Ba thập kỷ gia nhập ASEAN, Việt Nam khẳng định vị thế và vai trò dẫn dắt khu vực
Hành trình 30 năm qua đã chứng kiến vai trò của Việt Nam chuyển mình 'từ bắt kịp đến tiến cùng' ASEAN.
Ngày 28/7 đánh dấu tròn 30 năm kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN. Ba thập kỷ qua đã chứng kiến những bước phát triển vượt bậc, đưa Việt Nam đạt tới vị thế hoàn toàn khác biệt so với thời điểm gia nhập khối vào năm 1995.
Dấu ấn Việt Nam trong ASEAN
Ngày 28/7/1995, tại một buổi lễ ở Bandar Seri Begawan, Brunei, quốc kỳ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lần đầu tiên được kéo lên tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28, đánh dấu cột mốc Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của khối.

Lễ thượng cờ ASEAN nhân dịp kỷ niệm 57 năm Ngày thành lập ASEAN và 29 năm Việt Nam tham gia ASEAN. Ảnh: BNG
Có thể nói, hành trình 30 năm qua chứng kiến vai trò của Việt Nam chuyển mình “từ bắt kịp đến tiến cùng” ASEAN, cựu Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi khẳng định. Từ một quốc gia bước ra khỏi khó khăn thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một trong những thành viên năng động và có ảnh hưởng nhất của ASEAN. “Việt Nam là ví dụ điển hình cho cách sự tiến bộ của một quốc gia có thể đóng góp vào thịnh vượng chung của cả khu vực”.
Hành trình 30 năm qua của Việt Nam là một bước tiến then chốt hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn của những người sáng lập ASEAN: một Đông Nam Á thống nhất, gắn kết bởi khát vọng chung về hòa bình, thịnh vượng, đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau.
Vai trò lãnh đạo của Việt Nam tại ASEAN cũng được thể hiện rõ nét qua các nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 1998, 2010 và 2020. Mỗi nhiệm kỳ đều ghi nhận những thành tựu đáng chú ý, góp phần định hình, định hướng chiến lược chung của ASEAN.
Năm 1998, Việt Nam đã khéo léo chèo lái ASEAN vượt qua giai đoạn đầy thách thức sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Năm 2010, Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường kết nối ASEAN và mở rộng Hội nghị Cấp cao Đông Á.
Cựu Tổng Thư ký ASEAN cũng nhấn mạnh Việt Nam đã đóng vai trò tích cực và xây dựng trong việc tăng cường và làm phong phú thêm quan hệ đối ngoại của ASEAN, phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương và tầm nhìn chiến lược tổng thể của ASEAN. Việt Nam cũng luôn bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các hiệp định thương mại tự do của ASEAN, góp phần củng cố vị thế của khu vực như một trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cựu Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi. Ảnh: Sputnik
Cho đến nay, Việt Nam đã thể hiện “vai trò lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt ASEAN. Điều này thể hiện rõ trong thời điểm đại dịch Covid-19. Các cơ chế do Việt Nam đề xuất không chỉ giúp ASEAN vượt qua khủng hoảng trước mắt, mà còn trở thành tài sản chung lâu dài của khối, góp phần nâng cao năng lực tự cường và khả năng ứng phó của ASEAN trước những tình huống khẩn cấp trong tương lai. Đây là minh chứng tiêu biểu cho thấy Việt Nam luôn chủ động, trách nhiệm trong các vấn đề an ninh chung của khu vực, từ truyền thống đến phi truyền thống.
Trong khi đó, GS Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales cho rằng, trong ba thập kỷ qua kể từ khi gia nhập, Việt Nam đã có ít nhất 4 đóng góp quan trọng cho ASEAN:
Thứ nhất, Việt Nam đã thúc đẩy việc kết nạp Campuchia, Lào và Myanmar, qua đó đạt được mục tiêu ban đầu của ASEAN là bao gồm tất cả các quốc gia Đông Nam Á.
Thứ hai, khi lần đầu đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 1998, Việt Nam đã đảm bảo được sự chấp thuận của Kế hoạch Hành động Hà Nội kéo dài sáu năm để hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2020.
Thứ ba, khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN lần thứ hai vào năm 2010, Việt Nam đã thành công trong việc mở rộng tư cách thành viên Diễn đàn Đông Á, đồng thời lần đầu tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng - nền tảng để ASEAN hợp tác với các đối tác đối thoại nhằm tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
Thứ tư, với tư cách là Chủ tịch ASEAN lần thứ ba vào năm 2020, Việt Nam đã có những đóng góp nổi bật cho sự phát triển của ASEAN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
"Việt Nam đã tiên phong tổ chức các cuộc họp trực tuyến của các quan chức ASEAN và chủ động vận động các cường quốc tiếp cận vaccine và chuyển giao thiết bị y tế cần thiết", vị giáo sư này lưu ý.
Giai đoạn mới
Theo Đại sứ Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao, việc gia nhập ASEAN đã hỗ trợ việc thực hiện chiến lược ngoại giao độc lập, tự chủ, là nền tảng quan trọng trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam. Hiệp định AFTA với ASEAN là một trong những hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam tham gia, mở ra việc tham gia các diễn đàn đa phương khác như APEC, WTO, đẩy mạnh cải cách, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
Mặt khác, trong bối cảnh tình hình mới, Việt Nam kiên định những nỗ lực và đóng góp cho ASEAN. “Chúng ta đang chứng kiến một thế giới đầy biến động, đan xen cả thách thức và cơ hội. Bên trong, ASEAN đang bước vào giai đoạn phát triển mới, triển khai các văn kiện chiến lược ASEAN 2045 định hướng cho hợp tác, liên kết sâu và phát triển của Cộng đồng ASEAN,” ông Trần Đức Bình cho biết.
Đoàn kết không chỉ là sự tiếp nối truyền thống, mà thực sự là sức mạnh và kim chỉ nam dẫn lối cho ASEAN vượt qua mọi khác biệt, ứng phó với các thách thức và vững vàng trước khó khăn. ASEAN cũng đang nỗ lực đóng góp nhiều hơn vào các nghị sự toàn cầu, “chuyển từ vai trò tham gia sang chủ động định hình luật chơi”, khẳng định tiếng nói trong các vấn đề khu vực và quốc tế, từ Biển Đông, Myanmar đến thương mại, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng tiếp tục được đề cao, khẳng định vai trò đi đầu của khối trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Hàng loạt các khuôn khổ hợp tác, từ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 đến các sáng kiến cụ thể như Mạng lưới điện ASEAN, Hiệp định Khung kinh tế số ASEAN, nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, kết nối chuỗi cung ứng… cho thấy nỗ lực và quyết tâm của ASEAN làm chủ và định hình tương lai khu vực.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định tầm nhìn đúng đắn và quyết tâm bền bỉ trong sự nghiệp hội nhập và hợp tác phát triển, tiếp tục thúc đẩy, củng cố đoàn kết, phát huy vai trò chủ động, phát triển quan hệ hợp tác đa phương và song phương phát triển mạnh với các quốc gia láng giềng thành viên ASEAN, qua đó tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định.
Việt Nam khẳng định niềm tin mạnh mẽ vào tinh thần đoàn kết, hợp tác và giá trị chiến lược của ASEAN, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục là thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm trong xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, bao trùm, tự cường.