Ba Lan: Hàng chục nghìn phụ nữ phá thai bất hợp pháp từ khi có luật mới
Hàng chục nghìn phụ nữ đã đến các nước châu Âu khác bao gồm cả Anh để được phá thai kể từ khi Ba Lan đưa ra lệnh cấm gần như hoàn toàn phá thai, các nhà vận động cho biết.
Phá thai bất hợp pháp hoặc ra nước ngoài phá thai
Ít nhất 34.000 phụ nữ ở Ba Lan đã tìm cách phá thai bất hợp pháp hoặc ra nước ngoài phá thai kể từ khi nước này ban hành lệnh cấm gần như hoàn toàn phá thai cách đây một năm. Theo Abortion Without Borders (AWB), một tổ chức giúp phụ nữ tiếp cận các dịch vụ phá thai an toàn, hơn 1.000 phụ nữ Ba Lan đã tìm cách phá thai trong 3 tháng giữa thai kỳ tại các phòng khám nước ngoài kể từ khi nước này thông qua luật phá thai mới.
AWB cho biết, số liệu của họ có thể chỉ là "một bức ảnh chụp nhanh" về số lượng thực phụ nữ Ba Lan tìm cách phá thai bất hợp pháp hoặc ra nước ngoài phá thai trong năm qua. Các tổ chức phi chính phủ ước tính rằng, theo luật phá thai cũ của Ba Lan với các hạn chế chặt chẽ điều kiện được phá thai, mỗi năm có từ 80 đến 200.000 phụ nữ tìm cách phá thai bất hợp pháp.
Trước đó, ngày 22 tháng 10 năm ngoái, Tòa án Hiến pháp của Ba Lan đã ra phán quyết rằng phá thai trong các trường hợp thai nhi bị dị tật là vi hiến. Chỉ được phép phá thai trong các trường hợp hiếp dâm, loạn luân hoặc sức khỏe của người mẹ gặp nguy hiểm. Những trường hợp này chỉ chiếm khoảng 2% trường hợp hợp pháp tại thời điểm phán quyết. Luật mới có hiệu lực từ tháng 1/2021.
Theo AWB, trong năm qua, ít nhất 460 phụ nữ Ba Lan muốn phá thai trong 3 tháng giữa thai kỳ đã đến Anh, nơi thời gian phá thai có thể đến 24 tuần hoặc lâu hơn nữa trong những trường hợp ngoại lệ. Tổ chức cho biết, họ đã giúp những phụ nữ ở Ba Lan đến Bỉ, Đức, Tây Ban Nha và Cộng hòa Séc để được phá thai hợp pháp.
Trong số những người tìm kiếm dịch vụ trong 12 tháng kể từ khi luật được công bố, AWB cho biết, ít nhất 18.000 phụ nữ đã được giúp đỡ bởi nhóm liên kết Women Help Women, một tổ chức tạo điều kiện tiếp cận thuốc phá thai qua đường bưu điện.
"Tác hại khôn lường" từ luật phá thai mới
Các số liệu được công bố cùng tuần với báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, gồm thông tin từ 14 tổ chức khác, trong đó có Tổ chức Ân xá Quốc tế và Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền cho biết phụ nữ và trẻ em gái ở Ba Lan đang phải đối mặt với "tác hại khôn lường" do luật phá thai mới.
Urszula Grycuk, điều phối viên quốc tế tại Liên đoàn Phụ nữ và Kế hoạch hóa Gia đình (Federa) ở Ba Lan, cho biết: "Phán quyết của tòa án hiến pháp đang gây ra tác hại khôn lường - đặc biệt là đối với những người nghèo, sống ở vùng nông thôn hoặc bị thiệt thòi".
Một phán quyết của tòa án hiến pháp vào tháng 10 nêu rõ, phá thai là bất hợp pháp ngay cả trong những trường hợp thai nhi bất thường nghiêm trọng đã gây ra các cuộc biểu tình lớn trên khắp đất nước
Mara Clarke, người sáng lập AWB, nói: "Chúng tôi thấy nhiều phụ nữ có thai nhi bất thường tiếp cận các dịch vụ của chúng tôi kể từ khi luật thay đổi. Chúng tôi nhận được phản hồi rằng, các bác sĩ đang hạ thấp mức độ nghiêm trọng của việc thai nhi bất thường và trong một số trường hợp, các bác sĩ cố tình trì hoãn việc chẩn đoán để phụ nữ gặp khó khăn hơn trong việc phá thai".
Phá thai luôn được kiểm soát chặt chẽ ở Ba Lan và bị cấm cho đến năm 1932, khi luật thay đổi để cho phép phá thai hợp pháp vì lý do y tế hoặc trong các trường hợp hiếp dâm hoặc loạn luân.
Phán quyết vào tháng 10 năm 2020 đã dẫn đến một làn sóng biểu tình trên toàn quốc, với hàng nghìn phụ nữ và trẻ em gái trên khắp đất nước mặc đồ đen xuống đường trong một cuộc đình công quốc gia. Ước tính có khoảng 100.000 người đã biểu tình chống lại đạo luật mới ở Warsawz, thủ đô Ba Lan.
Nguồn: The Guardian