Ba người ở TP.HCM mắc hội chứng Stevens Johnson hiếm gặp
Hội chứng Stevens - Johnson là phản ứng da nặng gây sang thương, bong tróc, phồng rộp.
Sáng 28/5, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU) Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM), cho biết trong một tháng, các bác sĩ tại đây tiếp nhận liên tiếp ba trường hợp mắc hội chứng hiếm gặp Stevens Johnson. Đây là những trường hợp đầu tiên mà khoa ICU của bệnh viện tiếp nhận và chữa trị thành công.
Bệnh nhân đầu tiên là người đàn ông 71 tuổi, nhập viện trong tình trạng ngứa, nổi mẩn đỏ vùng đầu và mặt, sốt cao khoảng 39-40 độ C.
Sau khi điều trị tại khoa Nội, da bệnh nhân bắt đầu phồng rộp, bong tróc lan hết khắp cơ thể kèm tổn thương mắt, miệng, sinh dục. Ông lập tức được chuyển qua khoa ICU điều trị tiếp.
Trường hợp thứ hai là nữ bệnh nhân 47 tuổi, nhập viện với các hội chứng tổn thương da nặng. Các vị trí da bị sang thương mất hoàn toàn lớp thượng bì, bệnh nhân phải dùng băng gạc chuyên dụng để đắp lên phòng ngừa nhiễm khuẩn.
Chị Nguyễn Thị Linh Đức, Điều dưỡng trưởng khoa ICU, cho biết bệnh nhân mắc hội chứng Stevens Johnson có tổn da lan rộng khắp cơ thể. Cần ít nhất 5 người để tắm rửa và thay băng cho bệnh nhân hàng ngày.
“Mỗi lần thay băng, chúng tôi đều phải cố gắng làm nhiều cách để giảm sự đau đớn cho người bệnh như chích thuốc giảm đau, đưa một số hình ảnh bệnh nhân khác cũng bị và đã được điều trị khỏi để họ có động lực chiến đấu tiếp”, chị Linh Đức nói.
Bác sĩ Dũng cho biết trước khi điều trị, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm để tìm ra loại thuốc gây dị ứng. Bệnh nhân buộc phải dừng sử dụng loại thuốc này càng sớm càng tốt để hạn chế nguy cơ tử vong.
“Đây là bước khó khăn nhất vì người bệnh sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc nên rất khó xác định. Các loại thuốc sử dụng trong vòng một tháng trước khi phát bệnh đều có thể là nguyên nhân gây dị ứng”, bác sĩ Dũng nói thêm.
Hội chứng Stevens - Johnson tuy hiếm gặp nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Để hạn chế nguy cơ mắc hội chứng này, bệnh nhân phải dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý uống các thuốc không được kê đơn.
Trước đó, người bệnh nên thông báo tình trạng dị ứng thuốc hay thức ăn cho bác sĩ. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu thấy biểu hiện sốt cao, viêm miệng, nổi dị ứng, ban đỏ khắp người… cần phải tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.