Ba Lan đổ lỗi cho Tổng thống Putin về cuộc khủng hoảng người di cư
Thủ tướng Ba Lan cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng sau cuộc khủng hoảng người di cư tại biên giới Belarus với Ba Lan.
Ông Mateusz Morawiecki nói rằng nhà lãnh Alexander Lukashenko của Belarus, một đồng minh thân cận của ông Putin, đang dàn dựng cuộc khủng hoảng, nhưng "có chủ mưu ở Moscow".
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cáo buộc Tổng thống Nga về cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Ba Lan - Belarus - Ảnh: AP
Phát biểu hôm thứ Ba (9/11) tại một phiên họp quốc hội khẩn cấp sau khi thăm binh sĩ ở biên giới, ông Morawiecki nói: "Cuộc tấn công mà Lukashenko đang tiến hành có chủ mưu ở Moscow, chủ mưu là Tổng thống Putin".
Thủ tướng Ba Lan cáo buộc các nhà lãnh đạo Nga và Belarus đang cố gắng gây bất ổn cho Liên minh châu Âu - mà hai quốc gia này không phải là thành viên - bằng cách cho phép người di cư đi qua Belarus và vào khối này.
Ông Morawiecki mô tả tình huống này là "một kiểu chiến tranh mới, trong đó con người được sử dụng như lá chắn của con người", và cho biết Ba Lan đang đối phó với một "vở kịch sân khấu" được thiết kế để tạo ra hỗn loạn trong EU.
Ông cho biết thêm, đây là lần đầu tiên sau 30 năm an ninh biên giới của Ba Lan bị "tấn công dã man" như vậy.
Ba Lan đã triển khai thêm binh sĩ tới biên giới, và cảnh báo về khả năng vũ trang leo thang, vì lo ngại rằng Belarus có thể cố gắng kích động một sự cố.
Người di cư bị kẹt tại các lều tạm ở sát biên giới Ba Lan - Belarus - Ảnh: Getty
Theo ước tính, ít nhất 2.000 người di cư đang mắc kẹt tại biên giới.
Đoạn video cho thấy đám đông người dân ở phía Belarus của hàng rào thép gai ở biên giới với Ba Lan. Một số cố gắng vượt qua bằng cách sử dụng máy cắt bu lông, thân cây và đám đông, trong khi lính canh Ba Lan phản ứng bằng cách sử dụng thứ có vẻ là hơi cay.
Người di cư hầu hết là nam thanh niên nhưng cũng có phụ nữ, trẻ em và chủ yếu đến từ Trung Đông và Châu Á. Họ cắm trại trong những chiếc lều tạm bên trong biên giới Belarus, bị mắc kẹt giữa một bên là lính canh Ba Lan và một bên là lính canh Belarus.
Một số người đã thiệt mạng trong những tuần gần đây do nhiệt độ qua đêm tại biên giới đã giảm xuống dưới 0 và điều kiện sống gần như không có gì.
Ba Lan, Lithuania và Latvia, tất cả đều thuộc EU, đã chứng kiến sự gia tăng số lượng người cố gắng nhập cảnh trái phép từ Belarus trong những tháng gần đây. Hôm thứ Ba (9/11), Lithuania đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới với Belarus, sẽ có hiệu lực vào nửa đêm.
Ba Lan đã chứng kiến nhiều người đến nhất, đặc biệt là xung quanh cửa khẩu chính của họ tại Kuznica.
Ba Lan đã bị cáo buộc đẩy người di cư trở lại biên giới vào Belarus, trái với quy tắc tị nạn quốc tế. Các nhà báo và các cơ quan viện trợ đã bị cấm tiếp cận khu vực này.
"Không ai cho phép chúng tôi vào bất cứ đâu, Belarus hay Ba Lan", Shwan Kurd, 33 tuổi đến từ Iraq, nói với BBC bằng cuộc gọi video.
Người đàn ông này mô tả cách anh ta đến thủ đô Minsk của Belarus, từ Baghdad vào đầu tháng 11, và hiện đang ở trong một trại tạm bợ cách hàng rào kẽm gai của Ba Lan vài mét.
"Không có cách nào để trốn thoát", anh nói. "Ba Lan không cho chúng tôi vào. Đêm nào họ cũng bay trực thăng. Họ không cho chúng tôi ngủ. Chúng tôi đói quá. Ở đây không có nước hay thức ăn. Có trẻ nhỏ, cụ già và phụ nữ, và cả gia đình".
EU, NATO và Mỹ đều cáo buộc Belarus điều phối dòng người di cư. Ủy ban châu Âu đã cáo buộc ông Lukashenko dụ dỗ người di cư với lời hứa hão huyền về việc dễ dàng vào EU.
Brussels nói rằng hành động của Tổng thống Belarus là một đòn trả đũa chống lại các lệnh trừng phạt của EU, vốn được áp đặt sau cuộc bầu cử bị cáo buộc gian lận vào năm ngoái.
Ít nhất 2.000 người di cư, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đang vật lộn với nhiệt độ đóng băng ở biên giới Ba Lan-Belarus - Ảnh: Getty
Belarus nói gì?
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn nhà nước Belarus, ông Lukashenko cho biết ông muốn tránh mọi hành động leo thang quân sự ở biên giới có thể kéo Nga vào một cuộc xung đột.
Nhà lãnh đạo Belarus cũng phủ nhận tuyên bố đưa người qua biên giới để trả thù các lệnh trừng phạt của EU.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Belarus cáo buộc Warsaw vi phạm các thỏa thuận khi di chuyển hàng nghìn binh sĩ tới biên giới.
Belarus khẳng định những người di cư đến đó một cách hợp pháp và Ba Lan nên phải hành động của “một đất nước hiếu khách".
Nga chưa có phản ứng nào đối với cáo buộc của Thủ tướng Ba Lan. Trước đó nước này đã ca ngợi cách xử lý "có trách nhiệm" của Belarus đối với vấn đề người di cư ở biên giới và cho biết họ đang theo dõi tình hình chặt chẽ.
Nguyễn Hoàng (Theo BBC)