Ba nước ASEAN thành lập mạng lưới trạm sạc xuyên biên giới

Thái Lan, Singapore và Malaysia đang hợp tác xây dựng hệ thống trạm sạc điện xuyên biên giới.

Các công ty năng lượng trong và ngoài nước tại Singapore đang thiết lập mạng lưới trạm sạc xe điện, trải dài khắp Singapore, Malaysia và Thái Lan, với mục tiêu mở rộng thị trường nhanh chóng nhờ tăng trưởng kinh tế.

City Energy - nhà cung cấp khí đốt thuộc Tập đoàn Keppel Corp với sự hậu thuẫn từ chính phủ Singapore, đã tham gia thị trường sạc điện EV thông qua sự hợp tác với EV Connection của Malaysia.

 Nhiều công ty năng lượng đang phát triển mạng lưới trạm sạc EV xuyên quốc gia tại Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Nhiều công ty năng lượng đang phát triển mạng lưới trạm sạc EV xuyên quốc gia tại Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Với ứng dụng Go của City Energy, người dùng có thể tìm kiếm các trạm sạc, lên lịch nạp tiền và thanh toán cho dù họ đang ở Malaysia hay Singapore. Đây là ứng dụng xuyên biên giới đầu tiên dành cho cả 2 quốc gia.

City Energy sẽ chi 100 triệu SGD (72,7 triệu USD) cho đến cuối thập kỷ này để bắt đầu lắp đặt các trạm sạc tại 13 khu dân cư. Trong khi đó, mạng lưới trạm sạc của EV Connection sẽ được lắp đặt dọc theo đường cao tốc Bắc Nam của Malaysia, số lượng trạm sạc được dự kiến tăng lên 70 trạm vào cuối năm nay.

City Energy có nguồn gốc là công ty công trình công cộng, công ty này hiện diện chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh cung cấp khí đốt của Singapore. Dù không công bố thu nhập, hoạt động kinh doanh của City Energy ổn định với nhóm khách hàng hơn 870.000 hộ gia đình.

Trong bối cảnh toàn cầu hướng đến mục tiêu không carbon, City Energy đang tìm cách chuyển mình thành công ty năng lượng dịch vụ, đầu tiên là việc tiếp cận công nghệ trạm sạc EV.

Đối thủ cạnh tranh gay gắt với City Energy là TotalEnergies của Pháp, công ty này đang dẫn đầu thị trường sạc EV tại Singapore. Ngoài ra còn có 5 đối thủ lớn khác.

Tập đoàn năng lượng "khổng lồ" Shell đang gấp rút xây dựng mạng lưới sạc EV siêu nhanh. Vào tháng 1, tập đoàn này đã lắp đặt trạm sạc 180 kW tại một cây xăng ở phía Nam của bán đảo Malaysia, được xem là trạm sạc nhanh nhất trong khu vực ASEAN.

Trạm sạc này có thể sạc mẫu Porsche Taycan 0-80% chỉ trong 30 phút. Hiện tại, mức công suất tiêu chuẩn của sạc nhanh là 50 kW. Shell sẽ lắp đặt thêm 12 trạm sạc siêu nhanh dọc các tuyến đường cao tốc ở Malaysia, Thái Lan và cả Singapore, sớm nhất vào cuối năm nay.

Trạm sạc của Shell sẽ nhắm đến nhóm khách hàng giàu có sở hữu xe điện cao cấp. Giá cước sạc siêu nhanh tương đối đắt, với mức phí khoảng 190 USD/5 phút, trong khi trạm sạc thường chỉ 4,5 USD/5 phút.

Kế hoạch của hãng là thêm bộ sạc siêu tốc vào ứng dụng Recharge độc quyền, cho phép người dùng xác định vị trí và thanh toán cho các trạm sạc tại 3 quốc gia. Shell đặt mục tiêu tạo ra mạng lưới hơn 5.000 trạm sạc trên khắp châu Á ngoại trừ Trung Quốc vào năm 2025.

Doanh số bán xe điện tăng mạnh khiến nước này trở thành một thị trường hấp dẫn cho các trạm sạc. Chính phủ Singapore đã công bố mục tiêu mọi phương tiện trong thành phố chạy bằng năng lượng sạch vào năm 2040.

 Doanh số xe điện tăng mạnh trong khu vực đòi hỏi mạng lưới trạm sạc lớn hơn.

Doanh số xe điện tăng mạnh trong khu vực đòi hỏi mạng lưới trạm sạc lớn hơn.

Số lượng trạm sạc EV tại đây được dự kiến tăng lên 60.000 trạm vào năm 2030. Trong năm 2021, Singapore đã có 1.800 trạm sạc. Số lượng xe điện cả nước đạt 2.942 chiếc vào năm 2021, tăng 2,4 lần so với năm trước đó. Xe điện chiếm 3,8% tổng doanh số bán ôtô mới trong năm ngoái.

Singapore có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Đông Nam Á với khoảng 6.000 USD. Malaysia và Thái Lan cũng đứng trên Indonesia, quốc gia có thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.000 USD.

Singapore, Malaysia và Thái Lan chiếm ba vị trí hàng đầu ở Đông Nam Á về số lượng người tiêu dùng đang cân nhắc mua một chiếc xe điện mới làm phương tiện tiếp theo của họ, theo một cuộc khảo sát do Deloitte thực hiện.

Vũ Huỳnh

Nguồn: Nikkei Asia

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ba-nuoc-asean-thanh-lap-mang-luoi-tram-sac-xuyen-bien-gioi-post1324563.html