Ba nội dung trọng tâm gắn với thực hiện chế độ ưu đãi người có công
Thời gian qua, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã được ban hành. Đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi người có công từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước nhằm tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng. Đây là chính sách đặc thù gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là trách nhiệm, là tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người đã không tiếc thân mình hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 76 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng".
Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trong đó, có một số nội dung trọng tâm gắn với thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng dưới đây.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công tiếp tục được hoàn thiện để chăm sóc toàn diện người có công với cách mạng
Kể từ Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/2/1947 về “chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”, ưu đãi người có công với cách mạng là nguyên tắc Hiến định, được thể hiện xuyên suốt trong các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nghị định số 55/2023 ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng, tăng 26,54%, với ngân sách bảo đảm khoảng 33 nghìn tỷ đồng. Chính sách này được thực hiện từ ngày 1/7/2023.
Thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và hiện nay là Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, tính từ năm 1994 đến năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 10 văn bản và Pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 19 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 quyết định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Đến nay, tại Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 Ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị định số 55/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã ngày càng phù hợp yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn, đặc biệt đã chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét, công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng.
Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023 ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo đó, văn bản đã điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng, tăng 26,54%, với ngân sách bảo đảm khoảng 33 nghìn tỷ đồng. Chính sách này được thực hiện từ ngày 1/7/2023.
Ưu tiên hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở
Cũng theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cùng với việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các chính sách ưu đãi khác đối với người có công với cách mạng như: hỗ trợ y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn kinh doanh và miễn hoặc giảm thuế…, ưu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở đã góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống người có công với cách mạng.
Sau 10 năm thực hiện Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã thực hiện việc hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với 393.707 hộ (gồm 184.695 hộ xây mới và 209.012 hộ sửa chữa) với kinh phí khoảng 10.654 tỷ đồng.
Hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, mức hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà ở cho người có công dự kiến là 30 triệu đồng, mức hỗ trợ xây mới dự kiến là 60 triệu đồng.
Sau 10 năm thực hiện Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, cả nước đã thực hiện việc hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với gần 394 nghìn hộ, với kinh phí hơn 10,6 nghìn tỷ đồng.
Nâng cao chất lượng các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng các cơ sở nuôi dưỡng điều dưỡng để chăm sóc toàn diện người có công với cách mạng.
Nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1007/QĐ-TTg ngày 30/8/2023 phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch).
Mục tiêu của Quy hoạch này nhằm hình thành hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; bảo đảm người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Một trong những quan điểm được nhấn mạnh trong Quy hoạch là bảo đảm phù hợp khả năng đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực xã hội; bảo đảm linh hoạt trong chuyển đổi mô hình, chức năng của các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng phù hợp tình hình, nhu cầu thực tế của các vùng, địa phương.
Đồng thời, Quy hoạch theo hướng mở và linh hoạt. Tùy thuộc vào tình hình, nhu cầu thực tế của các vùng, địa phương để xác định số lượng, quy mô của các cơ sở trên từng địa bàn bảo đảm phù hợp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng đối với người có công với cách mạng.
Về mục tiêu đến năm 2030, Quy hoạch trên cơ sở hiện trạng, bảo đảm phát triển hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng phù hợp, đủ quy mô, năng lực, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng, tạo thuận lợi để người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện về thể chất và tinh thần.
Quy hoạch là cơ sở để xây dựng lộ trình và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn cả nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về ưu đãi người có công bảo đảm khách quan, khoa học, minh bạch và hiệu quả.
Đến năm 2025, phát triển mới 5 cơ sở điều dưỡng người có công với cách mạng với quy mô khoảng 400 giường; xây dựng, nâng cấp 2 cơ sở điều dưỡng với quy mô khoảng 180 giường; đưa ra khỏi Quy hoạch một số cơ sở; sáp nhập, rà soát, điều chỉnh linh hoạt mô hình hoạt động của các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng phù hợp tình hình thực tế.
Đến năm 2030, phát triển mới 3 cơ sở điều dưỡng người có công với cách mạng với quy mô khoảng 240 giường; xây dựng, cải tạo, nâng cấp 4 cơ sở điều dưỡng với quy mô khoảng 400 giường; chuyển đổi linh hoạt mô hình hoạt động của các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng phù hợp tình hình thực tế.
Về tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng được duy trì và đáp ứng ngày càng cao nhu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng. Từ đó, góp phần thực hiện chính sách đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công với cách mạng.
Định hướng phát triển cấu trúc hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm 70 cơ sở công lập với quy mô khoảng 7.400 giường.