Ba tổ chức chi gần 1.600 tỷ thâu tóm hơn 15% vốn Viglacera

Tuy danh tính ba tổ chức này chưa được công bố, nhưng số tiền các nhà đầu tư này chi ra để trở thành cổ đông của Viglacera lên tới gần 1.600 tỷ đồng.

Ngày 29/3, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức phiên bán đấu giá 80,58 triệu cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera do Bộ Xây dựng sở hữu.

Đến hết phiên, đã có 3 nhà đầu tư tổ chức đứng ra mua lại 69 triệu cổ phiếu VGC từ Bộ Xây dựng, chiếm 86% tổng lượng cổ phiếu chào bán đợt này. Trong đó, khối lượng đặt mua cao nhất là 37 triệu cổ phiếu, và thấp nhất là 5 triệu cổ phiếu.

Đây cũng chính là 3 nhà đầu tư tổ chức đứng ra đăng ký mua tổng cộng 69 triệu cổ phiếu VGC vài ngày trước đó.

Tuy nhiên, danh tính 3 nhà đầu tư đứng ra gom lượng lớn cổ phần tại Viglacera chưa được tiết lộ. Dữ liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết toàn bộ 69 triệu cổ phiếu VGC được mua vào đợt này đều ở mức 23.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giá khởi điểm mà Bộ Xây dựng đưa ra.

Ước tính, Bộ Xây dựng đã thu về khoản tiền khoảng 1.587 tỷ đồng từ đợt bán vốn này.

Viglacera chính là chủ đầu tư của hơn 1.000 căn hộ thu nhập thấp tại Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn.

Viglacera chính là chủ đầu tư của hơn 1.000 căn hộ thu nhập thấp tại Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn.

Hơn 80,58 triệu cổ phiếu VGC được rao bán là số cổ phần nằm trong phương án thoái vốn đợt 1 của Bộ Xây dựng phê duyệt tại Tổng công ty Viglacera. Số cổ phiếu tương đương 17,97% vốn điều lệ tổng công ty và được đấu giá công khai, nhưng không thấp hơn 23.000 đồng/cổ phiếu.

Số cổ phiếu này từng được Bộ Xây dựng rao bán với khá khởi điểm 26.100 đồng vào năm 2018 nhưng không thành công.

Với 69 triệu cổ phiếu đã bán đợt này, Bộ Xây dựng vẫn còn nắm giữ gần 173 triệu cổ phiếu VGC, tương ứng 38,6% vốn cổ phần tại Viglacera.

Cũng liên quan tới tỷ lệ sở hữu của các cổ đông VGC, cuối tháng 2 vừa qua, nhóm cổ đông liên quan Dragon Capital đã thoái toàn bộ vốn khỏi VGC (27 triệu cổ phiếu) với mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Thương vụ thoái vốn này giúp nhóm Dragon Capital thu về khoản tiền tương ứng 887 tỷ đồng.

Đến giữa tháng 3 vừa qua, danh tính bên mua được tiết lộ là Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex, công ty con thuộc sở hữu của Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam – Gelex.

Như vậy, nhóm cổ đông liên quan Gelex đang nắm giữ khoảng 44 triệu cổ phiếu VGC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 9,8% cổ phần.

Với việc có một giao dịch với khối lượng đặt mua cao nhất lên tới 37 triệu cổ phiếu lần này, nhiều khả năng trong cơ cấu cổ đông của Viglacera sẽ có thêm một cổ đông lớn bên cạnh sự hiện diện của Bộ Xây dựng và Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex.

Trước thời điểm Bộ Xây dựng thoái vốn, VGC đã tăng giá khá nhiều trên sàn chứng khoán. Tính từ cuối năm 2018, VGC đã tăng khoảng 46% từ vùng giá 15.000 đồng lên 22.000 đồng/cổ phiếu, trước khi giảm về mức 20.500 đồng hiện nay.

Chính đà tăng giá này đã giúp Bộ Xây dựng có thể lấy mức giá tối thiểu 23.000 đồng/cổ phiếu (giá bình quân 30 phiên gần nhất của VGC) để làm giá khởi điểm cho đợt đấu giá.

Tổng công ty Viglacera tiền thân là công ty Gạch ngói Sành sứ xây dựng, được thành lập năm 1974. Đây là một đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng.

Ngoài mảng vật liệu xây dựng, Viglacera còn lấn sân sang cả bất động sản và đã triển khai 15 dự án có quy mô lớn như Dự án khu nhà ở dành cho công nhân tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), Dự án 1.000 căn hộ dành cho người có thu nhập thấp tại khu đô thị Ðặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội); Dự án khu nhà ở thu nhập thấp ở Ðại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội)...

Năm 2018 vừa qua, Viglacera ghi nhận 9.013 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ so với năm 2017. Khoản lợi nhuận sau thuế theo đó cũng giảm gần 8%, xuống còn 667 tỷ đồng.

Quang Thắng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ba-to-chuc-chi-gan-1-600-ty-thau-tom-hon-15-von-viglacera-post930653.html