Bà Rịa- Vũng Tàu: Tạo tuyến du lịch hấp dẫn qua các di tích lịch sử

Sở Du lịch có nhiệm vụ rà soát, đánh giá, xây dựng phương án phát triển các sản phẩm du lịch nhằm khai thác du lịch đối với các di tích lịch sử.

UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vừa có văn bản gửi các sở ngành, địa phương về triển khai các kiến nghị tại báo cáo kết quả giám sát chuyên đề số 06/BC-ĐGS của HĐND tỉnh về "Công tác quản lý và khai thác du lịch đối với các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu".

48/65 di tích lịch sử đã được xếp hạng

Theo báo cáo kết quả giám sát, tháng 6-2019, UBND tỉnh ban hành quyết định công bố danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh. Thời điểm này, tỉnh có 65 di tích lịch sử, trong đó có 48 di tích đã được xếp hạng (gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh) và 17 di tích lịch sử chưa xếp hạng.

Trong 48 di tích được xếp hạng có 25 di tích do nhà nước trực tiếp quản lý, 23 di tích do tổ chức và cá nhân trực tiếp quản lý; 30 di tích đang được phát huy giá trị hiệu quả, 12 di tích đang thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo và chuẩn bị đầu tư tu bổ, tôn tạo.

Di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Côn Đảo thu hút đông người dân, du khách tham quan, tìm hiểu. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm kê, xếp hạng và đề xuất xếp hạng các di tích lịch sử; phân cấp việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích cụ thể cho Sở VH&TT, các địa phương và đơn vị liên quan.

Tuy nhiên, hàng năm, việc tổng hợp số liệu về những biến động các di tích lịch sử (tăng, giảm) chưa được thực hiện; việc quản lý, tôn tạo, bảo vệ các khu di tích chưa thường xuyên.

Cụ thể, có 24/48 di tích lịch sử được xếp hạng đang xuống cấp, mất vệ sinh, hư hỏng, không phát huy đúng giá trị; 10 di tích lịch sử bị xâm lấn, chồng lấn đan xen ranh giới với đất của tổ chức, cá nhân.

Tại thời điểm giám sát, toàn tỉnh có hai di tích tổ chức hoạt động tham quan du lịch có thu phí (Bạch Dinh ở Vũng Tàu và di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo).

 Di chỉ khảo cổ Vòng Thành Đá Trắng, huyện Xuyên Mộc là một trong những điểm đến thu hút du khách. Ảnh: KN

Di chỉ khảo cổ Vòng Thành Đá Trắng, huyện Xuyên Mộc là một trong những điểm đến thu hút du khách. Ảnh: KN

Qua kiểm tra, đoàn giám sát nhận thấy công tác quản lý và khai thác du lịch đối với các di tích lịch sử còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có. Từ đó, đoàn có những đề nghị để HĐND xem xét, chỉ đạo UBND tỉnh có giải pháp quản lý và khai thác du lịch hiệu quả đối với các di tích lịch sử...

Đưa các di tích lịch sử thành điểm đến du lịch của tỉnh

Tại văn bản chỉ đạo, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã yêu cầu sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến quy định pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Sở VH&TT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai kiểm kê di tích trong năm 2024 đúng quy định để đề xuất điều chỉnh danh mục di tích hợp lý, đúng thực tế, đúng với giá trị và ý nghĩa vốn có.

Đồng thời, triển khai ngay các giải pháp hiệu quả, kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm, chồng lấn đất di tích; tiếp tục thực hiện công tác cắm mốc, quản lý và sử dụng đất đai của di tích đúng quy định.

 Du khách tham quan Đình thần Thắng Tam, Vũng Tàu. Ảnh: HT

Du khách tham quan Đình thần Thắng Tam, Vũng Tàu. Ảnh: HT

Các địa phương cần có giải pháp huy động, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ các dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là di tích.

 Du khách tham quan di tích trại Phú Hải, Côn Đảo thời điểm chưa tạm dừng để sửa chữa. Ảnh: MC

Du khách tham quan di tích trại Phú Hải, Côn Đảo thời điểm chưa tạm dừng để sửa chữa. Ảnh: MC

Sở Du lịch rà soát, đánh giá, xây dựng các phương án phát triển các sản phẩm du lịch nhằm khai thác du lịch đối với các di tích lịch sử; kết nối chặt chẽ trong xây dựng các tuyến, điểm đến theo hệ thống toàn tỉnh, đưa các di tích lịch sử trở thành sản phẩm du lịch của tỉnh.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng quy định về quản lý, thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

TRÙNG KHÁNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ba-ria-vung-tau-tao-tuyen-du-lich-hap-dan-qua-cac-di-tich-lich-su-post784295.html