Bà lão dạy bơi miễn phí cho trẻ vùng Tháp Mười

Chứng kiến cảnh tang tóc của những gia đình có con bị chết đuối, trong sâu thẳm, ai cũng muốn hành động thiết thực để giảm bớt rủi ro đối với loại tai nạn này. Tại vùng 'rốn lũ' Tháp Mười (Đồng Tháp), có một bà lão tuổi đã xế chiều, tình nguyện nhận dạy bơi miễn phí cho trẻ em.

Nghĩa cử cao đẹp của bà đã giúp địa phương thực hiện tốt công tác phổ cập bơi lội và giảm đến tối thiểu sự cố liên quan đến đuối nước. Bà tên là Trần Thị Kim Thia, được xóm làng gọi với tên thân thương là bà Sáu Thia.

Bà Trần Thị Kim Thia dành phần lớn cuộc đời của mình mưu sinh bằng nghề bán vé số. Ảnh: Tư liệu

Bà Trần Thị Kim Thia dành phần lớn cuộc đời của mình mưu sinh bằng nghề bán vé số. Ảnh: Tư liệu

Đến xã Hưng Thạnh, hỏi về bà Sáu Thia, 65 tuổi, thì ai cũng biết khởi đầu của bà là người bán vé số dạo. Với thân hình gầy gò, “phiêu dạt” từ Gò Công (Tiền Giang) về Tháp Mười, cuộc sống thuộc diện hộ nghèo của địa phương nhưng bà khiến người ta kinh ngạc bởi sự bền bỉ, tận tâm với một công việc duy nhất: Dạy bơi cho trẻ em.

Bà Trần Thị Kim Thia – ngụ tại xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười có những chia sẻ đầu tiên về lý tưởng của mình: “Bây giờ từ 6 tuổi đến 15 tuổi nhiều em không biết lội, sợ nó trượt chân rồi chết đuối. Nên từ đó tôi cố gắng dạy trẻ tập bơi lội. Khó khăn cách mấy cũng phải cố gắng, làm vì trẻ em mà. Còn một hơi thở cuối cùng vẫn dạy!”.

Chứng kiến trẻ em sống ở vùng “rốn lũ” nhưng phần lớn lại không biết bơi, bà Sáu tình nguyện làm “huấn luyện viên” từ năm 1992. Càng gần càng thấy yêu trẻ nhỏ, bà Sáu đến nhà vận động nhiều gia đình cho con đi học bơi. Bất kể nhà giàu hay nghèo, bà đều dạy miễn phí không lấy tiền. Nhiều phụ huynh đi làm ăn xa, tin tưởng để con nhỏ ở nhà theo bà Sáu học bơi để thích nghi với cuộc sống vùng lũ.

Bà Lê Thị Hà, ở ấp 2A xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười chia sẻ: “Sông nước mấy đứa nhỏ học hành nó không biết bơi, đâu có đưa rước được, một mình giữ ba đứa cháu, cũng nhờ bà Sáu dạy rồi đưa rước dùm chứ đâu có rảnh đâu thời gian mà đưa rước. Một mình rồi đơn chiếc nó hổng biết lội cũng sợ lắm, giao cho bà Sáu mình thấy yên tâm hơn rồi, đưa vô dạy rồi bà đưa về”.

Lớp dạy bơi của bà Sáu Thia rất đơn giản. 15 phút đầu bà cho bọn trẻ khởi động chân tay.

Lớp dạy bơi của bà Sáu Thia rất đơn giản. 15 phút đầu bà cho bọn trẻ khởi động chân tay.

Cách dạy bơi của bà Sáu rất đơn giản, một buổi tập chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ. 15 phút đầu tiên bà hướng dẫn các em mấy động tác thể dục các khớp chân, khớp tay trước khi cho xuống nước. Bà bế từng trẻ nằm sấp trên mặt nước để đánh chân và tay. Khu vực dạy bơi con là ven con kênh nhỏ, nước không sâu, chỉ ngang ngực người lớn. Bà Sáu đóng cọc tre để bọn trẻ bám vào tự bơi, không gian bơi an toàn để các em tha hồ vùng vẫy, nô đùa.

Bà Sáu Thia bộc bạch: “Năm đầu tôi dạy hơi khó khăn vì từ nào tới giờ mình sống trên bờ chứ đâu có thường xuyên ở dưới sông. Vừa cặm cây rồi đi động viên gia đình cho trẻ học bơi. Tôi cố gắng, dạy khoảng 10 ngày trẻ em biết lội hết. Dần dần 1 năm tôi tăng lên dạy 20 trẻ, 30 trẻ… kiểm tra mà em nào lội đúng là cho “tốt nghiệp” còn em nào lội chưa đúng thì tôi cho qua lớp khác để tiếp tục dạy đến khi nào biết bơi lội”.

Mỗi lớp dạy bơi của bà Sáu giao động từ 8 đến 15 học viên. Với kinh nghiệm dạy bơi "miệt vườn" nhưng "mát tay", nhanh nhất 5 ngày, chậm khoảng 10 ngày là các trẻ đã "tốt nghiệp" bơi cấp tốc.

Xuống nước, khu vực tập bơi được rào chắn để các em bám vào an toàn

Xuống nước, khu vực tập bơi được rào chắn để các em bám vào an toàn

Em Trần Minh Tân – “đệ tử” học bơi từ bà Sáu Thia cho biết: “Ba mẹ dạy khó bơi hơn bà Sáu, dạy lâu mà ngày nào cũng dạy, dạy kỹ từng động tác, xóm con có rất nhiều bạn như con học bơi bà Sáu. Con biết bơi rồi yên tâm hơn vì mỗi lần nước về con không sợ nước nữa”.

Theo thống kê của UBND xã Hưng Thạnh, 20 năm qua, đã có hơn 3.800 trẻ biết bơi lội và kỹ năng sinh tồn vùng sông nước thông qua lớp dạy bơi miễn phí của bà Sáu. Mỗi năm, địa phương có hơn 200 em nhỏ tham gia học bơi lội với tỉ lệ biết bơi đạt trên 95%. Năm 2016, mạnh thường quân đã đầu tư xây dựng bể bơi nhân tạo để có không gian rộng hơn cho bà Sáu Thia mở lớp “huấn luyện”.

"Bà tiên" Sáu Thia đã dạy cho 3.800 trẻ biết bơi trong 20 năm

"Bà tiên" Sáu Thia đã dạy cho 3.800 trẻ biết bơi trong 20 năm

Ông Đoàn Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười cho biết: “Thông qua việc dạy bơi của chị Sáu Thia đã giúp cho địa phương đến thời điểm này kiểm soát rất ổn định và an toàn về sự cố đuối nước. Địa phương đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ để xây nhà và lo cuộc sống ổn định cho chị Sáu để chị yên tâm trong việc dạy bơi lội cho trẻ em”.

Nếu đọc những tin tức về tình trạng đuối nước ở trẻ em trên các phương tiện truyền thông chúng ta mới thấy hết ý nghĩa của công việc mà bà Sáu Thia đã làm bao nhiêu năm qua. Nó giản đơn, bình dị nhưng lại vô cùng cần thiết. Biết bơi không chỉ để các em thỏa mãn thú vui vùng vẫy ngoài môi trường tự nhiên mà quan trọng hơn là một kỹ năng sinh tồn cần thiết và quan trọng.

Bà Sáu Thia được ví von là “bà tiên” giữa đời thường, đã đồng hành với tuổi thơ của trẻ em vùng nông thôn Tháp mười. Năm 2020, bà Trần Thị Kim Thia vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; Bằng khen của Thủ tướng Chính vì có thành tích xuất sắc trong dạy bơi miễn phí cho trẻ em và nhiều bằng khen của địa phương. Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn Bà vào top 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021./.

Kim Loan/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ba-lao-day-boi-mien-phi-cho-tre-vung-thap-muoi-post1024173.vov