Ba trụ cột thích ứng biến đổi khí hậu

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng (NBD).

Cống Cái Lớn (Kiên Giang) giúp kiểm soát hạn mặn ở miền Tây. Ảnh: HUỲNH LỢI

Cống Cái Lớn (Kiên Giang) giúp kiểm soát hạn mặn ở miền Tây. Ảnh: HUỲNH LỢI

ĐBSCL là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới sẽ bị ngập sâu và ảnh hưởng nhiều nhất, mà TPHCM liền kề, gắn bó máu thịt với vùng này cũng không nằm ngoài. “Kịch bản BĐKH, NBD ở Việt Nam” được Bộ TN-MT ban hành ghi nhận thực trạng, dự báo xu hướng BĐKH cực đoan. Qua đó, khuyến nghị thực hiện các giải pháp ứng phó.

Nhận định về xu thế thiên tai, khí tượng, thủy văn năm 2022, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho rằng, khả năng ENSO sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina trong khoảng 4 đến 5 tháng đầu năm 2022; xâm nhập mặn, triều cường Nam bộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công về ĐBSCL suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị tuần qua cũng dự báo năm nay mưa bão trái quy luật, sớm và nhiều hơn trung bình nhiều năm.

Dù diễn biến thực tế hàng năm có khác nhau, nhưng xu hướng chung cho thấy BĐKH ngày càng cực đoan hơn. Thiên tai, bão lũ, sạt lở, sụp lún đất, xâm thực bờ biển, hạn mặn khốc liệt và hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan, thủy văn đảo lộn… xảy ra thường xuyên hơn, phá vỡ quy luật tự nhiên được định hình nhiều năm. BĐKH và NBD diễn ra hàng ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, sự phát triển bền vững, trở thành thách thức to lớn đối với nhân loại, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư. Lời cảnh báo của tự nhiên buộc chúng ta phải tư duy đúng, tiếp cận phù hợp và hành động mạnh mẽ. Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân.

Phát biểu tại hội nghị BĐKH toàn cầu - COP26 năm 2021 tại Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi “Ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân. Khoa học công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thủ tướng cũng đã cam kết xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ để đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để thực thi cam kết, cần hành động quyết liệt với tư duy thích ứng BĐKH, NBD hiệu quả, cần dựa trên 3 trụ cột sau:

Một là, nhận thức, tư duy chủ động thích ứng phải trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, chỉ huy mọi hành động. Vùng ĐBSCL đã có bài học kinh nghiệm lịch sử từ chống lũ, chống hạn mặn, sang chung sống và chủ động chung sống với lũ, hạn mặn. Những giải pháp công trình rất cần, nhưng các giải pháp phi công trình là không thể thiếu. Bài toán cân bằng tổng thể, yêu cầu “chi phí - lợi ích” và nguyên tắc “không hối tiếc” cần được đặt ra trước tiên cho bất kỳ một quyết định đầu tư công trình nào.

Hai là, trụ cột phát triển kinh tế vùng, sử dụng khoa học công nghệ đi trước dẫn dắt, nguồn lực tài chính làm đòn bẩy để thích ứng với BĐKH phải gắn liền với yếu tố con người, ổn định dân cư; lấy con người làm trung tâm để những vùng dễ bị tổn thương như ĐBSCL không bị tụt hậu và không ai bị bỏ lại phía sau.

Ba là, phải tăng cường liên kết vùng, phối hợp liên vùng. Tiếp cận theo vùng, liên vùng, phối hợp liên ngành, cùng hành động mới mong thích ứng trước các biến đổi tự nhiên và xã hội. Đổi mới hoạt động điều phối vùng thông qua thể chế, cơ chế mạnh hơn với mục tiêu thiết lập và vận hành thể chế vùng có tính đại diện và trách nhiệm...

Các trụ cột thích ứng BĐKH là rất quan trọng, tạo khung để xây dựng cơ chế, chính sách đột phá cho vùng ĐBSCL phát triển; tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức. Tuy nhiên, để cụ thể hóa, đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư, nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực con người, tài chính, khoa học công nghệ… cũng là vấn đề cần quan tâm.

TS TRẦN HỮU HIỆP

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ba-tru-cot-thich-ung-bien-doi-khi-hau-796657.html