Bà trùm Việt kiều lừa đảo bán dự án chung cư La Bonita thế nào?
Cơ quan Công an đã thực hiện việc bắt giam nữ Việt kiều Vũ Bảo Trinh cùng đồng phạm lừa bán căn hộ tại dự án La Borita cho nhiều người, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Mánh khóe lừa đảo của nữ Việt kiều và đồng phạm
Mới đây, Công an TP HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Vũ Bảo Trinh (Việt kiều) cùng Tô Văn Chí Tâm, Hoàng Thái Anh - nguyên giám đốc Công ty TNHH BĐS Nam Thị (gọi tắt Công ty Nam Thị) để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại dự án chung cư La Bonita (phường 25, quận Bình Thạnh).
Trước đó, ngày 18/2/2019, Công an cũng đã khởi tố vụ án để điều tra. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy khoảng hơn 30 căn hộ tại dự án căn hộ La Bonita được Trinh và đồng phạm đạo diễn lừa bán cho nhiều người, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Theo đó, Công ty Nam Thị là chủ đầu tư của dự án đầu tư xây dựng Cao ốc văn phòng và căn hộ (Chung cư La Bonita) tại địa chỉ 6 - 8 đường Nguyễn Gia Trí (đường D2 cũ), phường 25 quận Bình Thạnh.
Công an xác định, một số đối tượng tại Công ty Nam Thị ký hợp đồng bán cùng căn hộ, sàn thương mại chung cư La Bonita cho nhiều người. Những đối tượng này đã đổi tên, ký hiệu căn hộ và thay đổi chủ sở hữu, người đại diện doanh nghiệp để khách hàng lầm tưởng mua căn hộ, sàn thương mại khác nhau cũng như nhằm đối phó khi bị tranh chấp, khiếu kiện.
Nhiều người khi phát hiện căn hộ của mình bán cho người khác đã yêu cầu giải quyết thì lúc này các đối tượng thuộc Công ty Nam Thị giải thích quanh co. Đồng thời, nhóm này hứa hẹn sẽ trả lại căn hộ hoặc trả lại tiền nhưng thực tế không giải quyết, sau đó tiến hành làm thủ tục chuyển đổi chủ sở hữu doanh nghiệp để trốn tránh.
Nữ Việt kiều cùng đồng phạm đối diện hình phạt nào?
Dưới góc độ pháp lý của vụ việc, trao đổi với PV Kiến Thức luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Có thể nói rằng thị trường bất động sản ở hai sản phẩm chính là phân lô bán nền và căn hộ cao cấp thời gian gần đây tương đối lộn xộn ở nhiều địa phương.
Lợi dụng tâm lý đầu tư theo phong trào, lướt sóng của nhiều người, những thông tin thiếu minh bạch một của thị trường bất động sản, những quản lý yếu kém, lỏng lẻo của một số địa phương mà các đối tượng đã dễ dàng thực hiện được hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người, có những vụ án hàng ngàn người, gây bức xúc trong xã hội
Theo quy định của pháp luật thì lừa đảo là dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản.
Với những bất động sản chưa đủ điều kiện tham gia giao dịch trong thị trường bất động sản, không được phép giao dịch, không có thật nhưng chủ đầu tư vẫn rao bán, nhận tiền nhưng không bàn giao được bất động sản hoặc không hoàn tất được thủ tục pháp lý thì những hành vi như vậy có thể xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, có một số đối tượng lại rao bán tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình hoặc một tài sản bán cho nhiều người nhằm chiếm đoạt tài sản của nhiều người thì đây cũng là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Bất động sản là loại hàng hóa có giá trị cao, mỗi rồi đất trị giá vài trăm triệu đồng, thậm chí vài tỷ đồng. Bởi vậy, khi bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì các đối tượng thường phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất quy định tại khung cao nhất của Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, hình phạt là phạt tù từ 12 năm, đến 20 năm hoặc tù chung thân”, luật sư Cường nói.
Vị luật sư cho hay, đối với vụ án trên, nếu cơ quan điều tra có đủ căn cứ, tài liệu để chứng minh rằng nữ Việt kiều cùng đồng phạm đã bán một tài sản cho nhiều người, dùng các thủ đoạn thay đổi thông tin, thay đổi doanh nghiệp, địa chỉ để gây khó khăn cho những người bị hại trong việc truy tìm tài sản, đòi nợ thì đây là những thủ đoạn có thể xem xét để xử lý hình sự đối với các đối tượng này.
Số tiền và cơ quan điều tra xác định các đối tượng lừa đảo nhiều tỷ đồng, bởi vậy các đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
“Những vụ án như thế này sẽ là những bài học cho cả những đối tượng liều lĩnh, tham lam bất chấp pháp luật cũng như đối với những người bị hại trong việc đầu tư trong lĩnh vực bất động sản và là những vấn đề trong công tác quản lý khi thị trường bất động sản còn thiếu minh bạch, nhiều địa phương còn thiếu quyết liệt trong việc phòng ngừa loại tội phạm này.
Bởi vậy, từ những vụ án gây bức xúc dư luận ở các địa phương thì cũng cần xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, nhà ở, trách nhiệm đấu tranh phòng và chống tội phạm sao cho không để xảy ra trường hợp hàng trăm, hàng ngàn người có thể bị các đối tượng lừa đảo một cách dễ dàng như vậy”, vị luật sư chia sẻ thêm.