Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Chính quyền phải làm việc đau lòng là tháo nhà dân
Do chính quyền không xử lý triệt để vấn đề đầu nậu, cò đất mà giờ chúng ta phải xử lý một vấn đề rất đau lòng là tháo nhà của người dân mặc dù là đúng luật khi nhà người dân xây dựng không phép, trái phép, không đúng quy hoạch – đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm trăn trở.
Sáng 13-7, ngày làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 15, HĐND TP HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã diễn ra với phiên chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng TP Lê Hòa Bình. Vấn đề "cò" đất, đầu nậu lộng hành, "bùng nổ" xây dựng không phép, trái phép... làm "nóng" phiên chất vấn.
"Cò" đất đưa người dân đối diện với chính quyền
Đại biểu (ĐB) Thi Thị Tuyết Nhung chất vấn: Tại sao xây dựng không phép, sai phép lại kéo dài ở một số quận huyện ngoại thành như quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân… Nguyên nhân do đâu? Phải chăng có vấn đề bất cập về quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch hoặc vướng mắc trong cấp phép xây dựng ở địa phương?.
Ông Lê Hòa Bình thẳng thắn nhận trách nhiệm trước những hạn chế về mặt quản lý của ngành xây dựng TP mà ĐB Nhung nêu. Ở những quận, huyện đang đô thị hóa, xây dựng trái phép phức tạp, trong đó có nguyên nhân bất cập trong quản lý, có nơi còn buông lỏng.
Ông Bình khẳng định với những công trình cố tình vi phạm thì bắt buộc phải xử lý nghiêm.
"Chia lửa" với giám đốc Sở Xây dựng, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng đại bộ phận người dân chấp hành tốt quy định về xây dựng. Tuy nhiên, thực tế sai phạm phần lớn tập trung ở diện mua bán, sang nhượng giấy tay đất nền, dự án, có liên quan đến "cò". "Xây dựng trái phép nóng nhất diễn ra ở những nơi có các nhóm "cò" nhảy vô làm việc này" – ông Hoan nói.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng "bùng nổ" xây dựng trái phép, ông Hoan nhìn nhận có nguyên nhân của cơ chế phối hợp, khi các lực lượng "nhìn qua ngó lại" dẫn đến chậm phát hiện sai phạm. Thậm chí, khi phát hiện sai phạm lại không kịp thời xử lý. "Nhiều khi đi qua không biết công trình do TP hay địa phương cấp phép. Đây là lỗ hổng trong cơ chế phối hợp" – ông Hoan thừa nhận.
Đặt tiếp vấn đề: "Ai đứng ra phân lô, ai làm cò, ai cố tình đưa người dân (mua nhà đất trái phép) vào đối diện với cơ quan nhà nước", ông Hoan chỉ rõ đối với đầu nậu, "cò" đất, chúng ta chưa nhận diện, chưa chỉ đích danh và xử lý được, vì thế mới tạo ra điểm nóng trên địa bàn. Phải chỉ ra và xử nghiêm tình trạng đó. "Không thể trong một địa bàn khoảng 1 ha mà ào ào xây dựng được, phải có người đứng mũi chịu sào, đứng ra phân lô, hô hào quảng cáo, đưa người dân lương thiện vào đối diện với chính quyền Nhà nước.
"Với trường hợp đầu nậu đó phải xử nghiêm minh, không để tự tung tự tác. Ở phường, xã các đồng chí biết hết nhưng chưa nhận diện hết tác hại của việc này và chưa giải quyết" – ông Hoan nhấn mạnh, đồng thời cho rằng dứt khoát phải xử lý hình sự "cò" đất phân lô, bán nền trái phép gây náo loạn thị trường, thách thức kỷ luật kỷ cương.
Có phải "bó tay" với đầu nậu, "cò" đất?
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP, nói bà rất tâm đắc trước phát biểu thẳng thắn của Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan. "Đồng chí nói một câu mà tôi rất chú ý, đó là phải nhận diện đúng tình hình để xử lý cho phù hợp. Có hai nhóm dẫn đến sai phạm là đầu cơ và trục lợi nhưng tôi mong UBND TP lưu ý thêm một hiện tượng người nghèo, dân nhập cư có nhu cầu nhà ở mua đất ở khu vực có phân lô, bán nền rồi xây dựng nhà" – bà Quyết Tâm bày tỏ.
Bà Quyết Tâm đặt vấn đề: "Vậy chúng ta xử lý vấn đề này như thế nào? Tôi rất đồng ý với UBND TP là xử lý nghiêm các đầu nậu, "cò" đất mua, thu gom đất nông nghiệp không đúng với quy hoạch rồi bán cho người dân nghèo nhưng đối với người dân nghèo thì sao?".
Từ đó, bà Tâm giãi bày: "Tháo dỡ nhà dân thì đúng luật rồi nhưng nói về trách nhiệm quản lý nhà nước và người lãnh đạo của TP này, chúng ta thấy rất là lo lắng, day dứt. Trước hết là nói về năng lực quản lý nhà nước. Xã phường biết không, anh Hoan nói chắc là biết. Nếu chúng ta biết tại sao chúng ta không xử lý" .
Bà đề nghị chính quyền phải suy nghĩ vấn đề này, khi nêu thêm tác động của nó đối với an sinh xã hội: "Do chính quyền không xử lý triệt để vấn đề đầu nậu, đầu cơ mà giờ chúng ta phải xử lý một vấn đề rất đau lòng là tháo nhà của người dân".
Theo bà, do xử lý cán bộ không nghiêm, quản lý nhà nước không tốt của cán bộ cơ sở đã dẫn tới một hệ lụy lớn, ảnh hưởng đến tài sản người dân. "Tôi không cổ xúy cho người dân vi phạm pháp luật nhưng ẩn ở đằng sau đó người lãnh đạo TP cần suy nghĩ về nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là người dân nghèo" – bà gửi gắm.
Do hết giờ nên Sở Xây dựng và UBND TP không thể trả lời phần chất vấn của ĐB Tâm.
Cấm cửa nhà đầu tư gian dối
Nhiều ĐB cũng đặt vấn đề hoàn công trong xây dựng nhà ở riêng lẻ gặp nhiều khó khăn; quản lý chung cư còn nhiều bất cập khi chủ đầu tư lừa đảo, bán nhà đất cho khách hàng nhưng không đủ tính pháp lý, thậm chí chủ đầu tư mang nhà đất đã bán cho khách hàng đi cầm cố ngân hàng. Tình trạng này khiến nhà đất của khách hàng bị treo quyền sở hữu, dù đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư.
"Sao lại có sự nghịch lý như vậy. Khách đã trả đủ tiền mà vẫn không được quyền sở hữu theo đúng quy định. Phải có sự tháo gỡ triệt để vấn đề này", ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TP, chất vấn.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan thừa nhận thực trạng bất cập này là một tồn tại, cần tiếp tục quan tâm đặc biệt để giải quyết, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
Nêu ra nhiều giải pháp chấn chỉnh, ông Hoan nhấn mạnh đến việc mà UBND TP đã thống nhất quan điểm, đó là xử lý hình sự nhà đầu tư cố tình lừa đảo khách hàng trong giao dịch, "cấm cửa" nhà đầu tư làm ăn gian dối…