Ba nhóm công việc có tính chất đặc biệt về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi
Bộ LĐ-TB&XH vừa có tờ trình gửi Chính phủ việc ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
Tại tờ trình về việc ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, nghị định này sẽ hướng dẫn chi tiết các nội dung như: giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương; ca làm việc và làm việc theo ca; nghỉ trong giờ làm việc; thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số tháng làm việc và ngày nghỉ hằng năm của người lao động.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi gồm 3 chương, 15 điều.
Trong đó, thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương được kế thừa từ Điều 3 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP. Để phù hợp với Bộ luật Lao động 2019, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung một số nội dung như: thời giờ được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở quy định tại Bộ luật Lao động; thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động; thời giờ đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.
Dự thảo Nghị định cũng đề xuất bổ sung thêm 03 nhóm công việc có tính chất đặc biệt về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi ngoài các trường hợp quy định tại Điều 116 Bộ luật Lao động theo đề nghị của các Bộ, ngành, đó là: Các công việc phòng chống thiên tai, hỏa hoạn và dịch bệnh; các công việc trong lĩnh vực thể dục, thể thao; sản xuất thuốc, vaccine sinh phẩm.
Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất bổ sung và làm rõ thêm những nội dung liên quan đến thời giờ làm thêm ban đêm, thời gian nghỉ hằng năm, ca làm việc và làm việc theo ca liên tục...