Xuất hiện trước công chúng sau khi rời nhà riêng ở Vancouver, Canada, bà Mạnh Vãn Châu đã không còn đeo thiết bị theo dõi ở chân. Ảnh: Reuters.
Thiết bị theo dõi trên cổ chân sử dụng sóng di động và kết nối GPS để theo dõi vị trí của người bị giám sát theo thời gian thực. Tác dụng của việc này là đảm bảo người bị giám sát không vi phạm lệnh cấm rời khỏi nhà vào buổi tối, hạn chế đi vào hoặc rời khỏi một khu vực nhất định, tùy theo phán quyết của tòa án. Bà Mạnh lần đầu được nhìn thấy đeo máy theo dõi là khi đến dự phiên tòa ở Vancouver ngày 23/9/2018. Ảnh: Reuters.
Máy theo dõi được tháo sau khi Bộ Tư pháp Mỹ đạt thỏa thuận với Huawei để thả bà Mạnh Vãn Châu. Đổi lại, bà Mạnh thừa nhận hành vi sai trái nhằm "lách luật" lệnh cấm vận của Mỹ. Phó công tố viên liên bang Mỹ David Kesslercho biết thỏa thuận giữa hai bên sẽ chấm dứt vào tháng 12/2022. Nếu cho tới thời điểm ấy bà Mạnh không có thêm hành vi phạm pháp, các cáo trạng sẽ được hủy bỏ. Ảnh: Reuters.
Bà Mạnh tham gia phiên tòa qua mạng từ Canada. Reuters dẫn hai nguồn thạo tin cho biết thỏa thuận nói trên chỉ liên quan tới cá nhân bà Mạnh. Những cáo buộc khác của Mỹ đối với Huawei vẫn được giữ nguyên. Ảnh: Reuters.
Thỏa thuận nhận tội giúp bà Mạnh có thể trở về Trung Quốc mà không phải bị dẫn độ sang Mỹ để chịu xét xử. Theo Wall Street Journal, bà Mạnh được cho là sẽ chỉ nhận tội với một số cáo buộc ít nghiêm trọng. Trong khi đó, cáo buộc chính nhằm vào bà sẽ bị hủy. Ảnh: Reuters.
South China Morning Post ngày 25/9 đưa tin Bộ Tư pháp Canada đã cho phép bà Mạnh rời khỏi nước này. Khoảng 16h30 ngày 24/9 (giờ địa phương), bà Mạnh Vãn Châu đã lên chuyến bay của hãng Air China rời sân bay quốc tế Vancouver để về Trung Quốc. Người phát ngôn của Huawei và phòng công tố viên liên bang tại Brooklyn từ chối bình luận. Luật sư của bà Mạnh cũng không lên tiếng. Ảnh: Reuters.
Bà Mạnh bị giam lỏng ở nhà tại Canada trong thời gian hầu tòa. Theo yêu cầu từ phía Mỹ, nhà chức trách Canada bắt giữ bà Mạnh, 49 tuổi, giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei, vào tháng 12/2018 tại sân bay quốc tế Vancouver. Bà Mạnh là con gái của nhà sáng lập và CEO Huawei Nhậm Chính Phi. Ảnh: Reuters.
Duy Anh