Bà trùm nội y giả chữ ký mẹ để được bán mỹ phẩm năm 13 tuổi

'Hồi 13 tuổi, tôi làm giả chữ ký của mẹ để có thể trở thành đại diện của Avon', Michelle Mone kể trong cuốn tự truyện.

 Bà trùm nội y Michelle Mone. Nguồn: wikifeet.

Bà trùm nội y Michelle Mone. Nguồn: wikifeet.

Bạn phải đủ 18 tuổi để làm công việc bán hàng tận nhà, nhưng tôi không thể đợi đến lúc đó: tôi muốn kiếm thêm nhiều tiền.

Tôi có thể hay xấu hổ trước bạn bè, nhưng khi liên quan đến công việc, tôi mặc lên mình lớp áo giáp của sự tự tin. Tôi có thể bán bất cứ thứ gì, dù là bán cát cho người Ả Rập. Sau khi đi học về, tôi sẽ thay một bộ đồ tươm tất (hồi đó tôi cũng để tóc xoăn) và đến gõ cửa các nhà để bán hàng.

Tôi tổng hợp các đơn hàng, gửi chúng lên cho quản lý khu vực và sau đó đi thu tiền. Khách hàng có thể nghĩ đứa con gái bé nhỏ xinh xắn đứng trước cửa nhà mình là ai vậy? Nhưng sau đó, tôi sẽ bắt đầu bài quảng cáo bán hàng hùng hồn nhất. Tôi sẽ giới thiệu từng sản phẩm, cho họ thấy các tính năng và công dụng.

“Nếu cô mua sản phẩm này”, tôi nói và chỉ vào một lọ dưỡng da nào đó, “thì cô nên mua cả bộ”. Tôi luôn thúc giục. “Nếu chỉ dùng một thứ thì không ổn, vì các sản phẩm đó sẽ không thể phát huy được 100% tác dụng”.

Tôi luôn bán được hàng. Và nếu lần đầu không thành công thì tôi sẽ kiên trì với người đó cho đến khi bán được thì thôi. “Tôi không có hứng mua hàng theo kiểu tiếp thị tận nhà”, họ có thể nói như vậy. Nhưng tôi sẽ quay lại hết lần này đến lần khác cho đến khi bán được một sản phẩm.

Trong vòng sáu tháng, tôi trở thành đại diện xuất sắc của Avon ở Glasgow. Tôi không đùa đâu - nhưng điều thú vị nhất là họ còn không biết tôi thực sự bao nhiêu tuổi. Họ tưởng tôi là mẹ tôi! Mẹ biết tôi đang bán hàng vì tất cả sản phẩm đều được gửi về căn hộ bé tí của chúng tôi, nhưng bà không biết chúng được gửi đến cho bà.

Dù sao thì mẹ đã có đủ chuyện phải lo rồi. Bây giờ bố phải cố gắng lắm mới đi lại được, dù đã chống gậy. Ông phải bỏ việc ở nhà máy mực in và mẹ phải chịu rất nhiều áp lực khi vừa chăm sóc bố vừa kiếm tiền. Mẹ thường hay khóc lóc và quát tháo, và tôi cảm thấy bất lực vì không biết phải làm sao để mọi việc khá hơn.

Tôi không muốn nỗi đau buồn của tôi làm mẹ phiền lòng, vì thế sau bữa tối, tôi chỉ lẳng lặng về phòng và úp mặt vào gối khóc. Tôi không bao giờ ở lại nhà bạn bè vì tôi không thể không ở cạnh bố. Nhỡ có chuyện gì xảy ra thì sao? Nhỡ tôi không ở đó để giúp ông thì sao? Nếu vậy tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân.

Tôi nghĩ biểu hiện bên ngoài của cảm giác hoàn toàn bất lực là chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Tôi muốn giúp mẹ nên tôi lau đi lau lại căn bếp nhỏ xíu. Tôi sẽ lau chùi các bề mặt cho đến khi chúng bóng loáng lên, và sau đó làm lại từ đầu.

Tôi phải đảm bảo mọi nhãn mác trên các lon đồ hộp quay về cùng một phía. Tôi tin rằng mọi thứ nên có vị trí của riêng nó - một suy nghĩ vẫn theo tôi từ đó đến giờ. Tôi không chắc tại sao tôi lại làm như vậy. Có lẽ vì mọi thứ trong cuộc sống của tôi khi đó đều rối loạn, và đó là cách của riêng tôi để tạo ra một trật tự nào đó.

Tôi khó có thể tập trung học tập ở trường khi có quá nhiều việc đau lòng xảy ra ở nhà. Tệ hơn nữa là tôi mắc chứng khó đọc và rất vất vả với các môn đọc và viết. Tôi sợ đến lớp vì tôi thấy việc học thật khó khăn và không có giáo viên nào hứng thú với tôi cả.

Tôi chơi cùng một nhóm bạn nhỏ. Họ đến từ khu vực giàu có hơn ở East End, vùng Parade, nơi mọi người sở hữu những căn nhà riêng. Ngay cả với những người bạn này tôi cũng không bao giờ cho họ biết những chuyện diễn ra ở nhà. Tôi sợ nếu kể cho họ nghe, tôi sẽ không thể ngăn được nước mắt.

Tôi tưởng mọi việc đã không thể tệ hơn được nữa, nhưng nó mới chỉ là bắt đầu. Tôi trở về nhà trong một ngày bình thường như bao ngày khác, mở cửa chính, và ngay lập tức tôi biết có gì đó cực kỳ không ổn. Mặt mẹ tôi xám như đá. Mắt bà đỏ ngầu. Không khí trong phòng nặng nề như thể ai đó vừa mới qua đời.

“Có chuyện gì vậy?”, tôi hỏi. Tôi có thể cảm nhận được nỗi đau trước khi nhìn thấy nó.

Mẹ tôi không cần nói lời nào. Bố đang ngồi đó - trên một chiếc xe lăn. Tôi đưa tay lên che miệng.

“Bố?”, tôi kêu lên.

“Bố con sẽ không còn đi lại được”, mẹ báo tin.

Tôi òa lên khóc. Tôi không thể chịu đựng được nữa. Tôi rất yêu quý bố và tôi nghĩ thế là hết. “Không sao đâu, Michelle”, bố cố an ủi tôi, nhưng nhìn vào mắt ông, tôi biết chính ông cũng không tin vào điều ông đang nói.

“Có chuyện gì vậy?”, tôi nức nở. Tôi đã 15 tuổi nhưng đột nhiên tôi cảm thấy mình bé lại một lần nữa - nhỏ bé và bất lực.

“Bố con bị u máu”, mẹ nói. “Đó là một bệnh lý hiếm tấn công xương sống”. Giọng bà bắt đầu run run.

“Để anh giải thích cho con bé, Isabel”, bố xen vào. “Đó là khi các mạch máu ở xương sống ngày càng to lên và làm các dây thần kinh bị kẹt”. Chẳng cần biết họ giải thích nó như thế nào, sự thật là bố đã bị liệt hoàn toàn ở tuổi 38. Nỗi đau buồn chất chứa trong căn phòng đó, thậm chí ngoài sức miêu tả của tôi.

Michelle Mone / Alpha Books - NXB Phụ nư

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ba-trum-noi-y-gia-chu-ky-me-de-duoc-ban-my-pham-nam-13-tuoi-post1370689.html