Bà Rịa– Vũng Tàu: Gấp rút lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá
Theo quy định, trước ngày 1/7/2019 tất cả tàu cá có chiều dài hơn 24m phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tàu cá chưa được lắp đặt.
Theo qui định, thời hạn để các tàu đánh bắt xa bờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá dài trên 24m chỉ còn chưa đầy nửa tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỷ lệ lắp thiết bị này rất thấp. Cả tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu mới có 614/2.900 tàu cá đánh bắt xa bờ đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Riêng tàu cá dài trên 24m chỉ mới có 134 trong tổng số 277 tàu cá đã lắp thiết bị.
Ông Nguyễn Trường Quang (ở xã Phước Hưng, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) là chủ của 2 tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67, có chiều dài trên 24m. Nhưng đến giờ, ông Quang vẫn chưa lắp thiết bị giám sát hành trình cho cả 2 con tàu này, với lý do đánh bắt thua lỗ.
“Hiện nay chưa kiếm được tiền nên chưa biết thế nào, biển thời gian qua mất mùa quá, đi về toàn lỗ vốn, trung bình lỗ từ 60 – 70 triệu, có chuyến biển lỗ từ 150 – 200 triệu. Đang dự định đến mùa đánh bắt kiếm tiền rồi tính tiếp, hiện nay vẫn đang dùng máy VS 1700 của nhà nước cấp vẫn sử dụng bình thường, cũng có định vị hành trình”, ông Quang cho biết.
Thuyền của ông Nguyễn Văn Hệ (ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cũng dài trên 24m, nhưng với lý do chỉ chuyên làm dịch vụ chứ không đánh bắt và chỉ hoạt động trong vùng nước của Việt Nam nên ông Hệ cho rằng, việc bắt buộc lắp thiết bị hành trình là không cần thiết.
“Bắt buộc tàu cá gắn hết là chưa hợp lý, tại vì tàu dịch vụ chỉ chạy trong vùng biển Việt Nam. Thiết bị này gắn nhằm mục đích nếu mình đánh bắt ở vùng biển nước bạn thì nhà nước can thiệp được. Còn mình chỉ đánh bắt vùng biển Côn Đảo hay cách Côn Đảo vài chục hải lý rồi chạy vào chứ không dám đi ra xa. Nếu nhà nước quy định thì mình cũng chấp hành thôi vì tàu mình từ 15 mét trở lên”, ông Nguyễn Văn Hệ nói.
Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, Chi cục phó Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu, hiện nay nhiều tàu cá trên 24 mét vẫn chưa triển khai lắp đặt thiết bị này, ngoại trừ những tàu đã gắn thiết bị VS 1700 do nhà nước hỗ trợ. Do vậy, ngành nông nghiệp đã và đang phối hợp với Bộ đội Biên phòng để kiểm tra tất cả các tàu cá từ 24 mét trở lên khi ra vào các cảng, nhằm bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Đối với những tàu gia hạn đăng ký cũng phải có thiết bị này mới được cấp giấy đăng ký.
“Tất cả tàu cá từ 24 mét trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình, tuy nhiên Chi cục thủy sản cũng quy định tàu từ 15 mét trở lên cũng phải lắp. Khi chủ tàu gia hạn giấy phép thì bắt buộc tàu phải có thiết bị này và chúng tôi cấp hạn ngạch 5 năm/lần. Nếu không lắp thiết bị này thì chúng tôi không gia hạn giấy phép, đồng nghĩa với việc tàu không ra khơi được”, ông Hoàng cho hay.
Theo ông Nguyễn Hoàng Vân, Cán bộ thủy sản, UBND phường 5, TP Vũng Tàu, phường đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động, phổ biến đến ngư dân về các cảnh báo của thẻ vàng EU, Luật Thủy sản, các quy định và chế tài xử phạt đối với tàu không lắp thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá, lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá…. Sắp tới, phường sẽ phối hợp với các ngành chức năng xử lý các tàu cá dài từ 24m trở lên không gắn thiết bị giám sát hành trình.
“Hiện nay đã có các văn bản và luật thủy sản ràng buộc thì ngư dân phải chấp hành, không nhắc nhở nữa mà phải phạt. Chế tài trước mắt là biên phòng không cho ra khơi, thứ hai là Đảng ủy và UBND phường phải cương quyết với ngư dân, không cả nể, qua loa cho người dân việc đánh bắt này”, ông Nguyễn Hoàng Vân cho biết thêm.
Đã đến lúc, ngành thủy sản cũng như chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần triển khai quyết liệt việc áp dụng các chế tài xử phạt tàu cá đánh bắt xa bờ không trang bị giám sát hành trình. Thời gian từ nay đến ngày 1/7 không còn nhiều, nếu không có biện pháp mạnh mẽ sẽ rất khó gỡ bỏ thẻ vàng “cảnh cáo” của EU đối với thủy sản Việt Nam./.