Ba tai họa lớn cùng lúc bóp nghẹt nền kinh tế Trung Quốc
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc chỉ là một trong ba mối đe dọa nghiêm trọng đang khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lao đao.
Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng ở mức chậm nhất trong gần 30 năm qua. Thống kê của chính quyền Bắc Kinh cho thấy GDP quý II/2019 chỉ tăng 6,2%. Mới đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường thừa nhận rất khó để Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng trên 6%.
Thậm chí các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ sụt giảm nghiêm trọng, xuống chỉ còn khoảng 1,7% vào năm 2030 nếu chính quyền nước này không xử lý được các vấn đề về cấu trúc của nền kinh tế.
Theo Business Insider, nhà kinh tế Richard Koo của Viện nghiên cứu Nomura nhận định dù thị trường chứng khoán toàn cầu đã ổn định, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã được nối lại sau hai tháng gián đoạn, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng khác.
Một phần sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đến từ nguồn lao động giá rẻ cực kỳ dồi dào. "Có ba mối đe dọa lớn có thể xóa bỏ lợi thế về sản xuất của Trung Quốc, đẩy dòng vốn nước ngoài tới các quốc gia khác", chuyên gia Koo nhận định.
Bẫy thu nhập trung bình
Trong 30 năm, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Cuộc sống của 1,4 tỷ dân thay đổi, thu nhập bình quân gia tăng mạnh. Tuy nhiên, nhà kinh tế Koo cảnh báo bẫy thu nhập trung bình đe dọa thị trường lao động chi phí thấp của Trung Quốc khi các doanh nghiệp sản xuất rời bỏ nước này để đến các quốc gia có chi phí rẻ hơn.
Với mức lương hiện tại, tỷ lệ hoàn vốn của các nhà sản xuất nước ngoài tại Trung Quốc gần bằng các quốc gia sản xuất mới nổi như Việt Nam và Bangladesh.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng dịch chuyển sản xuất này và tác động tiêu cực đến nền kinh tế đất nước 1,4 tỷ dân.
"Làn sóng di cư đó và các rào cản mà hàng hóa Trung Quốc phải đối mặt ở Mỹ và các thị trường khác cho thấy sự sụt giảm đáng kể của đầu tư trong nước có thể sẽ diễn ra", nhà kinh tế Koo nhận định.
Dân số sắp giảm
Thống kê nhân khẩu học cho thấy lực lượng lao động của Trung Quốc bắt đầu suy giảm vào đầu thập niên 2010. Tổng dân số Trung Quốc sẽ sụt từ năm 2032. Năm 2050, số người ở độ tuổi lao động (16-59) tại Trung Quốc sẽ sụt giảm tới 23%.
Đến năm 2065, dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống chỉ còn 1,248 tỷ người, tương đương với mức năm 1996. Theo nhà kinh tế Koo, sự kết hợp giữa bẫy thu nhập trung bình và tình trạng dân số suy giảm là "cực kỳ hiếm hoi" đối với một đất nước có sức mạnh kinh tế như Trung Quốc.
"Chỉ hai yếu tố này đã đặt là thách thức không nhỏ với bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Và bây giờ Trung Quốc còn phải đối phó với chiến tranh thương mại do Mỹ khởi xướng", chuyên gia Koo bình luận.
Theo nhà kinh tế của Nomura, chỉ 13 năm nữa sự suy giảm dân số sẽ bắt đầu. Trung Quốc cần tập trung phát triển bản quyền sở hữu trí tuệ và dần từ bỏ vai trò "công xưởng của thế giới".
Chiến tranh thương mại
Chiến tranh thương mại giữa hai siêu cường kinh tế thế giới đã bước sang năm thứ hai và nhiều khả năng sẽ tiếp diễn. Đến nay, hai nước mới chỉ hoãn đánh thuế lên một số mặt hàng và cam kết tiếp tục đàm phán.
Nhà kinh tế Koo cho rằng có lẽ Trung Quốc đã quá vội vàng khi "xoay trục" từ thu hút đầu tư nước ngoài sang đổi mới trong nước theo kế hoạch "Made in China 2025".
"Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể làm tổn thương nghiêm trọng ngành sản xuất đã thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian dài", chuyên giaKoo nhấn mạnh.
Theo chuyên gia của Nomura, nền kinh tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp nước ngoài về phương pháp sản xuất, tiếp thị và bán hàng ở thị trường quốc tế.
"Chính quyền Trung Quốc đáng lẽ nên đối tốt với doanh nghiệp nước ngoài hơn những gì họ làm", nhà kinh tế Koo nhận xét. Ông cho rằng nếu muốn giữ nguồn đầu tư nước ngoài, Bắc Kinh cần phải đạt một thỏa thuận với Tổng thống Mỹ Donald Trump trước cuộc bầu cử năm 2020.
Bởi kể cả nếu ông Trump thua, nhiều khả năng chính quyền Mỹ mới cũng sẽ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc. Và trong quan hệ Mỹ - Trung, sẽ không thể tách rời vấn đề thương mại ra khỏi địa chính trị.