Ba Lan chưa quyết định viện trợ chiến đấu cơ cho Ukraine dù được Mỹ 'bật đèn xanh'

Ba Lan mới chỉ xác nhận tiếp tục các cuộc đàm phán về vấn đề cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine chứ chưa đưa ra cam kết thực sự.

Trong cuộc gặp trực tuyến với các nhà lập pháp Mỹ cuối tuần qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Mỹ hỗ trợ để giúp nước này có thêm máy bay chiến đấu nhằm đối phó với cuộc tấn công của Nga và duy trì quyền kiểm soát không phận.

Máy bay chiến đấu MiG-29. Ảnh: Wikipedia.

Máy bay chiến đấu MiG-29. Ảnh: Wikipedia.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington đã “bật đèn xanh” cho ý tưởng này và đang xem xét đề xuất của Ba Lan cung cấp máy bay chiến đấu có từ thời Liên Xô cho Ukraine, đổi lại nước này sẽ nhận máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ.

Tuy nhiên đề xuất này không chắc chắn, hơn nữa Ba Lan vẫn chưa công bố kế hoạch, phần lớn do lo ngại cảnh báo của Nga cho rằng việc hỗ trợ các lực lượng không quân ở Ukraine sẽ được coi là tham gia xung đột và sẽ phải hứng chịu các biện pháp đáp trả. Theo thông báo chính thức của NATO và Liên minh châu Âu, Ba Lan mới chỉ xác nhận tiếp tục các cuộc đàm phán về chủ đề này.

Vì sao Ukraine cần máy bay chiến đấu?

Không quân Ukraine được thành lập vào tháng 3/1992, với lực lượng máy bay tiếp quản từ không quân Liên Xô sau khi Liên Xô tan rã. Phi đội máy bay chiến đấu Ukraine bao gồm nhiều máy bay MiG-29 Fulcrums và Su-27 Flankers có từ thời Liên Xô. Phần nhiều trong số này đã lạc hậu hoặc cần được nâng cấp. Chính vì vậy, nước này muốn có thêm nhiều máy bay chiến đấu để tăng cường sức mạnh của lực lượng không quân.

Hiện tại, chiến đấu cơ Ukraine vẫn đang tham gia vào các cuộc xuất kích tầm thấp, phòng thủ đối không và tấn công mặt đất trong cuộc chiến.

Máy bay MiG-29 của Ukraine bị bắn hạ trong cuộc tấn công tên lửa (Ảnh: Military Watch Magazine)

Máy bay MiG-29 của Ukraine bị bắn hạ trong cuộc tấn công tên lửa (Ảnh: Military Watch Magazine)

Tại sao không phải là máy bay của Mỹ?

Các phi công quân sự của Ukraine không được đào tạo để lái máy bay chiến đấu của Mỹ. Trong khi đó họ có thể tiếp nhận và điều khiển những chiếc MiG ngay lập lức, nhưng Ba Lan không muốn mất một lượng lớn máy bay trong lực lượng không quân mà không có sự thay thế. Do vậy, nước này đề xuất tiếp nhận chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất. F-16 có thể trở thành trụ cột của lực lượng không quân Ba Lan khi nước này hiện đại hóa quân đội.

Phản ứng của Ba Lan

Ngoại trưởng Mỹ Blinken ngày 6/3 cho biết, Washington đã “bật đèn xanh” cho Ba Lan để cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.

“Hiện chúng tôi đang tích cực xem xét những câu hỏi về loại máy bay mà Ba Lan có thể cung cấp cho Ukraine và đánh giá cách thức chuyển giao cho Ba Lan máy bay chiến đấu nếu quyết định được thực hiện. Tôi không thể nói rõ về lịch trình mà chỉ có thể thông báo rằng chúng tôi đang xem xét một cách tích cực”.

Tuy nhiên, phản ứng từ phía Ba Lan vẫn rất hạn chế. Người phát ngôn của chính phủ Ba Lan Piotr Mueller cho biết: “Về việc cung cấp máy bay, tôi muốn nhắc lại rằng không có quyết định nào được đưa ra về chủ đề này”. Ông Piotr Mueller cũng bác bỏ thông tin cho rằng Ba Lan đang chuẩn bị sân bay cho các máy bay chiến đấu của Ukraine.

Tại sao Ba Lan không đưa ra cam kết?

Dù ủng hộ Ukraine, Warsaw đang phải đối mặt với một quyết định quan trọng và đầy thách thức liên quan đến việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.

Nga đã nhiều lần cảnh báo các nước láng giềng của Ukraine không nên triển khai máy bay chiến đấu của họ trên lãnh thổ nước này, đồng thời nói rằng, Moscow sẽ xem đây như “việc can dự vào cuộc xung đột” và “hành vi mở màn cho sự thù địch”. Tuyên bố của Moscow có thể coi là một lời cảnh báo rộng rãi hơn đối với tất cả hành động quân sự của phương Tây, chứ không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ lực lượng không quân Ukraine.

Trước đó hôm 6/3, hãng tin TASS dẫn lời ông Alexey Polishchuk - Vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thuộc Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp vũ khí cho Ukraine là “cực kỳ nguy hiểm”, có thể dẫn đến một cuộc đụng độ giữa Nga và liên minh này.

Ba Lan có chung đường biên giới với Nga, tiếp giáp với vùng Kaliningrad và cũng có đường biên giới chung với Belarus – một đồng minh thân cận của Moscow. Quan hệ giữa Nga và Ba Lan đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi chính phủ cánh hữu lên nắm quyền tại Ba Lan vào năm 2015.

Những thách thức khác

Trong trường hợp Ba Lan đồng ý cung cấp máy bay chiến đấu MiG cho Ukraine, thì câu hỏi lớn là máy bay này sẽ được đặt ở đâu vì khi đó chúng sẽ không thể ở trên lãnh thổ NATO. Không rõ Ukraine có thể xây dựng nhà chứa máy bay và các cơ sở bảo dưỡng một cách lâu dài hay không khi chiến sự vẫn đang tiếp diễn.

Một câu hỏi khác là làm thế nào để vận chuyển máy bay đến Ukraine. Các phi công Ba Lan, cũng là phi công của NATO không thể lái chúng đến Ukraine bởi làm như vậy không khác nào can dự trực tiếp vào cuộc xung đột. Việc đưa các phi công Ukraine đến Ba Lan để đưa máy bay về nước họ cũng có thể gây ra các vấn đề tương tự.

Ngoài ra, quá trình chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ba Lan, vốn đang được sản xuất tại Mỹ cũng cần phải có thời gian. Trong lúc đó, lực lượng không quân của Ba Lan sẽ bị thiếu hụt máy bay chiến đấu và rất dễ bị tổn thương.

Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio đánh giá: “Có rất nhiều thách thức đi kèm. Việc bàn giao không hề dễ dàng. Bạn phải điều khiển những máy bay đó và cần phải đặt chúng ở một nơi nào đó trên mặt đất”./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ba-lan-chua-quyet-dinh-vien-tro-chien-dau-co-cho-ukraine-du-duoc-my-bat-den-xanh-post928788.vov