Ba sinh viên chế tạo ô tô điện giá rẻ
Làm ra chiếc xe điện không có gì ghê gớm với các hãng chuyên nghiệp, song với sinh viên ngồi trên ghế nhà trường hoàn toàn là câu chuyện khác.
Giấc mơ xe điện giá rẻ gấp chục lần thị trường của ba nam sinh Trường Đại học Nam Cần Thơ đang dần thành hiện thực.
3 tháng mày mò
Cuối tháng 7 vừa qua, mô hình ô tô điện hai chỗ ngồi - đồ án tốt nghiệp của Trương Hữu Lộc, Lê Hoàng Mãi và Tống Tấn Huy, ba sinh viên năm thứ tư, Khoa Cơ khí động lực, ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Nam Cần Thơ (Cần Thơ) dành số điểm tuyệt đối trước hội đồng bảo vệ.
“
Chiếc xe này để sử dụng trong một khu vực nhỏ (nội khu) vào mục đích chở hàng hoặc mục đích riêng nào đó thì có thể khả thi. Nhưng để chạy được ngoài đường phố chắc chắn phải đạt các điều kiện về sản xuất lắp ráp, an toàn kỹ thuật phương tiện.
Các nghiên cứu khoa học của sinh viên và thầy cô là nền tảng cơ bản. Để có thể nâng tầm thương mại hóa là một bước rất dài, cần thêm rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía như sự đầu tư từ doanh nghiệp. Một số trường hiện có trung tâm ươm tạo doanh nghiệp, một trong những mục đích là hỗ trợ thương mại hóa từ nghiên cứu trong nhà trường.
PGS. TS Lý Hùng Anh, thành viên Hội đồng kỹ thuật ASEAN NCAP
”
“Khi các em bảo vệ đồ án tốt nghiệp trước hội đồng trường, các kỹ sư ở các Trường Đại học Trà Vinh, Đại học Cần Thơ đánh giá rất cao tính ứng dụng của sản phẩm này”, ThS. Nguyễn Văn Tổng Em, Phó trưởng Khoa Cơ khí động lực, Trường Đại học Nam Cần Thơ kể lại.
Sinh viên Trương Hữu Lộc cho biết, em cùng với Mãi và Huy đều rất yêu thích, đam mê với ô tô.
Khi lựa chọn đề tài làm đồ án tốt nghiệp, cả ba cùng nhất trí lựa chọn đề tài thiết kế, chế tạo ô tô điện hai chỗ ngồi.
Cùng với kiến thức tích lũy được, chỗ nào khó thì hỏi thầy, tìm hiểu thêm nhiều mô hình trên mạng, cả nhóm quyết tâm xắn tay vào thực hiện.
Mỗi người được phân công một việc. Lộc là người lên ý tưởng thiết kế và hệ thống điện, Mãi và Huy chia nhau nhiệm vụ làm khung sườn, gầm, máy xe, triển khai từ phần mềm.
Mất ba tháng trời mày mò, làm việc không nghỉ, chiếc xe điện mới hoàn thành với chiều dài hơn 2,5m, rộng gần 1m, khoảng sáng gầm 11cm và bán kính quay đầu 3,62m. Thân, khung xe được làm từ sắt, phủ sơn màu xanh thân thiện với môi trường.
Chiếc xe được trang bị đầy đủ các tính năng như các ô tô điện thông thường khác, bao gồm: các chế độ lái thông thường, tải nặng, số lùi.
Các trang bị như đèn chiếu sáng, xi nhan, chân ga, chân thắng, cốp đựng đồ, kính chắn gió được trang bị hợp lý, thuận tiện sử dụng. Xe còn được thiết kế hai nhíp giảm sốc, có thể tải nặng hàng trăm kg mà vẫn vận hành tốt.
Theo nhóm nam sinh, chiếc ô tô này tính năng không có gì quá khác biệt so với các ô tô điện khác, vì đã có quy chuẩn kỹ thuật chung. Duy chỉ có chi tiết là xe có thêm bộ phận phanh tay, khi kéo lên xe không thể chạy.
Ngày chiếc xe nhỏ gọn, độc đáo được ấn nút và vận hành bon bon trên sân trường, không trục trặc, cả nhóm mừng muốn khóc…
Mẫu xe đa dụng
TS Trần Hữu Xinh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, chiếc ô tô điện của ba nam sinh đã được UBND TP Cần Thơ quyết định công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến trong phạm vi thành phố và toàn quốc.
“Hiện ô tô điện này đang được trường sử dụng để vận chuyển tài liệu, nước uống và đi lại trong khuôn viên trường. Tính ứng dụng là hoàn toàn khả thi, tuy nhiên bước đầu chỉ có thể sử dụng trong khuôn khổ nội bộ. Để được sử dụng trong các điều kiện khác hoặc chạy ngoài đường, phải đáp ứng những quy chuẩn khác nữa”, TS Xinh cho biết.
Theo TS Xinh, mẫu xe điện này rất đa dụng, ngoài sử dụng để đi lại, hoàn toàn có thể dụng để vận chuyển hàng hóa, nhất là đối với những trang trại lớn có nhu cầu vận chuyển cao.
So với các mẫu xe sử dụng động cơ xăng, mẫu xe điện này giúp tiết kiệm chi phí không nhỏ trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
“Nhà trường có định hướng cho ba nam sinh viên học lên thạc sĩ để tiếp tục phát triển mẫu xe này. Chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa để mô hình này được ứng dụng vào thực tế”, TS Xinh cho hay.
Theo ông Lê Hải Phúc, Giám đốc Làng du lịch Ông Đề (Cần Thơ), vừa qua công ty mua vài chiếc xe điện chở từ 6 - 9 người, để vận chuyển khách từ đường Nguyễn Văn Cừ vào khu du lịch.
xe mới trên 300 triệu đồng/chiếc. Khi được biết về xe điện của sinh viên Đại học Nam Cần Thơ chế tạo thành công chỉ khoảng 30 triệu đồng/chiếc, anh đã đến tìm hiểu.
“Giá xe điện hiện nay không hề rẻ với giá mua mới từ 300 triệu đồng/chiếc 14 chỗ, xe 4 chỗ cũng phải từ 160 triệu đồng/chiếc. Nếu các sinh viên Đại học Nam Cần Thơ có thể chế tạo ra xe điện với giá thành đặc biệt rẻ, chất lượng và mẫu mã đẹp, khu du lịch của tôi sẵn sàng mua nhiều chiếc”, ông Phúc nói và cho biết, trên địa bàn Cần Thơ có hàng chục khu, điểm du lịch, nên tiềm năng tiêu thụ ô tô điện giá rẻ khá lớn.
Tính chuyện tương lai
Huy và Mãi, hai thành viên trong nhóm cho biết, quá trình chế tạo chiếc xe điện này lần đầu mất ba tháng. Nhưng hiện nay, các em có thể làm tốt hơn, chỉ trong hơn một tháng là hoàn thành vì đã rút ra được nhiều kinh nghiệm.
Với mô hình hiện tại, các sinh viên này cho biết đã chi ra khoảng 20 triệu đồng. Trong đó chi phí cao nhất là động cơ điện, bình ắc quy. Để chiếc xe hoàn thiện hơn, các em cần thêm khoảng 10 triệu đồng nữa.
Đây có lẽ là điểm ưu việt nhất của ô tô “sinh viên”. Bởi ô tô điện hai chỗ của các hãng giá rẻ nhất của Trung Quốc cũng lên tới gần 50 triệu, còn các loại xe Thái Lan tầm 75 - 200 triệu đồng (chưa tính chi phí nhập khẩu)…
“Tụi em có thể làm thùng xe rộng hơn và bổ sung phần mái che. Còn với công suất động cơ là 850w, tương đương với 1.14hp là đã đủ mạnh. Xe mất khoảng 5 giờ để sạc đầy bình và có thể vận hành liên tục khoảng 40km, tốc độ tối đa đạt 40km/h”, Lộc giới thiệu.
Quá trình chế tạo, kỳ vọng vào chiếc xe điện ngày mỗi lớn thúc đẩy ba sinh viên làm việc và sáng tạo. Lộc cho biết, nhóm còn ấp ủ chiếc xe này ngoài chở người còn có thể giúp nông dân vận chuyển phân bón, nông sản để tiết kiệm chi phí sản xuất.
“Lúc chưa hoàn thiện, tụi em có cho chở năm bao phân, mỗi bao 50kg, tổng trọng lượng 250kg và xe vẫn vận hành tốt. Tụi em cũng thử tải với 6 người trưởng thành, xe cũng vận hành không vấn đề gì”, Lộc kể.
Trong suy nghĩ của ba nam sinh viên này, đây không còn là một đề án tốt nghiệp, đánh dấu thành tựu bốn năm học của mình nữa. Khi nhìn thấy chiếc xe bon bon chạy, các em đã có những ước mơ lớn và xa hơn…
Do đó, ngoài việc Trường Đại học Nam Cần Thơ đang xúc tiến thủ tục để có thể đưa chiếc xe này thành hàng hóa, thì đích nhắm của trường và các em sẽ không riêng gì các khu du lịch mà có thể cải tiến để cung cấp cho các đơn vị có giấy phép hoạt động xe điện trên đường.
Khi nào được bán và lưu thông ra đường?
Sở GTVT Cần Thơ cho biết, hiện xe điện chở khách du lịch ở Cần Thơ được Thủ tướng cho phép thí điểm, nhưng trong phạm vi hạn chế.
Theo quy định hiện nay, xe điện lưu thông phải là phải gắn thiết bị giám sát hành trình, người điều khiển phải có giấy phép lái xe tương ứng.
Nhà sản xuất phải có thiết kế, đăng ký và đăng kiểm, hoạt động và tham gia giao thông theo Luật Giao thông đường bộ.
Giám đốc một trung tâm đăng kiểm ở Hậu Giang cho biết, đối với xe điện của ba sinh viên nói trên, muốn ứng dụng thực tế phải đăng ký ở Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) và Cục Đăng kiểm VN chứng nhận mẫu như xe cơ giới thông thường, như vậy mới đủ điều kiện bán ra và xin phép lưu thông.
“Đối với xe điện, 36 tháng đầu sẽ không cần đăng kiểm. Sau đó, tùy vào loại xe mà đăng ký đăng kiểm tại địa phương…”, vị này cho biết.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ba-sinh-vien-che-tao-o-to-dien-gia-re-d600954.html