Bà Mai Thị Diệu Huyền: 'Nữ doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam'

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Triển khai nghị quyết, Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó có mục tiêu khoảng 20 - 25% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, 30 - 35% số doanh nghiệp có giám đốc hoặc người đứng đầu doanh nghiệp là nữ. Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với bà Mai Thị Diệu Huyền, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI về nội dung này.

Bà Mai Thị Diệu Huyền, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI

Bà Mai Thị Diệu Huyền, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI

Doanh nghiệp nữ có những đóng góp to lớn

PV: Với vai trò là Phó chủ tịch Hội đồng doanh nhân – VCCI, bà có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về những chủ trương, định hướng này của Bộ Chính trị, của Chính phủ?

Bà Mai Thị Diệu Huyền: NQ 41-NQ/TW là sự kế thừa của NQ09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Sau hơn 10 năm thực hiện NQ09, tình hình KT-XH và sự phát triển của đội ngũ doanh nhân VN đã có nhiều chuyển biến trong đó có cả sự phát triển của đội ngũ doanh nhân nữ, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, lãnh đạo.

Tính đến tháng 3/2024, cả nước có khoảng 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nền kinh tế còn có sự tham gia của khoảng 32.000 hợp tác xã, và 5,2 triệu cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp, đội ngũ doanh nhân đã lên đến hàng triệu người. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo báo cáo nghiên cứu của VCCI tiến hành vào năm 2022 cho thấy số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hiện chiếm 22% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong đó khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, là khu vực chủ yếu do nữ làm chủ, đóng góp 40% GDP, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.

Theo báo cáo nghiên cứu của UN Women, trên quy mô toàn cầu, nếu các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo tăng trưởng với tốc độ của nam giới, GDP toàn cầu sẽ tăng lên khoảng 2 nghìn tỷ đô la - tương đương với 2% đến 3% GDP toàn cầu và tạo ra từ 288 triệu đến 433 triệu việc làm mới.

Với ý nghĩa đó, việc Chính phủ đề ra mục tiêu nâng số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là một chủ trương hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, không chỉ ở khu vực mà còn trên toàn thế giới.

PV: Bà đánh giá như thế nào về sự lớn mạnh và vai trò của đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam hiện nay?

Bà Mai Thị Diệu Huyền: Theo công bố của Master Card vào năm 2019, tỷ lệ DN do nữ làm chủ của Việt Nam đứng thứ nhất trong khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 7 trong số 54 quốc gia có nhiều chủ DN là nữ và vùng lãnh thổ được khảo sát.

Nhiều nữ doanh nhân Việt Nam đã thành đạt cả trong nước và trên trường quốc tế. (Từ trái sang, từ trên xuống: bà Mai Kiều Liên, bà Cao Thị Ngọc Dung, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, bà Nguyễn Thị Nga, bà Thái Hương, bà Lê Hồng Thủy Tiên).

Nhiều nữ doanh nhân Việt Nam đã thành đạt cả trong nước và trên trường quốc tế. (Từ trái sang, từ trên xuống: bà Mai Kiều Liên, bà Cao Thị Ngọc Dung, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, bà Nguyễn Thị Nga, bà Thái Hương, bà Lê Hồng Thủy Tiên).

DN do nữ làm chủ ở Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong giải quyết việc làm, đóng góp vào GDP cũng như đưa ra nhiều sáng kiến, đi đầu trong các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, thực hiện trách nhiệm của xã hội.

Bên cạnh đó, theo báo cáo “Kinh doanh tại Việt Nam: Góc nhìn của các DN do phụ nữ làm chủ” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), DN do nữ làm chủ chiếm 24% trong tổng số DN toàn quốc.

Như vậy kể từ năm 2009, DN do nữ làm chủ của Việt Nam mới chỉ khiêm tốn chiếm 4%, con số này được nâng lên 21% vào năm 2011 và 24% vào năm 2019. Bên cạnh việc gia tăng về số lượng thì chất lượng và sự lớn mạnh về quy mô cũng được khẳng định với các vị trí TOP 100 tỷ phú thế giới, TOP 50 phụ nữ quyền lực của châu Á...

Sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân nữ Việt Nam trong thời gian qua, có thể minh chứng cho những nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, tạo thuận lợi cho khởi nghiệp và phát triển DN của Việt Nam, đặc biệt là đối với DNNVV và DN do nữ làm chủ.

Bên cạnh đó, VCCI và các hiệp hội cũng là những bà đỡ, đồng hành và hỗ trợ các DN cất cánh trong hội nhập quốc tế. Hội nhập và làm ăn với các DN nước ngoài cũng giúp cho doanh nhân nữ Việt Nam cập nhật những kiến thức, xu thế mới, nâng cao năng lực quản trị và thúc đẩy việc áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.

Yếu tố quyết định việc khởi nghiệp và không ngừng nỗ lực phát triển DN, chính là bản thân người phụ nữ. Trong một thế giới phát triển, bình đẳng về cơ hội và quyền con người, đã tạo ra môi trường tốt để người phụ nữ phát huy tiềm năng, thế mạnh trong kinh doanh, năng động, sáng tạo, cần cù và không ngừng vươn lên để khẳng định mình.

Cần quyết tâm lớn và kế hoạch tổng thể, rõ ràng

PV: Bà có tin tưởng mục tiêu tới năm 2030, chúng ta sẽ có khoảng 20 - 25% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, 30 - 35% số doanh nghiệp có giám đốc hoặc người đứng đầu doanh nghiệp là nữ?

Mai Thị Diệu Huyền: Với sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ chính trị thông qua việc ban hành NQ41, trong đó có các chỉ tiêu và giải pháp thực hiện; với các mục tiêu cụ thể kèm theo chương trình hành động của Chính phủ; với sự hỗ trợ của VCCI và các tổ chức khác, tôi tin trong 5 năm tới chúng ta sẽ đạt được con số 25% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

PV: Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam đã làm gì để hỗ trợ các hội viên của mình?

Mai Thị Diệu Huyền: Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC), thuộc Ban Chấp hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được thành lập từ năm 2001.

Một hoạt động xúc tiến thương mại của Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam tại Thái Lan tháng 12/2024

Một hoạt động xúc tiến thương mại của Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam tại Thái Lan tháng 12/2024

Trong gần 25 năm đồng hành cùng các nữ doanh nhân, VWEC đã triển khai nhiều hoạt động trên 5 lĩnh vực: Vận động chính sách; Xúc tiến thương mại và và đầu tư, Kết nối chuyển giao công nghệ; Đào tạo nâng cao năng lực cho Hội viên; Kết nối mạng lưới trong nước, khu vực và quốc tế; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp.

Từ năm 2021, cùng với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội BCH lần thứ VII của VCCI nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng DNNVN đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong các mảng hoạt động chủ yếu như sau: nâng cao năng lực quản trị trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường, tham gia các mạng lưới kinh doanh, các chuỗi cung ứng bền vững.

PV: Theo bà, còn có những trở ngại gì các nữ doanh nhân Việt Nam đang phải đối mặt?

Bà Mai Thị Diệu Huyền: Các doanh nhân nữ tại Việt Nam vẫn gặp rất nhiều rào cản, khó khăn trong quản lý, điều hành và phát triển doanh nghiệp như: môi trường kinh doanh Việt Nam còn nhiều vướng mắc gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nhân nữ nói riêng.

Bà Mai Thị Diệu Huyền: "Bên cạnh những thuận lợi, nữ doanh nhân cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, định kiến"

Bà Mai Thị Diệu Huyền: "Bên cạnh những thuận lợi, nữ doanh nhân cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, định kiến"

Theo kết quả điều tra Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, mặc dù có sự cải thiện theo thời gian, nhưng chất lượng môi trường kinh doanh đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn chỉ được đánh giá ở mức trung bình khá (67,75 điểm/100 năm 2021, có cải thiện nhẹ so với năm 2020 là 63,8 điểm/100); Việc thực hiện các cơ chế, chính sách pháp luật hỗ trợ đối với doanh nhân nữ và các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam còn nhiều hạn chế; Luật Hỗ trợ DNNVV mặc dù đã được triển khai thi hành và xây dựng kế hoạch, chương trình hỗ trợ tại các địa phương nhưng chưa có nhiều hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ áp lực cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình đối với phụ nữ.

Bên cạnh đó các nữ doanh nhân cũng vẫn còn đối mặt với định kiến xã hội về vai trò của phụ nữ, về khả năng kinh doanh của phụ nữ và phân biệt đối xử trong kinh doanh. Các chuẩn mực xã hội về giới tồn tại lâu đời đã làm hạn chế sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động kinh doanh. So với nam giới, phụ nữ dành nhiều thời gian cho các công việc gia đình, khiến công việc kinh doanh của họ gặp bất lợi so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ…

PV: Bà có mong muốn gì để có thể hỗ trợ các nữ doanh nhân Việt Nam giảm bớt những trở ngại này?

Bà Mai Thị Diệu Huyền: Để thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của đội ngũ doanh nhân nữ trong bối cảnh hiện nay, cần có quyết tâm lớn, cần xây dựng kế hoạch tổng thể với mục tiêu rõ ràng theo từng thời kỳ, theo đó là những giải pháp thực hiện cụ thể với sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: (1) Tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật để thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; (2) Nâng cao hiệu quả thực thi các hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hiện nay; (3) Cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải thiện ở những khía cạnh bất cập nhất; (4) Tăng cường năng lực và kiến thức cho doanh nhân nữ; (5) thực hiện các hoạt động nhằm thay đổi các định kiến và phân biệt đối xử về giới trong xã hội.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Vân Tùng (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ba-mai-thi-dieu-huyen-nu-doanh-nhan-dong-vai-tro-quan-trong-trong-su-phat-trien-cua-doi-ngu-doanh-nhan-viet-nam-post536870.html