Ba Lan có sẵn lòng cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine?

Trước đó, Nga đã cảnh báo rằng bất kỳ bên nào hỗ trợ lực lượng không quân của Ukraine sẽ bị Moscow coi là bên tham gia vào cuộc xung đột.

Các quan chức chính phủ Ba Lan nói rằng Ba Lan chưa từng gửi và sẽ không gửi máy bay chiến đấu của họ đến Ukraine để hỗ trợ nước này phòng thủ chống lại Nga, AP đưa tin.

Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan, Marcin Przydacz, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên Radio Zet: "Chúng tôi sẽ không mở các sân bay của mình và máy bay Ba Lan sẽ không chiến đấu trên lãnh thổ Ukraine".

Trong khi đó, Người phát ngôn của Chính phủ Ba Lan, Piotr Mueller, cho biết quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Ông nói rằng quyết định về việc có gửi máy bay chiến đấu hay không đi kèm với rủi ro và là một “vấn đề rất tế nhị”.

Các bình luận trên được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẩn thiết yêu cầu Mỹ giúp Kiev có thêm máy bay chiến đấu để chống lại sự gây hấn của Nga và duy trì quyền kiểm soát không phận của mình.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 6/3 cho biết, Washington đang xem xét một đề xuất mà theo đó Ba Lan sẽ cung cấp cho Kiev các máy bay chiến đấu sản xuất từ thời Liên Xô của nước này và sẽ nhận các máy bay F-16 của Mỹ để bù lại.

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken (trái) gặp Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau ngày 5/3/2022 trong chuyến công du Ba Lan. Ảnh: ĐSQ Mỹ tại Ba Lan

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken (trái) gặp Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau ngày 5/3/2022 trong chuyến công du Ba Lan. Ảnh: ĐSQ Mỹ tại Ba Lan

Theo AP, Ba Lan công khai tỏ ra ít nhiệt tình với ý tưởng này, phần lớn là vì Nga đã cảnh báo rằng bất kỳ bên nào hỗ trợ lực lượng không quân của Ukraine sẽ bị Moscow coi là bên tham gia vào cuộc xung đột và có thể gặp phải nguy cơ bị trả đũa.

Ukraine tái chiếm sân bay khu vực Mykolayiv

Các lực lượng Ukraine đã chiếm lại sân bay khu vực ở Mykolayiv, miền Nam Ukraine, từ quân đội Nga, theo Thống đốc khu vực Vitaliy Kim, Al Jazeera cho biết.

“Đường đã mở, chúng tôi kiểm soát các cây cầu, quý vị có thể an toàn rời khỏi [thành phố] Mykolayiv và các thị trấn khác”, ông Kim cho biết trong một tuyên bố trên truyền hình.

Ngoại trưởng Nga sẽ gặp người đồng cấp Ukraine

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba dự kiến sẽ gặp nhau vào ngày 10/3 bên lề một diễn đàn ngoại giao tại khu nghỉ mát Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ, Al Jazeera dẫn nguồn các hãng thông tấn Nga và nhà ngoại giao hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với truyền thông nước này rằng hai bên đã đồng ý gặp mặt và ông cũng sẽ tham dự các cuộc thảo luận.

Ankara, vốn có quan hệ chặt chẽ với cả Moscow và Kiev, đã nhiều lần cố gắng đóng vai trò trung gian hòa giải giữa hai bên.

Kiev vẫn chưa xác nhận liệu Ngoại trưởng Kuleba có gặp ông Lavrov hay không, Al Jazeera cho biết.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) dự kiến gặp nhau trong cuộc gặp ba bên với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: California18

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) dự kiến gặp nhau trong cuộc gặp ba bên với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: California18

Nga nhắc lại điều kiện để ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine

Nga đã thông báo với Ukraine rằng, Moscow sẵn sàng dừng các hoạt động quân sự "ngay tức khắc" nếu Kiev đáp ứng các điều kiện của Moscow, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Reuters.

Ông Peskov cho biết các yêu cầu gồm: Ukraine ngừng hành động quân sự, thay đổi hiến pháp để đề cao tính trung lập, thừa nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và công nhận các nước cộng hòa ly khai Donetsk và Lugansk là các quốc gia độc lập.

Ông Peskov khẳng định Ukraine đã biết về các điều kiện, “và họ cũng đã được thông báo rằng tất cả những điều này (giao tranh) sẽ chấm dứt ngay tức khắc”.

Không có phản ứng ngay lập tức từ phía Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định Nga không tìm cách đưa ra thêm bất kỳ yêu sách lãnh thổ nào đối với Ukraine.

"Chúng tôi thực sự đang hoàn thành việc phi quân sự hóa Ukraine. Chúng tôi sẽ hoàn thành mục tiêu này. Nhưng điều quan trọng chính là Ukraine phải ngừng hành động quân sự. Họ nên dừng hành động quân sự của mình và sau đó sẽ không ai nổ sung nữa", Người phát ngôn Điện Kremlin nói.

Về vấn đề trung lập, ông Peskov nói: "Họ nên sửa đổi hiến pháp, theo đó Ukraine sẽ bác bỏ bất kỳ mục đích gia nhập bất kỳ khối liên minh nào".

Ông cho biết thêm: "Chúng tôi cũng đã yêu cầu rõ rằng họ nên công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và họ cần phải công nhận rằng Donetsk và Lugansk là các quốc gia độc lập. Chỉ vậy thôi. Mọi chuyện sẽ dừng lại ngay tức khắc".

Ngay lúc này, đàm phán Nga – Ukraine vòng 3 đã bắt đầu.

Thủ tướng Ấn Độ thúc giục ông Putin hội đàm trực tiếp với ông Zelensky

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức hội đàm trực tiếp với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, theo một nguồn tin Chính phủ Ấn Độ được hãng tin Reuters trích dẫn.

Ông Modi và ông Putin đã nói chuyện qua điện thoại hôm 7/3, theo nguồn tin.

“Thủ tướng Modi đã thúc giục Tổng thống Nga Putin tổ chức các cuộc hội đàm trực tiếp với Tổng thống Zelensky của Ukraine, bên cạnh các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa hai phái đoàn”, nguồn tin của Reuters cho biết.

Ngoại trưởng Blinken: Mỹ sẽ “bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO”

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng cam kết của Mỹ đối với hiệp ước phòng thủ NATO là "bất khả xâm phạm" và không nên nghi ngờ quyết tâm của Mỹ về vấn đề này.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết cam kết của Mỹ đối với hiệp ước phòng thủ NATO là "bất khả xâm phạm" và không nên nghi ngờ quyết tâm của Mỹ về vấn đề này. Ảnh: Times of Israel

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết cam kết của Mỹ đối với hiệp ước phòng thủ NATO là "bất khả xâm phạm" và không nên nghi ngờ quyết tâm của Mỹ về vấn đề này. Ảnh: Times of Israel

Ông Blinken đảm bảo với Lithuania về sự bảo vệ của NATO và sự hỗ trợ của Mỹ trong chuyến công du của ông tới 3 quốc gia Baltic đang ngày càng cảm thấy áp lực khi Nga thúc đẩy cuộc tấn công quân sự vào Ukraine.

Các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia đều là thành viên NATO và ông Blinken đang hướng tới việc đảm bảo an ninh cho họ trong trường hợp Nga chọn mở rộng hoạt động quân sự.

"Chúng tôi đang tăng cường khả năng phòng thủ chung để chúng tôi và các đồng minh của chúng tôi được chuẩn bị sẵn sàng", ông Blinken nói, nhấn mạnh rằng cam kết của Mỹ đối với hiệp ước phòng thủ chung của NATO là "bất khả xâm phạm".

"Chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO trong trường hợp bị tấn công", ông tuyên bố. "Không ai nên nghi ngờ sự sẵn sàng và quyết tâm của chúng tôi".

Minh Đức (Theo Times of Israel, Reuters, Al Jazeera)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ba-lan-co-san-long-cap-may-bay-chien-dau-cho-ukraine-a545544.html