Ba trọng tâm trong chiến lược ngoại giao không gian của Mỹ

Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây công bố chiến lược đầu tiên về sử dụng các công cụ ngoại giao nhằm duy trì vị thế của Mỹ trong lĩnh vực không gian.

Tài liệu mang tên “Khung chiến lược về ngoại giao không gian” khẳng định trong gần 7 thập niên qua, Mỹ luôn đi đầu trong việc khám phá và khai thác không gian vì các mục đích hòa bình, “tối ưu hóa các lợi ích của không gian để phục vụ người dân Mỹ và cộng đồng quốc tế”, đưa Mỹ trở thành “đối tác không gian toàn cầu”. Theo tờ The Washington Post, tài liệu dài 25 trang đề ra mục tiêu bảo đảm “vai trò lãnh đạo” của Mỹ trong bối cảnh “số lượng quốc gia triển khai các chương trình không gian đang ngày càng tăng”.

Trang mạng Breaking Defense dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh tài liệu là “một sáng kiến mang tính đột phá” nhằm thúc đẩy “vai trò lãnh đạo” của Washington trong lĩnh vực không gian. Thông qua chiến lược này, Washington sẽ mở rộng sự hợp tác quốc tế liên quan tới các hoạt động cùng có lợi trong không gian cũng như “các cam kết chống lại những vụ thử tên lửa chống vệ tinh có sức hủy diệt”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (bên trái) và Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa ký thỏa thuận khung về hợp tác không gian tại trụ sở NASA, ngày 13-1-2023. Ảnh: NASA

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (bên trái) và Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa ký thỏa thuận khung về hợp tác không gian tại trụ sở NASA, ngày 13-1-2023. Ảnh: NASA

“Chúng tôi sẽ khuyến khích những hành vi có trách nhiệm, tăng cường sự hiểu biết và hỗ trợ đối với các chính sách quốc gia của Mỹ về không gian, thúc đẩy sử dụng các năng lực không gian của Mỹ trên phạm vi quốc tế”, tài liệu khẳng định.

Trang mạng Breaking Defense cho biết “Khung chiến lược về ngoại giao không gian” tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm. Một là sử dụng ngoại giao để định hình các chính sách về không gian “vì lợi ích của các thế hệ tương lai”. Hai là tận dụng hợp tác về không gian để đạt được các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ba là bố trí thêm nguồn nhân lực cho Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm hiện thực hóa hai vấn đề trọng tâm nói trên.

Tài liệu khẳng định thành công của ngoại giao không gian phụ thuộc vào “sự hợp tác liên tục và chặt chẽ” giữa Bộ Ngoại giao Mỹ với hàng loạt cơ quan liên quan của nước này như Hội đồng Không gian quốc gia, Hội đồng An ninh quốc gia, Lầu Năm Góc, Bộ An ninh nội địa, Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia (ODNI), Cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA)…

Tài liệu cũng nhấn mạnh tới “vị trí trung tâm” của mối quan hệ với các quốc gia đồng minh và đối tác nước ngoài. Cùng với đó là vai trò của các viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ…. Trang mạng Breaking Defense lưu ý tới việc tài liệu nhấn mạnh vai trò “không thể thiếu” của lĩnh vực không gian thương mại, vốn đã phát triển với tốc độ “chưa từng có tiền lệ” giữa lúc giá trị của nền kinh tế không gian toàn cầu được ước tính lên tới gần 500 tỷ USD.

“Các doanh nghiệp tư nhân của Mỹ đang “cách mạng hóa” việc sử dụng không gian bằng các công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Tăng cường sự tham gia cũng như vai trò đi đầu của các doanh nghiệp tư nhân đồng nghĩa với việc chúng ta không thể chỉ phụ thuộc vào kênh ngoại giao chính phủ”, tài liệu nêu rõ.

Tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định Washington sẽ tìm cách hợp tác với “các đối thủ chiến lược” về hàng loạt vấn đề liên quan tới không gian, trong đó có các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm giảm rủi ro xung đột. Tuy nhiên, sự hợp tác này đi kèm với điều kiện cụ thể là “các quốc gia này tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế cả trong không gian và ngay trên trái đất”.

Trong khi tờ The Washington Post đánh giá “Khung chiến lược về ngoại giao không gian” đề cập rất ít chi tiết về cách thức đạt được các mục tiêu đề ra, Hiệp hội ngành công nghiệp vệ tinh của Mỹ (SIA) lại bày tỏ sự hoan nghênh. Chủ tịch SIA Tom Stroup đánh giá cao việc Washington ghi nhận sự cần thiết của “cả ngoại giao truyền thống cũng như sự hợp tác với các bên liên quan trong lĩnh vực không gian thương mại”.

Trang mạng Breaking Defense dẫn lời chuyên gia Jessica West tại Viện nghiên cứu Project Ploughshares (Canada) cho rằng tài liệu trên là tín hiệu cho thấy “sự nâng tầm vai trò của ngoại giao” thay vì bị xếp sau “sức mạnh cứng” của Mỹ.

“Từ trước đến nay, các vấn đề liên quan tới không gian chủ yếu là nhiệm vụ của NASA hoặc Lầu Năm Góc. Tài liệu là tín hiệu về “sự can dự lớn hơn” của các nhà ngoại giao Mỹ. Sáng kiến của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy việc mở rộng trọng tâm quân sự hiện nay sẽ đi kèm với việc tăng cường quan tâm đến “sức mạnh mềm” mà các nhà ngoại giao sử dụng”, tờ The Washington Post nhận định.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/ba-trong-tam-trong-chien-luoc-ngoai-giao-khong-gian-cua-my-730109

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/586955-ba-trong-tam-trong-chien-luoc-ngoai-giao-khong-gian-cua-my.html