Ba trò chơi bạn không nghĩ sẽ chơi được ở TP.HCM

Cuối tuần, trẻ em và người lớn tìm đến những sân chơi chưa nhiều người biết đến ở TP.HCM. Người thì xuống lòng nước sâu, người thì lăn lộn ra sân cỏ giữa trời nắng to.

"Đi đâu chơi cuối tuần này?".

Tìm kiếm sân chơi, không gian giải trí ở TP.HCM là vấn đề nảy ra với người dân thành phố mỗi dịp cuối tuần. Đi đâu? Chơi gì?

Đối với những người ưa hoạt động ngoài trời ở TP.HCM, thay vì đi dạo công viên hay ngồi quán cà phê, họ tìm đến các trải nghiệm vận động khác nhau. Nếu như số đông người quen thuộc với bóng đá, bóng rổ, đạp xe, dã ngoại... trong thành phố, thì có một bộ phận tìm đến những bộ môn mới lạ hơn.

Hai giờ hít thở dưới nước giữa thành phố

Hải Yến (27 tuổi, quận 7) là người thích những hoạt động vận động ngoài trời. Cô chưa từng nghĩ mình có thể học lặn giữa thành phố không có biển này.

15h ngày 19/2, Hải Yến có mặt tại một hồ bơi ở quận Tân Bình để thử sức với bộ môn mới. Suốt buổi học trong 2 giờ, Yến được làm quen và sử dụng các thiết bị lặn chuyên nghiệp và kỹ thuật lặn cơ bản dưới mặt nước.

“Thở dưới nước mới đầu tôi chưa quen lắm, bị sặc mấy lần. Tuy nhiên tôi vẫn bình tĩnh vì hồ bơi không quá sâu, đồng thời huấn luyện viên sẽ theo dõi và hỗ trợ kỹ thuật ngay bên cạnh. Nếu ở biển, có lẽ tôi bị hoảng sợ và đòi lên, khoản chi phí ra đến đây đúng nghĩa đổ xuống biển”, cô gái trẻ chia sẻ.

 Không cần ra biển, bạn có thể làm quen với bộ môn lặn bình khí giữa TP.HCM. Ảnh: Linh Đan.

Không cần ra biển, bạn có thể làm quen với bộ môn lặn bình khí giữa TP.HCM. Ảnh: Linh Đan.

Try scubadive là làm quen với lặn bình khí tại hồ bơi. Dịch vụ này được một công ty khai thác cách đây không lâu, dành cho những người thích trải nghiệm muốn thử sức xem có hợp và hứng thú không, trước khi quyết định chi ra số tiền lớn để học.

“Lặn bình khí chưa phổ biến ở Việt Nam, nhất là tại TP.HCM. Người ta thường nghĩ muốn đi lặn phải ra biển, học lặn bình khí lại càng xa vời vì chi phí khá cao. Đó là lý do chúng tôi khai thác dịch vụ lặn thử, ngay tại thành phố, với giá chưa đến 1/10 học phí trình độ cơ bản nhất”, đại diện công ty cho biết.

Hiện dịch vụ lặn thử này có giá 800.000 đồng/người/buổi (2 giờ), gồm thiết bị chuyên dụng, huấn luyện viên, thuê hồ bơi 1,8 m và theo cá nhân 1-1 hoặc nhóm 2-4 người tùy nhu cầu. Trẻ em từ 8 tuổi trở lên đến người lớn dưới 80 tuổi có thể tham gia, hạn chế người bị bệnh tim, hen suyễn và sợ nước.

Không gian giao lưu ngoại ngữ ở sân bóng bầu dục

Chị Judith Messad (người Pháp) mỗi sáng thứ 7 đều đưa con trai 12 tuổi đến sân chơi bóng bầu dục ở khu đô thị Sala (TP Thủ Đức). Đây là buổi duy nhất trong tuần mà con chị có cơ hội giao lưu với đông bạn bè quốc tế ngoài giờ đến lớp.

“2,5 năm ở TP.HCM, cũng là thời gian thằng bé chơi bóng bầu dục ở đây. Tôi rất vui vì tìm được sân chơi phù hợp độ tuổi của con, khiến con trở nên tự tin hơn vì kết thêm nhiều bạn nói ngoại ngữ trong thành phố”, chị Messad chia sẻ.

Cũng như bà mẹ Pháp, anh Mạnh Cương (TP Thủ Đức) ủng hộ và chăm đưa con trai 14 tuổi lai Việt - Pháp của mình đến sân bóng.

“Ở đây quy tụ trẻ em từ nhiều quốc gia như Pháp, Anh, Nhật, Hàn, Mỹ, Nga, New Zealand, Hà Lan, Đức… Trong quá trình giao tiếp với đồng đội, con tôi có thể khám phá thêm sự quan tâm mới nào đó với văn hóa hay ngôn ngữ nước bạn”, anh Cương giải thích.

 Người lớn có thể đến chơi bóng bầu dục (rugby) tại sân bóng trường RMIT (quận 7) vào chiều thứ 7 (16-18h), trẻ em chơi tại sân vận động Sala (TP Thủ Đức) vào sáng cùng ngày (8h30-10h). Người mới cần chi 100.000-200.000 đồng (miễn phí cho người Việt và học sinh trung học). Ảnh: Saigon Rugby Club, Ý Linh.

Người lớn có thể đến chơi bóng bầu dục (rugby) tại sân bóng trường RMIT (quận 7) vào chiều thứ 7 (16-18h), trẻ em chơi tại sân vận động Sala (TP Thủ Đức) vào sáng cùng ngày (8h30-10h). Người mới cần chi 100.000-200.000 đồng (miễn phí cho người Việt và học sinh trung học). Ảnh: Saigon Rugby Club, Ý Linh.

Saigon Rugby Club thành lập vào năm 1992 bởi một nhóm người nước ngoài và người Việt ở quận 7. Tuy nhiên, trải nghiệm này thu hút chủ yếu cộng đồng ngoại quốc và số ít người Việt. Bên cạnh đó, còn có Centaurs Rugby Saigon là câu lạc bộ bóng bầu dục dành cho trẻ em 5-15 tuổi ở khu vực TP Thủ Đức.

“Chúng tôi chào đón bất kỳ cư dân TP.HCM đến chơi thử và tham gia đội tuyển nếu thích, nhất là người Việt Nam, không kể trẻ em, nam nữ mọi ở độ tuổi đến từ mọi quốc gia. Tại đây, họ có thể tìm hiểu môn thể thao mới và học ngoại ngữ”, ông Ted Perrein (người Pháp) chủ nhiệm Centaurs Rugby Saigon bày tỏ.

Tại TP.HCM, “tân binh” có thể thử sức nhẹ nhàng với các trận đấu không va chạm (touch rugby), thay vì húc đối phương để cướp bóng, người chơi chỉ cần chạm vào đối phương hoặc bóng. Ngoài ra, còn có đội tuyển nữ chuyên nghiệp Lady Geckos, đội tuyển nam Saigon Geckos và đội tuyển lão luyện (trên 35 tuổi) Saigon Dirty Geckos.

Gãy 16 gậy bóng chày để xả stress

Ông chủ Lê Văn Tùng (35 tuổi) của Baseball Cage (quận 7) kể rằng trong chưa đầy nửa năm mở mô hình đánh bóng chày tự động, khách đã làm gãy 16 cây gậy. Đó là thiệt hại không nhỏ với một trò chơi, cũng đồng nghĩa với sức hút của nhiều người tìm đến môn này ở TP.HCM.

“Nói riêng về mục đích giải trí, bóng chày là một hình thức xả stress ‘rất đã’. Cảm giác dùng sức đập văng quả bóng đi xa khiến người chơi thích thú. Do đó, tôi không lấy làm lạ khi gậy bị gãy do họ ‘hăng’ lên mạnh tay, nhất là với lực đánh của người nước ngoài đến chơi”, anh Tùng cho hay.

Theo người chơi Trần Quang (quận 7), anh từng biết đến và xem bóng chày ở nước ngoài, nhưng đến nay mới lần đầu cầm gậy đánh bóng vào chiều 18/2 ngay gần nhà. Anh Quang chỉ biết TP.HCM có câu lạc bộ bóng chày của người nước ngoài, còn nơi cho người trải nghiệm tự do thì hầu như “mù thông tin”.

 Anh Trần Quang dự định dẫn thêm bạn bè đến chơi bóng chày tự động thêm nhiều lần khác để giải trí. Ảnh: Ý Linh.

Anh Trần Quang dự định dẫn thêm bạn bè đến chơi bóng chày tự động thêm nhiều lần khác để giải trí. Ảnh: Ý Linh.

Trước mô hình vui chơi của anh Tùng, ở TP.HCM từng có nơi đào tạo bóng chày chuyên nghiệp. Môn thể thao này du nhập vào thành phố từ năm 1996, nhưng độ phổ biến không lớn.

“Ở TP.HCM thiếu sân bóng chày chuyên nghiệp, hơn nữa, dụng cụ bóng chày khá đắt đỏ, mọi người gọi nó là môn thể thao nhà giàu. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân khiến nhiều người dân chưa tiếp cận được”, ông Kwon Dong Hyeok (55 tuổi, huấn luyện viên bóng chày Hàn Quốc) nêu suy nghĩ.

Năm 2015, ông Kwon hiện là cố vấn chuyên môn của Hiệp hội Bóng chày TP.HCM với kinh nghiệm chơi bóng chày gần 40 năm, cùng anh Ngô Đức Thụy (cựu tuyển thủ đội bóng chày Việt Nam) đã thành lập câu lạc bộ Saigon Storm, dành cho thiếu nhi, thiếu niên ở thành phố.

 Trải nghiệm bóng chày từng xuất hiện 1-2 lần trong một năm tại các lễ hội quốc tế của Nhật Bản, Hàn Quốc ở TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

Trải nghiệm bóng chày từng xuất hiện 1-2 lần trong một năm tại các lễ hội quốc tế của Nhật Bản, Hàn Quốc ở TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

“Trẻ con thành phố ai cũng đọc truyện Doraemon của Nhật Bản, trong đó nói về môn bóng chày. Đến khi các bé được trực tiếp cầm gậy vụt bóng, niềm háo hức càng lộ rõ trên khuôn mặt và tần suất đến chơi của tụi nhỏ”, huấn luyện viên Thụy cho biết.

Chia sẻ với Zing, hai nam phụ huynh từ quận 7 và TP Thủ Đức có mặt ở sân bóng sáng 19/2 nói rằng đã đều đặn đưa con trai đi chơi bóng 4 năm nay. Họ đánh giá môn này không những giúp trẻ em rèn luyện thể lực mà còn về trí lực, sự nhanh nhẹn và tinh thần đồng đội.

"Một khóa học khoảng 600.000 đồng, không cần sắm thêm gì, là quá ổn so với môn nhà giàu này”, hai phụ huynh đánh giá.

“Tôi rất mong ở TP.HCM có thêm sân chơi bóng chày chuyên nghiệp và mở rộng phong trào bóng chày trong các trường học. Trẻ con tiếp cận môn thể thao du nhập từng phổ biến ở các quốc gia khác, sẽ tự tin và đạt thành tích trong trường tốt hơn nếu chúng đi du học”, huấn luyện viên Kwon Dong Hyeok nói.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Ý Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ba-tro-choi-ban-khong-nghi-se-choi-duoc-o-tphcm-post1297303.html