Ba Lan tăng cường dự trữ thêm 15 tấn vàng
Không có gì đáng ngạc nhiên khi trong một năm bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn địa chính trị và lạm phát tràn lan, các ngân hàng trung ương đã chọn tiếp tục bổ sung vàng vào kho dự trữ của họ với tốc độ nhanh hơn.
Theo mạng tin Zerohedge.com ngày 24/5, Ngân hàng Quốc gia (Trung ương) Ba Lan đã bổ sung gần 15 tấn vàng vào kho dự trữ trong tháng 4 vừa qua, theo dữ liệu được ngân hàng này công bố mới đây.
Đây là mức tăng dự trữ lớn nhất của Ba Lan kể từ tháng 6/2019 khi ngân hàng trên tăng dự trữ thêm gần 100 tấn.
Lượng vàng nắm giữ chính thức của Ba Lan được xếp hạng lớn thứ 22 trên thế giới. Vàng chiếm khoảng 8,5% tổng dự trữ của Ngân hàng Quốc gia Ba Lan.
Năm 2021, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Ba Lan Adam Glapićski cho biết họ có kế hoạch bổ sung 100 tấn vàng vào kho dự trữ của mình vào năm 2022, nhưng không rõ tại sao ngân hàng này lại không thực hiện ngay. Lần tích trữ mới nhất này có thể báo hiệu sự khởi đầu của một đợt thu gom khác để đạt được mục tiêu 100 tấn đó.
Ông Glapiłski cho biết việc tích trữ vàng là vấn đề đảm bảo an ninh và ổn định tài chính. "Vàng sẽ giữ nguyên giá trị của nó ngay cả khi hệ thống tài chính toàn cầu bị gián đoạn hoặc khủng hoảng. Ngân hàng Trung ương Ba Lan được yêu cầu phải chuẩn bị cho cả những tình huống xấu nhất. Đó là lý do tại sao chúng tôi coi vàng có một vị trí đặc biệt trong quy trình quản lý ngoại hối”, ông Glapiłski nêu rõ.
Theo ông Glapiłski, vàng không có rủi ro tín dụng và không thể bị phá giá bởi chính sách kinh tế của bất kỳ quốc gia nào, đồng thời ám chỉ rằng những lo lắng về sự ổn định của đồng đô la Mỹ (USD) cũng thúc đẩy quyết định tăng dự trữ vàng của Ba Lan.
Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã tăng tích trữ vàng trong hai năm qua. Sau khi thiết lập kỷ lục vào năm 2022, dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương đã tăng thêm 228 tấn trong ba tháng đầu năm 2023, mức kỷ lục trong Quý 1 này. Con số trên cao hơn 38% so với kỷ lục quý đầu tiên được thiết lập vào năm 2013.
Theo Hội đồng vàng thế giới, có hai động lực chính đằng sau việc tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương – hiệu quả của nó trong thời kỳ khủng hoảng và vai trò của nó như một tài sản lưu trữ giá trị trong dài hạn.
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi trong một năm bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn địa chính trị và lạm phát tràn lan, các ngân hàng trung ương đã chọn tiếp tục bổ sung vàng vào kho dự trữ của họ với tốc độ nhanh hơn.