Ba quận có số ca sốt xuất huyết cao nhất TP.HCM

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, tình hình bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng ở TP.HCM giảm so với trung bình 4 tuần trước.

 Người dân TP.HCM không quên đeo khẩu trang khi ra đường. Ảnh: Linh Huỳnh.

Người dân TP.HCM không quên đeo khẩu trang khi ra đường. Ảnh: Linh Huỳnh.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 9 (tính từ ngày 26/2 đến ngày 3/3), thành phố ghi nhận 110 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm gần 1/3 so với trung bình 4 tuần trước.

Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, quận Tân Phú và quận 8.

Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 tính đến nay là 1.795 ca.

 Ảnh: HCDC.

Ảnh: HCDC.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt.

Tùy vào cơ địa mỗi người, khi mắc bệnh sốt xuất huyết, sẽ có những trường hợp bệnh tự khỏi sau vài ngày sốt, cũng có những trường hợp xuất hiện thêm nhiều triệu chứng, bệnh diễn tiến nặng hơn và có nguy cơ tử vong nếu không xử lý kịp thời.

Theo HCDC, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách tìm và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách ngăn cản muỗi tiếp xúc nguồn nước, sử dụng hóa chất, thiên địch để diệt lăng quăng.

Người dân có thể diệt muỗi và phòng tránh muỗi chích bằng cách thường xuyên ngủ mùng, kể cả ban ngày; sử dụng lưới chắn muỗi hoặc rèm tẩm hóa chất diệt muỗi ở cửa; sử dụng hương xua muỗi, bình xịt xua, diệt muỗi cầm tay, vợt điện...

Ngoài ra, mọi người cũng nên thoa hoặc xịt trên da sản phẩm chống muỗi chứa các hoạt chất được chứng nhận đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Cũng trong tuần 9, TP.HCM ghi nhận 75 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 13% so với trung bình 4 tuần trước.

Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 09 là 1.286 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 6, huyện Nhà Bè và quận 8.

Tay chân miệng có thể gặp quanh năm, nhưng xu hướng tăng cao từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.

Do chưa có vaccine tay chân miệng, phụ huynh có thể phòng bệnh cho trẻ bằng cách hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Nếu trẻ mắc bệnh, nên cho con nghỉ học để tránh lây lan cho các bạn cùng lớp.

Phụ huynh nên giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ; Thường xuyên rửa tay, nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người lớn nên rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, chăm sóc trẻ, cũng như xử lý phân, dịch tiết.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://znews.vn/ba-quan-co-so-ca-sot-xuat-huyet-cao-nhat-tphcm-post1463736.html