Ba Lan sẽ ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine
Một trong những đồng minh thân cận nhất của Ukraine đã tuyên bố sẽ ngừng viện trợ vũ khí cho Kyiv.
Quyết định của Ba Lan là một quyết định bất ngờ và khó đoán, được đưa ra chỉ vài tháng sau khi xảy ra nhiều căng thẳng liên quan tới lệnh cấm tạm thời nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine tới một số quốc gia Liên minh Châu Âu.
Quyết định này cũng khớp với loạt hành vi ngày càng mang tính chống đối chính quyền Kyiv từ phía chính phủ Ba Lan.
Quyết định này cũng sẽ có ảnh hưởng lớn tới nỗ lực của Ukraine trong việc đẩy lùi lực lượng Nga khỏi miền Nam quốc gia này.
Tuyên bố của Ba Lan
Trong một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội vào thứ Tư, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết: “Chúng tôi sẽ ngừng vận chuyển vũ khí tới Ukraine vì hiện tại đang cần trang bị cho quân đội của Ba Lan”.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Morawiecki cho biết, Ba Lan sẽ tập trung vào cung cấp “những vũ khí hiện đại nhất” cho những mục đích trong nước. Ông phát biểu: “Nếu chúng tôi muốn bảo vệ tổ quốc, chúng tôi cần phải có công cụ để làm điều đó”.
Đây là thay đổi lớn trong chính sách của Ba Lan. Trong mùa Xuân, Ba Lan đã trở thành quốc gia thành viên NATO đầu tiên viện trợ máy bay chiến đấu cho Ukraine, nhiều tháng trước khi Mỹ đưa ra quyết định tương tự, viện trợ máy bay F-16 trong tháng vừa rồi.
Ba Lan cũng đã viện trợ hơn 200 xe tăng thời Xô Viết cho Ukraine, và phần lớn khí tài quân sự của phương Tây được viện trợ tới Ukraine thông qua Ba Lan.
Phát ngôn viên của chính phủ Ba Lan, ông Piotr Muller trong thứ Năm cho biết, Ba Lan sẽ chỉ tiếp tục thực hiện cung cấp đạn dược và vũ khí cho Kyiv theo cam kết đã được đặt ra trước khi Warsaw quyết định ngừng viện trợ.
Ông Muller nhấn mạnh, Ukraine đã đưa ra một loạt “các tuyên bố và cử chỉ ngoại giao không thể chấp nhận được” và “Ba Lan sẽ không chấp nhận những hành động vô lý này”.
Ukraine đã thực hiện một số biện pháp xoa dịu vào thứ Năm vừa rồi. Bộ trưởng Bộ nông nghiệp của chính quyền Kyiv cho biết, ông đã thảo luận với đối trọng từ phía Ba Lan và đã đưa ra tuyên bố cho biết, hai nước “đã thảo luận về tình hình, đề xuất của Ukraine về phương pháp giải quyết và đã nhất trí sẽ tìm phương án có lợi cho cả hai nước”.
Bộ Nông nghiệp Slovakia cho biết, chính phủ Ukraine cũng đã đồng ý sẽ thiết lập hệ thống trao đổi ngũ cốc với Slovakia cho phép vô hiệu hóa lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine.
Nguồn cơn vụ việc
Trong nhiều tháng qua, áp lực đã tăng cao sau khi nhiều nước trong khối EU đặt ra lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine, nhằm bảo vệ nông dân trong nước vì các lo ngại thị trường bị phá giá bởi ngũ cốc giá rẻ của Ukraine.
Trong tuần vừa rồi, EU tuyên bố kế hoạch sẽ kết thúc các lệnh cấm này. Tuy nhiên, ba quốc gia gồm Ba Lan, Hungary và Slovakia cho biết sẽ đi ngược lại quyết định trên và tiếp tục thực hiện lệnh cấm. Quyết định từ ba quốc gia trên nhận được phản đối từ Ukraine và trong tuần này, chính phủ Ukraine đã kiện ba nước trên.
Ukraine, một quốc gia từ lâu được coi là “vựa lúa của châu Âu” vì lượng ngũ cốc khổng lồ mà nước này sản xuất, đã bị Nga phong tỏa trên Biển Đen.
Với những lo ngại tình hình này sẽ “đe dọa an toàn lương thực toàn cầu”, Ủy ban Châu Âu đã đặt ra “các biện pháp đoàn kết” trong tháng 5 vừa rồi giúp Ukraine xuất khẩu ngũ cốc và tạm thời xóa bỏ mọi hàng rào thuế quan cũng như hạn ngạch áp dụng lên các mặt hàng xuất khẩu của Ukraine, cho phép lượng lớn ngũ cốc giá rẻ của Ukraine được vận chuyển tới châu Âu.
Sau khi những nông dân tại Ba Lan biểu tình phản đối quyết định này tại Ba Lan, tình hình đã phần nào dịu xuống. Tuy nhiên, những vấn đề này lại nổi lên gần đây, sau khi ba nước trên quyết định phớt lờ quyết định dỡ bỏ lệnh cấm.
Để chỉ trích ba quốc gia này, trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu: “Thật đáng lo ngại khi một số nước bạn tại châu Âu sử dụng tình hình hiện tại làm công cụ chính trị, thổi phồng những vấn đề về ngũ cốc”.
Ông cũng cho biết, những quốc gia liên quan “có thể ra vẻ đang hành động theo ý bản thân nhưng thực tế đang đưa ra các chiêu bài đúng ý một tác nhân từ chính quyền Moscow”. Phát biểu của ông đã ngay lập tức bị lên án từ phía Ba Lan và Bộ Ngoại giao nước này đã triệu tập đại sứ của Ukraine nhằm gửi thông điệp “phản đối mạnh mẽ”.
Cuộc tổng tuyển cử tới gần
Phản ứng ban đầu của Ba Lan trước cuộc xung đột tại Ukraine đã mang lại cho quốc gia này những thiện chí hiếm thấy từ toàn châu Âu, đặt nước này vào một vị trí quan trọng trong những phản ứng của phương Tây về chiến dịch của Nga.
Ba Lan đã tiếp nhận 1,5 triệu người tị nạn từ Ukraine và cho phép 15 triệu người đi qua biên giới để chạy khỏi cuộc xung đột. Hai quốc gia đều có những nghi ngờ về Moscow trong nhiều thập kỷ qua và Warsaw đã từng cảnh báo suốt nhiều năm về những nhược điểm trong quyết định mua năng lượng từ Nga, những phát biểu đã củng cố quan hệ hai nước trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột.
Tuy nhiên, căng thẳng đã leo thang trong nhiều tháng qua và cuộc tổng tuyển cử sắp tới càng làm nghiêm trọng hơn.
Đảng cầm quyền của Ba Lan, Luật pháp và Công lý (PiS), đang chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu vào ngày 15 tháng 10, và các trưng cầu dân ý cho thấy đảng này có thể để vuột mất thế đa số trong quốc hội. Đảng này đặc biệt đang mất sự hỗ trợ từ các vùng sâu vùng xa tại miền Đông Ba Lan, nơi nông nghiệp là ngành kinh tế chủ chốt.
PiS đã mất lượng lớn cử tri về tay đảng Liên Minh, một đảng cực hữu đã phản đối chi tiêu của Warsaw nhằm viện trợ quân sự cho Kyiv và phàn nàn rằng, với chính phủ, những khó khăn của Ukraine quan trọng hơn những khó khăn của người Ba Lan.
Phản hồi lại quan điểm này, PiS đã dần giảm hỗ trợ cho Kyiv trong những tháng vừa qua. Trong tháng 8, Warsaw đã triệu tập đại sứ của Ukraine tại Ba Lan sau khi một cố vấn chính sách đối ngoại của Ba Lan cáo buộc Kyiv đã có hành động vô ơn trước những hỗ trợ xuất khẩu ngũ cốc của nước này từ phía Ba Lan.
Ảnh hưởng tới cuộc chiến
Nếu không đi tới được giải pháp, Kyiv sẽ phải đối mặt với rủi ro về việc quyết định ngừng viện trợ của Ba Lan sẽ lan tràn tới toàn châu Âu.
Warsaw nằm trong số những chính quyền chủ động hỗ trợ Ukraine nhất kể từ khi cuộc xung đột nổ ra, và đã cho thấy sẵn sàng kêu gọi Mỹ, các nước châu Âu khác tham gia nỗ lực này.
Trong tháng 1, khi Đức còn băn khoăn về việc đưa ra quyết định cung cấp Leopard 2 cho binh lính Kyiv, Ba Lan đã chủ động thành lập một liên hiệp các nước châu Âu giúp Berlin đưa ra quyết định này.
Trong nhiều ngày, các quan chức Ba Lan phát biểu cả công khai cũng như riêng tư về mong muốn đưa các xe chiến đấu công nghệ cao tới tiền tuyến và khẳng định sẽ thực hiện quyết định này dù các đồng minh có làm theo họ hay không.
Kyiv và những đồng minh của họ sẽ phải lo ngại về khả năng thái độ mới của Ba Lan. Bởi điều đó có thể sẽ khiến các nước châu Âu còn đang lưỡng lự sẽ thấy ít áp lực thúc đẩy họ cung cấp viện trợ hơn.
Tính khẩn cấp của cuộc xung đột đối với Ba Lan cũng đã phần nào trượt dốc trong năm vừa qua. Người Ba Lan từ lâu đã cảnh báo cộng đồng quốc tế về việc quốc gia họ nằm trong tầm ngắm của Nga, và chiến dịch quân sự của Moscow đã gây ra nhiều lo sợ về việc Ba Lan có thể trở thành mục tiêu tương lai.
Nhưng, khi cuộc chiến trở nên trì trệ tại miền Đông Ukraine, khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra lệnh tấn công một nước thành viên NATO như Ba Lan trở thành vô cùng nhỏ.
Cuộc phản công hiện tại của Ukraine có những lợi thế là nhờ các viện trợ đến từ phương Tây, nhưng Kyiv tiếp tục kêu gọi cung cấp thêm viện trợ để tiếp tục tham gia một cuộc xung đột lâu dài. Và với những gì đang diễn ra, Kyiv sẽ phải lo ngại về khả năng quyết định của Ba Lan sẽ dẫn tới một loạt hiệu ứng domino ảnh hưởng tới những gói viện trợ trong tương lai.
Nguyễn Quang Minh (theo CNN)
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ba-lan-se-ngung-vien-tro-vu-khi-cho-ukraine-a627722.html