Bà Liz Cheney 'vào tầm ngắm'

Mặc dù không ngần ngại bày tỏ mong muốn đối thủ bị trừng phạt, ông Trump thường tỏ ra thận trọng và lảng tránh dính líu trực tiếp tới các cuộc điều tra.

Suốt nhiều năm, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố nên truy tố những đối thủ chống đối ông. Và trong tuần này, các đồng minh của tổng thống đắc cử tại Quốc hội Mỹ đã vạch ra kế hoạch "tấn công" một cái tên trong danh sách: Liz Cheney - cựu Hạ nghị sĩ từ Wyoming, một mục tiêu đặc biệt thu hút sự giận dữ từ ông Trump.

Trong bản báo cáo công bố hôm 17/12, các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện khẳng định FBI cần điều tra vai trò của bà Cheney trong Ủy ban Hạ viện điều tra vụ bạo loạn Điện Capitol ngày 6/1/2021. Đảng cáo buộc bà tác động vào Cassidy Hutchinson - một trong những nhân chứng quan trọng, người đưa ra lời khai mang tính kết tội ông Trump - khi bí mật liên lạc riêng mà chưa được luật sư của bà Hutchinson cho phép.

Khuyến nghị này không có tính ràng buộc, và mọi cuộc điều tra (nếu có) sẽ do Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm sau khi ông Trump nhậm chức. New York Times nhận định báo cáo cho thấy chi tiết “mặt mũi” một cuộc điều tra đối thủ của ông Trump, đồng thời giúp tổng thống đắc cử tránh được bước đi nhạy cảm là trực tiếp ra lệnh hành động.

Gió đổi chiều liên tục

Sáng 18/12, ông Trump đã đề cập tới bản báo cáo trên mạng xã hội Truth Social, viết bà Cheney có thể gặp rắc rối nhưng lảng tránh trách nhiệm mình là khởi nguồn của vấn đề.

“Liz Cheney có thể gặp rất nhiều phiền toái dựa trên những bằng chứng tiểu ban thu thập được, trong đó nêu ‘Liz Cheney có khả năng đã vi phạm nhiều luật liên bang và FBI nên điều tra những vi phạm này’”, ông viết.

Mặc dù chưa bao giờ ngại thể hiện mong muốn nhìn thấy đối thủ bị trừng phạt, ông Trump thường tỏ ra thận trọng khi nhận công trong các vụ truy tố.

Ví dụ, trong cuộc phỏng vấn trên chương trình Meet the Press của đài NBC News, người dẫn chương trình đã hỏi liệu ông có dự định ra lệnh truy tố các đối thủ, như gia đình ông Joe Biden chẳng hạn.

“Tôi không muốn quay lại quá khứ”, ông Trump đáp.

Tổng thống đắc cử cũng được hỏi liệu ông có muốn Kash Patel - người được lựa chọn lãnh đạo FBI - mở các cuộc điều tra những người đối đầu với mình không.

“Ông ấy sẽ làm những gì ông ấy cho là đúng”, ông Trump trả lời, thể hiện mình không liên quan tới quá trình ra quyết định. Sau khi tuyên bố sẽ không chỉ đạo các cuộc điều tra, ông Trump nói thêm nếu ai đó “không trung thực hoặc gian dối”, sẽ “có nghĩa vụ” phải điều tra họ.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Kash Patel - người được bổ nhiệm làm người đứng đầu FBI. Ảnh: New York Times.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Kash Patel - người được bổ nhiệm làm người đứng đầu FBI. Ảnh: New York Times.

Cùng ngày 18/12, một phát ngôn viên của ông Trump cho biết “cần sửa chữa hệ thống tư pháp của quốc gia và khôi phục quy trình tố tụng hợp pháp cho tất cả người Mỹ”. Người này nhấn mạnh tổng thống đắc cử thường nói Bộ Tư pháp và FBI “sẽ tự hành động vì ông ấy thực sự tin vào pháp quyền”.

Truy tố các đối thủ chính trị hoặc những người chỉ trích là một chủ đề trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump tại Nhà Trắng.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên, tại các buổi vận động, ông cùng đám đông thường hô vang: “Nhốt bà ta lại”, ám chỉ đến bà Hillary Clinton. Ông Trump cùng nhiều đảng viên Cộng hòa tin rằng đáng lẽ bà Clinton phải bị điều tra vì sử dụng email cá nhân trong công việc khi còn là ngoại trưởng. Tuy nhiên, sau khi chiến thắng, ông Trump dường như dịu giọng, nói không muốn “làm tổn thương gia đình Clinton”.

Tuy nhiên, vào năm 2018, khi phải đối mặt với cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Muller, ông Trump lại đổi giọng. Tổng thống đắc cử nói với cố vấn Nhà Trắng rằng muốn ra lệnh Bộ Tư pháp điều tra bà Clinton và cả cựu Giám đốc FBI James B. Comey - một người do chính ông sa thải.

Sau cùng, cố vấn Nhà Trắng đã từ chối chấp thuận kế hoạch điều tra bà Clinton. Tuy nhiên, trong những năm tại nhiệm, trên mạng xã hội, ông Trump tuyên bố nhiều người đáng ra cần bị truy tố.

Trong những tuần gần đây, ông Trump chỉ trích bà Cheney theo cách tương tự, nói thẳng cần “bỏ tù” bà và những người lãnh đạo Ủy ban điều tra ngày 6/1/2021.

Suốt nhiều tháng, ông đề xuất xét xử Tướng Mark A. Milley - cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, vì tội phản quốc, thậm chí là tử hình. Ông Trump kêu gọi “trục xuất” Jack Smith, công tố viên đặc biệt trong hai vụ án hình sự chống lại ông vào năm 2023.

Tổng thống đắc cử cũng tuyên bố trên cương vị mới, ông sẽ chỉ định “một công tố viên đặc biệt đích thực” để truy tố Tổng thống Biden cùng gia đình.

Bà Cheney sẽ an toàn?

Trong nhiệm kỳ đầu, những người chỉ trích lo ngại ông Trump đang tìm cách vi phạm chuẩn mực hậu Watergate về tính độc lập của Bộ Tư pháp Mỹ. Hiện tại, tổng thống đắc cử sẽ bước vào Nhà Trắng một lần nữa với các đồng minh, sau khi tìm kiếm những luật sư sẵn sàng tuân thủ quan điểm tối đa về quyền lực tổng thống.

Một số người đồng thuận với học thuyết hành pháp thống nhất, cho rằng tổng thống là người duy nhất có quyền kiểm soát nhánh hành pháp, bao gồm cả những cơ quan độc lập như Bộ Tư pháp.

Ông Trump còn dùng đòn bẩy chính phủ trong các vụ kiện dân sự chống lại một số phương tiện truyền thông. Gần đây, ABC News đồng ý trả 15 triệu USD tiền bồi thường thiệt hại và một triệu USD phí luật sư trong vụ ông Trump kiện đài này tội phủ báng. Đơn ghi người dẫn chương trình George Stephanopoulos đưa nhiều quan điểm tổn hại đến danh tiếng của ông.

Hôm 16/12, ông Trump tiếp tục đệ đơn kiện Des Moines Register, cáo buộc tờ báo “can thiệp bầu cử” khi công bố một cuộc thăm dò ngay trước ngày bầu cử về việc Phó tổng thống Kamala Harris đang dẫn trước.

 Cựu Hạ nghị sĩ Liz Cheney trong phiên điều trần tháng 12/2022 của Ủy ban Hạ viện điều tra vụ bạo loạn Điện Capitol ngày 6/1/2021. Ảnh: New York Times.

Cựu Hạ nghị sĩ Liz Cheney trong phiên điều trần tháng 12/2022 của Ủy ban Hạ viện điều tra vụ bạo loạn Điện Capitol ngày 6/1/2021. Ảnh: New York Times.

Báo cáo của Hạ viện liên quan tới bà Cheney tập trung cụ thể vào một cá nhân, người bất đồng với chính đảng của mình vì tiếp tục ủng hộ ông Trump vào năm 2021. Ông Trump bực tức với bà Cheney không chỉ vì bà dẫn đầu cuộc điều tra tại Quốc hội về vụ bạo loạn Điện Capitol, mà còn vì cựu hạ nghị sĩ vượt qua ranh giới của đảng trong cuộc bầu cử và vận động ủng hộ bà Harris.

Bà Cheney lên án báo cáo, cho rằng báo cáo "cố tình phớt lờ sự thật" về ủy ban, "thay vào đó bịa đặt và cáo buộc phỉ báng nhằm che đậy những gì Donald Trump đã làm".

Gác lại các chi tiết về mối liên hệ giữa bà Cheney và nhân chứng Hutchinson, Alan Z. Rozenshtein - cựu quan chức Bộ Tư pháp - nhận định điều khoản "phát biểu hoặc tranh luận" trong Hiến pháp Mỹ có khả năng cản trở mọi cuộc điều tra nhắm vào bà Cheney. Điều khoản này có phạm vi rất rộng, được thiết kế để bảo vệ nguyên tắc phân quyền, nhìn chung giúp các nhà lập pháp không bị chất vấn bên ngoài Quốc hội.

Chuck Rosenberg - cựu công tố viên liên bang - cũng nhận định việc điều tra bà Cheney khó dẫn đến các cáo buộc hình sự. “Để kết án, cần có bằng chứng đã phạm tội. Song trường hợp này có lẽ không phải vậy”, ông nói.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/ba-liz-cheney-vao-tam-ngam-post1519179.html