Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều chính sách an dân, phát triển kinh tế đã đến với đồng bào dân tộc thiểu số
Trong những năm gần đây, nhiều chính sách an sinh, phát triển kinh tế giành riêng cho người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã được triển khai, giúp nhiều hộ dân an cư và hướng đến làm ăn ổn định.
Tỉnh BR-VT thuộc khu vực miền Đông Nam bộ, địa phương này hiện có 7.434 hộ đồng bào DTTS, với 31.722 nhân khẩu, chiếm 3% dân số toàn tỉnh (1.076.000 người) với 28 thành phần DTTS như Tày, Thái, Mường, Khơ me, Hoa, Nùng, Chăm, Cơ ho, Ra Glai, Cơ tu… Người DTTS trên địa bàn BR-VT chủ yếu làm nghề nông nghiệp, sinh sống hòa thuận và luôn chăm chỉ làm ăn.
Đại diện Ban Dân tộc tỉnh BR-VT cho biết, trong những năm gần đây, nhiều chính sách an sinh, phát triển kinh tế giành riêng cho người đồng bào đã được triển khai đến từng xóm ấp, bản làng, nhờ đó đời sống kinh tế và tinh thần của bà con đã được cải thiện, nâng cấp và không ngừng phát triển. Các giải pháp hỗ trợ giành cho người đồng bào như hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ về vốn, cây con giống, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ về giáo dục…đều được thực hiện thường xuyên và phát huy hiệu quả.
Chẳng hạn, kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh BR-VT về Đề án phát triển kinh tế - xã hội giành cho đồng bào DTTS trên địa bàn trong giai đoạn II (năm 2016 - 2020) vừa kết thúc cho thấy, các cấp chính quyền đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS với kinh phí hơn 250 tỷ đồng. Qua đó, chương trình đã trực tiếp hỗ trợ xây mới 626 căn nhà, 937 nhà vệ sinh; lắp đặt điện - nước sinh hoạt cho hơn 1.500 hộ và 1.204 hộ đồng bào DTTS đã được hỗ trợ cây, con giống để phát triển sản xuất.
Nhờ triển khai đồng bộ những chương trình hỗ trợ này, tính đến nay trên địa bàn tỉnh BR-VT đã có 98% hộ đồng bào DTTS có nhà ở kiên cố; 98% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 61% hộ sử dụng nước máy; hơn 95% hộ có điện lưới sử dụng và tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS bình quân mỗi năm giảm 5%.
Những chương trình thực hiện chính sách hướng đến thúc đẩy về kinh tế - xã hội đối với các vùng có đông người DTTS sinh sống và ảnh hưởng đến đời sống của bà con trên địa bàn là chương trình xây dựng nông thôn mới, sản xuất hàng hóa chất lượng theo chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm).
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh BR-VT cho biết, tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 45/45 xã được phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%. Hiện tại BR-VT đã có 39/45 xã đạt 19/19 tiêu chí, trong đó có 38/45 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tại các xã xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt khoảng 60 triệu đồng.
Trong năm nay, dự kiến UBND tỉnh BR-VT công nhận đạt chuẩn nông thôn 6 xã, gồm xã Bàu Chinh, Đá Bạc, Suối Rao, Sơn Bình huyện Châu Đức và xã Tân Lâm, Bình Châu huyện Xuyên Mộc, nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn lên 45/45 xã, đạt 100%.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh BR-VT, chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án, dự án nhằm cải thiện điều kiện sống của người dân nông thôn, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội; tạo điều kiện cho đồng bào DTTS, các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội được hưởng lợi các dịch vụ công của Nhà nước.
Trên địa bàn được công nhận là nông thôn mới, các hợp tác xã, doanh nghiệp, người nông dân, trong đó có đông người DTTS đã phát triển được 21 sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm OCOP như cà phê, tiêu, tinh bột nghệ đỏ, dược liệu, mật ong…có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đơn cử như 5 sản phẩm gồm tiêu không hạt, tiêu xanh muối, tiêu sữa, tiêu một nắng, tiêu muối tươi, củ hoài sơn của HTX nông nghiệp - thương mại và dịch vụ Bầu Mây tại huyện Xuyên Mộc vừa được Hội đồng xếp hạng sản phẩm OCOP đánh giá hạng 5 sao. Các sản phẩm OCOP của HTX Bầu Mây do hàng trăm hộ dân, trong đó có hàng chục hộ người DTTS tham gia sản xuất và đang là mặt hàng “bán chạy” trên thị trường.
Ông Dương Lâm, ấp Phú Tâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh BR - VT là hộ dân người Khmer cho hay: khi tham gia sản xuất sản phẩm OCOP, người nông dân được hỗ trợ vốn, cây giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật chăm sóc…Làm nông theo cách này năng xuất cây trồng tăng, khâu bao tiêu sản phẩm được ổn định và giá trị nông sản cao hơn so với bình thường. Nhờ vậy cuộc sống của nông dân đỡ vất vả, đời sống nhìn chung khấm khá hơn, con cái được an tâm học hành đàng hoàng.
Nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình giành cho khu vực đồng bào DTTS sinh sống trong giai đoạn 2021- 2025, ông Trần Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT - đánh giá cao và ghi nhận các chương trình hỗ trợ từ chính sách giành cho người đồng bào đã được các ngành, các cấp triển khai trong thời gian qua. Tuy vậy, để cộng đồng người DTTS trên địa bàn vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống khá giả, ông Tuấn yêu cầu các sở ngành, chính quyền các địa phương tiếp tục phát huy mọi nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, áp dụng các kinh nghiệm, giải pháp phát triển kinh tế phù hợp đối với từng đối tượng, từng khu vực để bà con có điều kiện tham gia.