Bà Rịa-Vũng Tàu: Người dân đã mạnh dạn tố giác tội phạm xâm hại trẻ em

Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xảy ra 30 vụ xâm hại trẻ em, giảm 14 vụ/14 trẻ so với cùng kỳ năm 2023.

Vừa qua, trong báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội - quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nêu số liệu và lý giải nguyên nhân việc vẫn còn một số vụ xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn dù đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2023.

Theo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, so với cùng kỳ năm 2023, số vụ việc xâm hại trẻ em trong 6 tháng đầu năm 2024 là 30 vụ/30 trẻ (có 8 vụ xảy ra các năm trước, năm 2024 phát hiện xử lý), giảm 14 vụ/14 trẻ so với cùng kỳ. Về bạo lực trẻ em có 2 vụ/2 trẻ, giảm 1 vụ/1 trẻ so với cùng kỳ; có 3 vụ/3 trẻ bị bỏ rơi.

Theo đánh giá của tỉnh, trong những năm qua, công tác truyền thông phòng chống xâm hại trẻ em được các cấp, ngành, địa phương quan tâm tăng cường thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vấn đề xâm hại trẻ em. Qua đó, người dân đã mạnh dạn tố giác tội phạm xâm hại trẻ em góp phần làm tăng số vụ trẻ em bị xâm hại được phát hiện và xử lý.

Tuy nhiên, thực trạng trẻ em bị xâm hại vẫn còn diễn ra phức tạp. Theo tỉnh nhận định, do sự phát triển của công nghệ 4.0 và mặt trái của nó khiến việc tiếp xúc với các trang mạng xã hội khá dễ dàng, một số trang có nội dung khiêu dâm, tệ nạn ma túy ngày càng khó kiểm soát.

Thông qua các trang mạng xã hội, đối tượng thường có hành vi dụ dỗ, mua chuộc trẻ em. Hầu hết các vụ giao cấu trẻ em đều xuất phát từ việc quen biết nhau qua mạng xã hội.

 Số vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh minh họa: PLO

Số vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh minh họa: PLO

Về mặt chủ quan thì nhiều đối tượng và người bị hại thực sự có tình cảm yêu thương nhau. Nhưng do thiếu hiểu biết về pháp luật nên dẫn đến vi phạm (6 tháng đầu năm có 23/30 trường hợp khi phát hiện xử lý là quan hệ tự nguyện).

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân như đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em thường lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của trẻ em để dụ dỗ, lôi kéo trẻ.

Việc quản lý phòng trọ, nhà nghỉ, quán cà phê, karaoke còn lỏng lẻo tạo điều kiện cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội (6 vụ/30 vụ xảy ra tại nhà nghỉ, phòng trọ, quán cà phê).

Việc quản lý, giáo dục trẻ em phòng ngừa tội phạm trên môi trường mạng chưa thật sự được quan tâm chú trọng, dẫn đến trẻ em dễ bị dụ dỗ và xâm hại (có 11 vụ/30 vụ trẻ em quen biết đối tượng xâm hại qua các trang mạng xã hội).

Ngoài ra còn có một số vụ xâm hại mà đối tượng xâm hại chính là người thân quen của trẻ em. Nhiều gia đình lo làm ăn thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái. Mặc khác những người lớn trong gia đình thiếu hiểu biết về giai đoạn phát triển của trẻ để hỗ trợ, hướng dẫn giáo dục con trẻ.

Nhiều trẻ em thiếu hụt kiến thức về giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thiếu kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ phòng tránh xâm hại.

Công tác tuyên truyền các luật pháp liên quan đến trẻ em và nâng cao nhận thức về quyền trẻ em chưa bao phủ đến hết các đối tượng người dân, đặc biệt là nam giới, người nhập cư. Việc chế tài xử lý tội phạm xâm hại trẻ em còn quá nhẹ so với hậu quả mà trẻ em phải gánh chịu.

Trong 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường phối hợp cùng gia đình làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa, thực hiện các chính sách về bảo vệ và chăm sóc trẻ em; đấu tranh xử lý các vụ việc vi phạm...

TRÙNG KHÁNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ba-ria-vung-tau-nguoi-dan-da-manh-dan-to-giac-toi-pham-xam-hai-tre-em-post801840.html