Ba lần chết hụt và hành trình tìm mộ liệt sĩ của người lính Ba Gia

Hơn 20 năm qua, cựu chiến binh Trần Văn Tần (phường Thanh Bình, Hải Châu, TP Đà Nẵng) vẫn tiếp tục hành trình tìm lại mộ liệt sĩ trên khắp Quảng Nam, Quảng Ngãi với tâm huyết đưa đồng đội, đồng chí của mình về lại với gia đình.

NDĐT - Hơn 20 năm qua, cựu chiến binh Trần Văn Tần (phường Thanh Bình, Hải Châu, TP Đà Nẵng) vẫn tiếp tục hành trình tìm lại mộ liệt sĩ trên khắp Quảng Nam, Quảng Ngãi với tâm huyết đưa đồng đội, đồng chí của mình về lại với gia đình.

Tuổi 20 ở lại

Trần Văn Tần (sinh năm 1941), quê xã Điện Tiến (Điện Bàn, Quảng Nam), năm 18 tuổi, anh hoạt động chính trị tại Biệt khu đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau khi bị địch bắt và tuyên phạt một năm tù treo (tháng 10-1964), anh trốn khỏi Sài Gòn, tiếp tục chiến đấu và trở thành chiến sĩ của Đại đội 12 ly 8, thuộc Trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia), Sư đoàn 2, Quân khu V. Từ lúc đó đến khi giải phóng miền nam và 10 năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế hỗ trợ nước bạn Campuchia, người chiến sĩ Ba Gia đã trải qua nhiều trận đánh, giữa lằn ranh của sinh tử, ông may mắn sống sót. Tuy nhiên, những người bạn, người đồng chí đã mãi mãi ở lại tuổi 20, những câu chuyện đã đi theo ông cho đến tận bây giờ không thể quên…

Tại Chiến dịch mùa khô đầu năm 1966, trên đường hành quân ra Quảng Nam, đơn vị ông dừng chân tại thôn Khánh Thượng (xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Bắt đầu từ một giờ sáng đến gần trưa cùng ngày, địch đổ quân tấn công, trên trời máy bay địch gầm rú, bắn phá điên cuồng, chiếm các cao điểm. Quân ta chiến đấu cảm tử, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bắn rơi máy bay trực thăng, tuy nhiên cũng thương vong nhiều.

Lúc này, ông Tần bị một viên đạn găm ngực, thủng phổi. Thấy vậy, anh Mười, đại đội phó yêu cầu ông tìm chỗ nằm, đồng thời lệnh cho tất cả tiếp tục chiến đấu, không ai rời trận địa. Ông Tần bò đến được một cái hầm, trú cùng anh Nha (quê Hiệp Đức, Quảng Nam), anh Toại (quê Thăng Bình, Quảng Nam) cũng đã bị thương nặng. Đến chiều, hai tên lính Mỹ đến cửa hầm và xả súng khiến anh Nha, anh Toại hy sinh. Ông Tần nằm khuất trong góc hầm nên may mắn sống sót.

Bị thương cả ngày, vết thương không được băng bó nên sức của ông cứ yếu dần đi, gắng chút sức lực cuối cùng để bò ra khỏi trận địa, ông Tần được dân cứu và đưa vào trạm gác, người ông cũng lịm dần. Một người trung đội trưởng tưởng ông đã hy sinh nên đề nghị mọi người mang ông đi chôn cất. May thay, một người anh ruột của ông Tần lúc này chạy đến thì thấy ông vẫn còn thở thoi thóp, nhờ người khiêng ông đi phẫu thuật. “Đó là ba lần chết hụt may mắn vẫn hồi sinh trở lại, một kỷ niệm không thể nào quên được của bác. Máu anh em, đồng đội đã hòa quyện vào mảnh đất Khánh Thượng đó…” - nhắc đến chuyện cũ, cựu chiến bình Trần Văn Tần rưng rưng.

Những bước chân trở lại

“Bác không thể ngủ ngon được từ ngày đó cho đến tận mãi sau này, sống trong những ngày đất nước hòa bình lòng vẫn luôn hướng về hai người đồng chí đã chết thay mình nơi Khánh Thượng…” – ông Tần tâm sự. Lòng thôi thúc, sau khi nghỉ hưu, hai vợ chồng ông đã tìm về quê của hai liệt sĩ Toại và Nha để thắp hương thì mới biết hai anh không có giấy báo tử, hồ sơ đều thất lạc.

Ông Trần Văn Tần kể lại những lần tìm mộ liệt sĩ.

Ông bắt đầu hành trình “tìm lại tên” cho các anh. Ông tìm được nơi các anh hy sinh và phát hiện ra nơi các anh hy sinh còn là mồ chung của 112 liệt sĩ khác, trong đó đại đội 14 có 48 đồng chí. Nhiều đồng chí trong số này không có giấy báo tử. Vừa là tâm linh, vừa là may mắn và nhờ những sự giúp đỡ, ông Tần tìm được mộ của anh Nha, anh Toại giữa những ngôi mộ cùng mang tên vô danh và báo về cho gia đình các anh. Riêng Liệt sĩ Nha không còn người thân, ông đã mang về thờ và làm giỗ hằng năm.

Nơi các liệt sĩ đã hy sinh, hai vợ chồng quyết định làm bia tưởng niệm, nghe tin vậy, các đồng đội, đồng chí gần xa đã cùng hỗ trợ, đóng góp. Sau 43 năm từ ngày các anh hy sinh, bia và nhà bia tưởng niệm đã được ông và đồng đội dựng lên, mãi mãi khắc ghi công ơn của các liệt sĩ.

Nhiều đồng đội khác của ông đã ngã xuống chưa về được với gia đình cũng được hai vợ chồng ông đi khắp Quảng Nam, Quảng Ngãi để tìm kiếm.

Hai chiến sĩ trẻ Trần Văn Tần và Phạm Ngọc Mân là bạn thân, sát cánh với nhau bốn năm tại Trung đoàn Ba Gia. Một đêm nằm nghỉ trong hầm năm 1969, hai anh đã tâm sự với nhau nhiều điều, về nỗi nhớ quê, nhớ gia đình, về những trận chiến, đồng đội và giấc mơ hòa bình… Ngày hôm sau, anh Mân đã hy sinh trong một trận đánh trên vùng đất xã Quế Thọ (Hiệp Đức, Quảng Nam). Lòng luôn nhớ về người bạn thân nơi chiến trường xưa, ông Tần buồn hơn khi anh Mân vẫn chưa được tìm thấy. Ông cùng vợ lại tiếp tục hành trình trở về với những địa điểm của hơn 40 năm trước, gặp những người lính năm xưa để tìm bạn của mình. Ngày tìm được Liệt sĩ Mân và báo cho gia đình, cả hai bên đều xúc động nghẹn ngào, lòng ông cũng cảm thấy nhẹ hơn...

Đến nay, đã có gần 50 liệt sĩ được ông Trần Văn Tần tìm về với gia đình. Hễ có người nhờ hỗ trợ trong việc tìm kiếm, ông luôn sẵn sàng đi cùng. Ông cũng thờ và làm giỗ cho năm liệt sĩ không còn người thân.

Bước qua tuổi 80, không còn sức khỏe dẻo dai như trước để có thể chạy xe, công việc tìm kiếm mộ liệt sĩ của ông cũng đã ít lại, nhưng bằng cách này hay cách khác, ông cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ các gia đình. “Tôi thấy mình đã quá may mắn, nên lúc vẫn còn có thể nhớ được các vị trí năm xưa, lúc sức khỏe vẫn còn có thể, tôi muốn giúp đỡ các gia đình thân nhân liệt sĩ, là đồng đội, đồng chí của mình để tất cả các anh đều được trở về với gia đình…”, cựu chiến binh Trần Văn Tần xúc động.

Bài, ảnh: BÙI THỊ THANH TÂM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44285302-ba-lan-chet-hut-va-hanh-trinh-tim-mo-liet-si-cua-nguoi-linh-ba-gia.html