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sau đó chia sẻ lại bài đăng của ông Morawiecki, khẳng định: “Sự hợp tác của Mỹ trong dự án này mang lại lợi ích cho tất cả các bên: giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh năng lượng cho châu Âu và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ chiến lược Mỹ-Ba Lan”.
Tháng trước, Đại sứ Mỹ tại Ba Lan - ông Mark Brzezinski đã đưa ra đề xuất để tập đoàn Westinghouse tham gia vào dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ba Lan.
Bà Harris cùng Bộ trưởng Năng lượng Mỹ - bà Jennifer Granholm đã làm việc với thủ tướng Ba Lan để giúp tập đoàn Westinghouse đạt được hợp đồng.
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao (giấu tên) của chính phủ Mỹ nói rằng việc Ba Lan lựa chọn tập đoàn Westinghouse của Mỹ đã gửi một thông điệp tới Tổng thống Nga Vladimir Putin về sức mạnh và sự gắn kết của liên minh Mỹ-Ba Lan.
Theo tầm nhìn của Warsaw về dự án năng lượng này, đến năm 2040 Ba Lan sẽ có tổng cộng 6 lò phản ứng hạt nhân với công suất từ 6 đến 9 gigawatt (GW) điện. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ cung cấp công nghệ, hỗ trợ quản lý để đổi lấy 49% cổ phần trong liên doanh.