Bà ngoại

Ngoại vừa băm xong mẻ chuối thì Dịu về. Thấy Dịu, bà quay sang dặn: Sắp đến giỗ ông rồi, chiều nay ở nhà giúp bà dọn dẹp nhé! - Dạ bà! Chiều cháu ra đồi cát, xem chỗ nào cao và thoáng lấy cát về thay bát nhang cho ông và dì!...

- Dạ, cháu biết rồi ạ! Mà bà ơi, thế năm nay các cậu có về không bà?

- Bà chưa gọi! Nhưng chắc các cậu bận cũng chẳng về được đâu!

Sau bữa trưa, Dịu và ngoại bắt tay vào việc lau dọn lại nhà cửa và các trang thờ. Dịu để ý thấy khi bà lau di ảnh ông và dì, bà cứ lặng đi, những ngón tay nhăn nheo cứ mân mê từng đường nét trên khuôn mặt dì, rồi lại đến ông.

Từ khi Dịu chuyển về sống cùng bà, năm nào bà cũng giao cho Dịu việc thay cát mới vào bát nhang, Dịu rất thích làm việc này, buổi chiều, Dịu rủ đám con trai trong xóm leo lên đồi cát cao nhất, nơi thoáng và sạch nhất, chọn chỗ cát trắng nhất rồi đong lấy mấy chén về để thay bát nhang trên bàn thờ ông ngoại và dì hai. Dịu nghĩ, nếu như cậu cả và cậu út ở nhà thì chắc gì việc ấy đã đến lượt nó. Và Dịu tự hào vì năm nào đến giỗ ông, Dịu cũng được làm cái điều mà nó cho rằng thiêng liêng và cao cả ấy.

Những trái bưởi được ngoại chăm chút, bao buộc tỉ mẩn vì sợ lũ ong chích sẽ làm bưởi mất ngon, mất đẹp. Trước ngày giỗ ông, ngoại cẩn thận chọn những trái đẹp và căng tròn nhất chưng lên bàn thờ, rồi bao giờ ngoại cũng không quên xin ông phù hộ cho các con, các cháu khỏe mạnh. Cậu cả, cậu út nơi đất khách bình an.

Ngoài ngõ đám trẻ con ríu ran chơi trò đánh trận. Tiếng chuyện trò của nhà hàng xóm vẳng sang, bố thằng Lưu giục nó đi tắm, mẹ nó vừa hì hụi quét dọn vừa ngoái vào nhắc chồng tối nay nhớ đưa mẹ xuống nhà ông Cả xóm dưới bốc thêm thuốc.

Mấy hôm trước nhà cô Hai đối diện có đám giỗ, con cháu tập trung về đông đủ, làm đến sáu, bảy mâm cơm. Mấy đứa cháu nhà bà ấy lớn nhỏ cũng đến gần cả hai chục đứa, xa gần có cả, giỗ họ năm nào chúng cũng theo bố mẹ về với bà. Chúng quây quanh bà, đứa nhổ tóc bạc, đứa nằm vắt vẻo trong lòng, đứa tinh nghịch kéo môi bà để đếm xem bà mọc được bao nhiêu cái răng rồi, và chúng cười, tiếng cười rộn cả căn nhà, vẳng ra ngõ, vẳng sang cả nhà bà cháu Dịu. Những lúc như thế, bao giờ Dịu cũng thấy bà ngồi lặng đi bên cối trầu, bà cứ day đi day lại miếng trầu trong cối cho đến khi trầu, cau và vôi quyện vào nhau nhuyễn nát, đỏ au nhưng bà vẫn cứ day. Bà làm như để vơi đi điều gì đó trong lòng. Dịu học bài bên cạnh quay sang hỏi bà:

Minh họa: KHOA AN.

Minh họa: KHOA AN.

- Bà nhớ cậu cả hay cậu út vậy bà?

- Bà nhớ thằng Tít, thằng Tèo, cái Gạo...

Chúng là em họ của Dịu, con cậu cả và cậu út. Mẹ Dịu bảo, người già thường nhớ cháu, mong con, lúc nào cũng mong con cháu ở gần mình nhưng khổ nỗi, con cái lớn lên có cuộc sống riêng, chân trời riêng nên con cái cứ thế mà xa dần cha mẹ. Cậu cả làm giám đốc sản xuất cho một công ty nước ngoài tận trong Sài Gòn, xa ngoại đến cả nghìn cây số. Nghe nói công việc cậu rất bận, cậu đi từ sáng sớm đến khi nhà người ta chuẩn bị đi ngủ mới về nhà. Mấy bận bà gọi điện lên thông báo với cậu nhà sắp giỗ ông, anh Tít nhà cậu nghe máy, lần nào anh cũng nói bố bận đi công tác, hôm thì đi tiếp khách chưa về, có hôm lại nhậu say ngủ chưa dậy. Hôm qua bà lại gọi, thằng Tít khoe sắp đến kỳ nghỉ hè, cậu tính sắp xếp đưa cả nhà sang Mỹ du lịch vừa là để thăm gia đình cậu út công tác bên đó vừa để tìm trường cho Tít sau này sang học cho tiện. Rồi nó chuyển máy cho cậu, bà chưa kịp nhắc đến giỗ ông thì cậu đã bảo chắc gia đình cậu không về được. Cậu sẽ gửi tiền về cho mẹ cái Dịu lo cúng kính giúp. Dịu biết ngoại buồn nhưng ngoại vẫn cười bảo ừ, con cố gắng thu xếp đưa vợ con đi chơi cho biết đó biết đây, sang bên đó coi em con nó sống thế nào, vợ chồng con cái nó khỏe không? Nói đến đó thì cậu bảo chuẩn bị đi tiếp khách.

- Con nhớ giữ sức...

Bà chưa kịp nói hết câu thì điện thoại đã phát ra những tiếng tút tút lạnh lùng. Bà đưa điện thoại bảo Dịu gọi cho bà nói chuyện với cậu út. Cậu út hồi bé được mệnh danh là mít ướt, gặp chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng khóc, cậu cũng hay ốm vặt, sài đẹn mọc khắp người, bà bảo cậu khó nuôi nhất nhà, học lớp 5 rồi mà người bé như cái kẹo. Ấy thế mà lớn lên cậu lại thông minh và học giỏi nhất nhà. Cậu nhận được học bổng du học và định cư luôn ở Mỹ, từ ngày lập gia đình chưa một lần có điều kiện về thăm ngoại vì con nhỏ, công việc của một tiến sĩ nghiên cứu cũng nhiều đâm ra chẳng có thời gian. Ngoại biết chắc cậu út sẽ chẳng về được, xa đến nửa vòng trái đất, làm sao cậu có thể bỏ công bỏ việc về quê chỉ vì nhà sắp có đám giỗ. Và thật, cậu không nghe máy. Dịu bảo: “Chắc bên đó bây giờ đang là ban đêm bà ạ!”.

Trời nắng như đổ lửa, đất cát khô rạc rời, cây cối rũ xuống vì nóng. Người ta chỉ mong đến ban đêm để mang chiếu ra trảng cát cuối làng nằm hứng gió trời cho mát, vừa kể chuyện đồng chuyện chợ cho nhau nghe. Dịu cũng thường dẫn ngoại đi ra trảng cát đầu làng nói chuyện với các bà trong xóm cho đỡ buồn. Đêm nay, Dịu lại dẫn ngoại đi, trăng đầu tháng như lưỡi liềm cong cong vắt trên đầu ngọn tre trổ bông báo hạn. Bóng ngoại và Dịu đổ dài trên cát. Một đoạn ngoại lại nghỉ mệt, cát khô quá làm ngoại chồn gối. Bà chỉ về phía đồi sim xa xa phía trước và kể cho Dịu nghe chuyện hồi bé của cậu cả và cậu út mải hái sim mà lạc đường về. Bao giờ, hễ có dịp là bà lại nhắc đến các cậu, Dịu thắc mắc, ở nơi phố thị xa hoa, bận trăm công nghìn việc, liệu các cậu có nhắc đến ngoại, thằng Tít, thằng Tèo, cái Gạo có còn nhớ rõ mặt ngoại. Dịu buồn.

Dịu được phân công nhiệm vụ về ở với ngoại. Cậu cả bảo:“Con Dịu cố gắng về ở với bà, đỡ đần bà lúc trái gió trở trời, cậu chu cấp tiền học, ra trường cậu xin việc cho!”. Cậu út nói: “Con Dịu coi chăm bà chu đáo cậu cho tiền tiêu vặt”. Và thế là thi thoảng gửi tiền về cho ngoại chi tiêu, các cậu gửi kèm thêm một khoản mấy trăm nghìn đồng cho Dịu. Ngoại chẳng bao giờ đụng đến khoản tiền các cậu gửi về. Dịu để ý thấy ngoại gói vào túi ni lông cất dưới đáy thùng gạo, ngoại bảo để dành đó mai mốt ngoại về với ông có cái mà lo, không phiền đến con cháu. *

Ngoại ốm. Mấy ngày liền ngoại chẳng ăn uống được gì, cứ nôn tháo nôn thốc và đắp chăn nằm mãi. Từ trước đến giờ chưa bao giờ ngoại ốm mà phải nằm như thế. Buổi chiều, Dịu ghé qua nhà gọi mẹ, mẹ Dịu tất tưởi chạy sang, nấu cho ngoại bát cháo hạt nén cùng lòng đỏ trứng gà và năn nỉ:

- Mẹ cố ăn chút cho lại sức!

Dịu đỡ ngoại ngồi dậy, được hai thìa cháo loãng thì ngoại lắc đầu. Rồi ngoại lại nằm.

- Để con bảo nhà con đưa mẹ lên trạm xá truyền chai nước cho lại sức!

Ngoại lắc đầu. Đến trạm xá chỉ mệt thêm, ngoại chỉ muốn nằm ở nhà.

Hoàng hôn đỏ ối lan dần, phủ trùm lấy không gian. Hàng tre xao xác cựa vào nhau sau những ngày bị nắng đốt. Tiếng chuyện trò bên nhà hàng xóm bắt đầu lan dần với hoàng hôn. Vẳng sang nhà bà cháu Dịu. Bà nội thằng Lưu sang thăm ngoại, bà nhìn mấy hộp yến trên đầu giường ngoại bèn chắp miếng trầu nhai dở sang một bên, trầm trồ: “Như bà sướng, con cái thành đạt cả, mỗi tháng đứa chu cấp tiền, đứa áo quần, sữa các kiểu! Nhà có việc mỗi đứa đôi triệu đồng gửi về! Bà chỉ việc mang tiền ra chợ!”. Ngoại đáp: “Tôi già rồi có tiêu gì tiền, tôi thèm tiếng trẻ giành nhau quả ổi, quả na như nhà bà, nào được!”. Mỗi lần như thế, ngoại lại nén tiếng thở hắt ra và nhìn về phía nào đó xa xăm lắm.

- Ngoại ơi! Con gọi cho các cậu nhé!

- Đừng! Các cậu còn nhiều việc, biết bà ốm các cậu lại lo!

“Mẹ già như chuối chín cây...”, câu hát vu vơ của mẹ thằng Lưu chợt lọt vào tai Dịu, Dịu ngồi bật dậy và quyết định gọi cho cậu cả. Vẫn là thằng Tít nghe máy. Dịu báo bà ốm, đã mấy ngày rồi bà chẳng ăn uống được gì, chỉ nằm lắng tai nghe tiếng nói chuyện bên nhà thằng Lưu vọng sang, rồi nhìn ra ngoài ngõ. Ngoại mong Tít, mong Tèo, mong Gạo lắm. Rồi trong lúc nói chuyện với thằng Tít, Dịu khóc. Thằng Tít hốt hoảng bỏ điện thoại chạy gọi bố mẹ mà quên tắt máy. Dịu nghe thấy đầu dây bên kia, cả nhà cậu cả cũng rộn lên khi nghe thằng Tít báo bà ốm.

*

Sáng sớm, Dịu bưng bát cháo lên, chưa kịp đỡ bà dậy thì phía ngoài ngõ, tiếng cô Hà và thằng Lưu đã í ới vọng vào, chen lẫn nhau không nghe được thành tiếng. Dịu tất tưởi chạy ra thì thấy từ đằng xa, chiếc tắc xi đang từ từ tiến về phía nhà bà cháu Dịu. Xe vừa đỗ, thằng Tít mở cửa chạy ào vào nhà, vừa chạy vừa gọi bà. Cậu cả cũng tất tưởi phía sau, vừa thấy Dịu, cậu hỏi vội: “Bà ốm thế nào con?”.

Trong nhà, bà đã tự ngồi dậy và ăn hết bát cháo tự bao giờ. Cậu cả bảo: “Con về trước, hai hôm nữa vợ chồng thằng út cũng về với má!”.

Bà khóc. Đã lâu rồi Dịu mới lại thấy bà khóc. Nước mắt người già chỉ đủ làm ươn ướt khóe mắt, và Dịu vui, một niềm vui rất đỗi giản đơn.

Chiều nay, ngoại lại ra vườn chăm chút, nhìn ngó những trái bưởi lúc lỉu trên cành, ngoại xách xô nước tưới vào gốc bưởi như chưa từng bị ốm...

Truyện ngắn của PHÚC AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/ba-ngoai-641746