Bà Rịa-Vũng Tàu khó tái đàn do khan hiếm lợn giống
Hiện nay, giá lợn giống đang tăng ở mức quá cao, nguồn cung lại khan hiếm khiến nhiều hộ chăn nuôi gặp khó trong việc tái đàn.
Từ đầu tháng 4 đến nay, tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã được khống chế và kiểm soát tốt, không còn phát sinh ổ dịch mới, đây được cho là điều kiện hết sức thuận lợi để người chăn nuôi lợn tái đàn. Tuy nhiên, hiện nay giá lợn giống đang tăng ở mức quá cao, nguồn cung lại khan hiếm khiến nhiều hộ chăn nuôi gặp khó trong việc tái đàn.
Sau khi huyện Châu Đức công bố hết dịch tả lợn châu Phi, ông Đinh Nở, ở ấp Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức quyết định vệ sinh lại chuồng trại và tìm mua lợn giống về tái đàn sau thời gian 1 năm nghỉ nuôi, vì trước đó lợn của gia đình ông bị dịch tả châu Phi phải tiêu hủy.
Tuy nhiên, sau khi thăm dò giá lợn giống ở nhiều nơi, ông không khỏi bất ngờ bởi giá lợn giống đã tăng quá cao, tăng gấp nhiều lần so với lúc trước khi có dịch, trong khi đó, do thiệt hại năng do đợt dịch nên ông Nở không đủ vốn chọn con giống tốt.
Ông Nở cho biết, hiện, giá lợn con giống đang ở mức hơn 200.000 đến 300.000 đồng/kg (tùy lợn giống đẹp, xấu), và để có được một con lợn giống khoảng 10kg, người nuôi phải bỏ ra từ 2 đến 3 triệu đồng, tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Không chỉ tăng cao mà nguồn cung lợn giống hiện cũng rất khó tìm do trong đợt dịch vừa qua, nhiều hộ có lợn nái bị bệnh buộc phải tiêu hủy. Vì vậy, để duy trì việc chăn nuôi, hiện ông Nở chỉ nuôi cầm chừng khoảng 20 con lợn thịt và 3 con lợn nái.
Nhiều hộ chăn nuôi lợn ở xã Xà Bang, huyện Châu Đức cũng trong tình trạng gặp khó vì nguồn cung lợn con khan hiếm và giá cả tăng cao.
Ông Phạm Lai, nông dân xã Xà Bang, huyện Châu Đức cho biết, thời gian này, nhiều người nuôi lợn rất muốn tái đàn nhưng nguồn cung con giống rất khan hiếm. Như gia đình ông, muốn tái đàn nhưng đến nay vẫn chưa có lợn giống để mua, ông Lai phải đặt mua người ta cả tháng trời cũng vẫn chưa được cung cấp con giống, giá cả thì cao với khoảng 3,5 triệu đồng/1 con lợn giống khỏe mạnh. Với tình hình này, đến khi xuất bán nếu giá lợn thịt vẫn giữ như bây giờ thì còn có lãi, nếu mà giá lợn thịt rớt xuống còn khoảng 60.000 đồng/kg thì người nuôi lỗ lớn.
Trong khi đó, tại huyện Xuyên Mộc, theo phản ánh của nhiều hộ chăn nuôi thì do một số trang trại lớn không xuất bán lợn con làm giống mà chỉ bán lợn nái hậu bị từ 80-100 kg/con, với mức giá cao hơn thị trường ít nhất 3 triệu đồng/tạ, nếu tính theo thời giá hiện tại, mỗi con lợn nái mua về làm giống, người chăn nuôi phải bỏ ra 10-12 triệu đồng. Điều này khiến người nuôi muốn tái đàn cũng không dễ.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc cho biết, gia đình ông đang làm thêm trang trại để nuôi, nên rất cần mua một số lượng lợn con giống, nhưng do không có lợn con giống, nên đành phải mua lợn nái hậu bị về nuôi.
"Hiện, giá thị trường bán loại lợn nái hậu bị này với giá trên 100.000 đồng/kg, mua về sau một thời gian nữa lợn nái này mới có thể sinh sản để có lợn giống nuôi. Nếu giá lợn hơi trên thị trường giữ giá thì còn đỡ, chứ nếu giá rớt xuống người nuôi chúng tôi cầm chắc thua lỗ lớn”, ông Phúc lo lắng cho biết.
Thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay trung bình 1 tháng số lượng đàn lợn tái đàn trên địa bàn tỉnh vào khoảng 6.000 con. Hiện, tổng đàn lợn của tỉnh là 375.000 con, bằng gần 90% tổng đàn lợn khi chưa xảy ra dịch tả châu Phi (thời điểm trước tháng 6/2019).
Hiện nay, dù dịch bệnh đã lắng xuống nhưng mầm bệnh vẫn còn có thể tiềm ẩn trong môi trường xung quanh, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, chuồng trại chưa đảm bảo khép kín. Do đó, theo khuyến cáo của ngành chức năng, người chăn nuôi phải tuân thủ theo các biện pháp chăn nuôi an toàn. Đặc biệt, cần chú ý đến nguồn con giống phải đảm bảo uy tin và có nguồn gốc rõ ràng.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khuyến cáo, thời điểm này các hộ chăn nuôi có nhu cầu tái đàn thì phải chọn giống ở những cơ sở lớn, chăn nuôi an toàn sinh học. Tuy nhiên, cũng không nên vội vàng tăng đàn, chỉ nuôi thăm dò, khi nào thực sự ổn định mới tăng đàn, vì hiện nay dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có vacxin phòng bệnh.
Cùng với đó, để đảm bảo an toàn khi nuôi, người nuôi lợn phải đảm bảo an toàn sinh học cũng như vệ sinh chuồng trại để đảm bảo cho đàn lợn phát triển tốt.
“Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiêm phòng và tiêu độc sát trùng ở những vùng có nguy cơ, vùng ổ dịch cũ, tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ tại các lò giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm. Qua đó, đảm bảo an toàn dịch bệnh giúp người chăn nuôi yên tâm tái đàn”, ông Trung thông tin thêm.