Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND Tp.Thuận An: Lễ hội 'Lái Thiêu mùa trái chín' năm 2023 có nhiều nét mới…

Du khách tham quan vườn cây ăn trái đặc sản của Lái Thiêu trong những kỳ lễ hội trước. Ảnh: QUỐC CHIẾN

- Sau mấy năm tạm dừng, năm nay Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” sẽ được tổ chức trở lại. So với những kỳ lễ hội trước, lễ hội năm nay có gì mới, thưa bà?

- Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” được lãnh đạo TP.Thuận An xác định là một sự kiện quan trọng, với mong muốn góp phần xây dựng một “thương hiệu lễ hội” mang tính chất truyền thống của địa phương.

Sau 3 năm tạm dừng tổ chức do nhiều nguyên nhân khách quan, trong đó có dịch bệnh Covid-19, so với những năm trước, lễ hội năm nay sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, đổi mới hơn, như: Tổ chức vào thời gian cao điểm vụ mùa trái cây đặc sản của vùng Lái Thiêu; thời gian tổ chức lễ hội dài hơn (7 ngày); các hoạt động của lễ hội cũng phong phú và đa dạng hơn với tính chất phục vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách; các gian hàng được chọn lọc phù hợp với lễ hội và được bố trí theo từng khu vực. Ngoài ra, để giúp du khách đến tham quan lễ hội một cách thuận tiện hơn, Ban Tổ chức quyết định tổ chức các “điểm giữ xe miễn phí” xung quanh khu vực diễn ra lễ hội để phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và bà con tham gia lễ hội.

- Xin bà nói rõ hơn về những hoạt động của Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” năm nay?

- Lễ hội năm nay có chủ đề “Cầu Ngang mùa hẹn”. Ngoài hoạt động hội chợ bán trái cây và giống cây trồng, hội chợ thương mại, liên hoan ẩm thực phục vụ du khách mua sắm, lễ hội còn có nhiều hoạt động phục vụ du khách tham quan. Điểm nhấn là lễ khai mạc lễ hội vào đêm 22-5 với chương trình nghệ thuật đặc sắc. Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra giải việt dã Thuận An mở rộng với chủ đề “Cung đường vườn cây trái”. Đến thời điểm này, đã có hơn 1.700 vận động viên chuyên và không chuyên đăng ký tham gia.

Hội thi “Duyên dáng miệt vườn” cũng được phát động đăng ký trên toàn thành phố. Ngoài phần thi cá nhân, năm nay có cả phần thi tập thể với nội dung trình diễn 2 loại trang phục là áo dài và áo bà ba. Bên cạnh đó, còn có hội thi sáng tác ảnh đẹp “Sắc màu mùa trái chín” với hình thức thi ảnh nhanh nên các thí sinh tham gia dự thi sẽ sáng tác trong thời điểm diễn ra lễ hội chứ không phát động trong thời gian dài như trước đây; trưng bày không gian ảnh đẹp “Thuận An đất và người”; hội thi vẽ tranh “Giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi”.

Các hoạt động biểu diễn, giao lưu âm nhạc đường phố và đờn ca tài tử được chúng tôi bố trí tại không gian khu vực gần các gian hàng và sẽ có các hoạt động biễu diễn phục vụ du khách trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Đối với sân khấu chính sẽ là các chương trình biễu diễn ca nhạc vào cổng miễn phí hàng đêm.

Đối với gian hàng ẩm thực, năm nay chúng tôi sẽ mời thêm các tỉnh miền Tây Nam bộ tham gia các gian hàng bánh dân gian. Tại các gian hàng sẽ biểu diễn và làm bánh trực tiếp để du khách tham quan, chiêm ngưỡng, thưởng thức.

- Sau khi biết thông tin năm nay Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” sẽ được tổ chức trở lại, có ý kiến cho rằng Ban Tổ chức nên cân nhắc bố trí các gian hàng tham gia lễ hội phù hợp như tên gọi của nó. Ý kiến của lãnh đạo TP.Thuận An về vấn đề này như thế nào, thưa bà?

- Rút kinh nghiệm những lần tổ chức trước, lãnh đạo thành phố đã tổ chức họp các ngành chuyên môn, các đoàn thể thành phố và UBND các xã, phường để đưa ra những nội dung bảo đảm phù hợp hơn cho sự trải nghiệm của người dân và du khách khi đến tham quan lễ hội.

Du khách đến tham quan lễ hội tất nhiên cần phải được đáp ứng nhu cầu vui chơi, ăn uống và mua sắm. Để thỏa mãn nhu cầu đó, năm nay Ban Tổ chức sẽ bố trí các gian hàng thuận tiện hơn cho du khách tham quan, trải nghiệm và mua sắm. Về ẩm thực, Ban Tổ chức hạn chế những gian hàng bán thức ăn nhanh. Chúng tôi chỉ mời những gian hàng có chất lượng và đặc trưng của các vùng miền, địa phương, các gian hàng của các nhà hàng có chất lượng, các gian hàng nước uống có thương hiệu… Về trái cây, chúng tôi ưu tiên tối đa cho những hộ nông dân, người kinh doanh trên địa bàn thành phố tham gia bán các mặt hàng trái cây đặc sản của vùng Lái Thiêu. Về gian hàng thương mại, năm nay sẽ có sự tham gia của các sản phẩm OCOP trong và ngoài thành phố.

- Lễ hội năm nay diễn ra trong khoảng thời gian khá dài, TP.Thuận An đã chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan như thế nào nhằm bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, để lại ấn tượng tốt trong lòng mọi người, thưa bà?

- Năm nay, thời gian diễn ra lễ hội có dài hơn so với những năm trước. Vì thế, lãnh đạo thành phố rất quan tâm và đã chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương triển khai các nội dung để bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, lịch sự và văn minh.

6 tổ phục vụ đã được thành lập, phân công nhiệm vụ để cùng triển khai thực hiện. Hiện tại, tổ an ninh trật tự đã có kế hoạch bố trí các lực lượng bảo vệ an ninh trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Tổ quản lý giá cả - an toàn thực phẩm sẽ phối hợp cùng các địa phương tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động người dân đồng hành với chính quyền địa phương trong việc tổ chức hoạt động lễ hội; kiểm tra và xử lý nghiêm các tình trạng gian lận về giá, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ hoạt động tình nguyện cũng đã triển khai thực hiện công tác tình nguyện trực hỗ trợ, hướng dẫn du khách trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã thành lập 3 đường dây nóng phản ánh về vi phạm giá cả, an toàn vệ sinh thực phẩm, vi phạm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vi phạm về gian lận thương mại để hỗ trợ du khách trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

- Xin cảm ơn bà!

HỒNG THUẬN (thực hiện)

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/ba-nguyen-thi-hien-pho-chu-tich-ubnd-tp-thuan-an-le-hoi-lai-thieu-mua-trai-chin-nam-2023-co-nhieu-net-moi--a296640.html