Ba ưu tiên cho 19 tỉnh, thành áp dụng Chỉ thị 16

Với việc 19 tỉnh, thành áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, Chính phủ nêu rõ 3 ưu tiên: bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân; bảo đảm hệ thống y tế hoạt động hiệu quả, không bị quá tải; kiềm chế dịch ở mức thấp nhất có thể

Ngày 17-7, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 969/TTg-KGVX gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch tại một số địa phương.

Không để "chặt ngoài, lỏng trong"

Văn bản nêu rõ: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, căn cứ đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế và ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 16) đối với các địa phương: Cùng với TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện, bổ sung TP Cần Thơ và các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang. Thời gian thực hiện giãn cách xã hội đối với tỉnh, thành bổ sung là 14 ngày, kể từ 0 giờ ngày 19-7.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp triển khai thực hiện việc áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành Ảnh: ĐÌNH NAM

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp triển khai thực hiện việc áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành Ảnh: ĐÌNH NAM

Thủ tướng chỉ đạo đối với tỉnh, thành đang áp dụng biện pháp giãn cách trước ngày có văn bản này, căn cứ diễn biến dịch bệnh và kết quả phòng chống dịch trên địa bàn, chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi quyết định việc tiếp tục thực hiện thời gian giãn cách như đã quyết định hoặc kéo dài thời gian giãn cách như các tỉnh, thành bổ sung nêu trên.

Các bộ, cơ quan trung ương chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 16. Trong đó, chú ý bảo đảm nguồn vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế; bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm.

Tránh ách tắc hàng hóa

Ngay trong chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đã họp với một số bộ, ngành về công tác chuẩn bị triển khai Văn bản số 969/TTg-KGVX của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh 3 ưu tiên đối với 19 tỉnh, thành phía Nam áp dụng Chỉ thị 16. Thứ nhất, phải ưu tiên trên hết việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân. Thứ hai, phải bảo đảm hệ thống y tế hoạt động hiệu quả, không bị quá tải, bởi hệ thống y tế không chỉ để chữa người mắc Covid-19 mà còn điều trị cho các bệnh nhân khác. Thứ ba, phải kiềm chế dịch ở mức thấp nhất có thể trong điều kiện chưa có đủ vắc-xin phòng Covid-19 để đạt miễn dịch cộng đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng bằng việc áp dụng đồng bộ Chỉ thị 16, phải tạo được cơ chế để sản xuất an toàn, nhất là lưu thông, phân phối hàng hóa an toàn, không để ách tắc trong lưu thông hàng hóa để phục vụ người dân và sản xuất, kinh doanh. "Việc áp dụng Chỉ thị 16 sẽ không có kết quả nếu không làm thực chất. Vì vậy, tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân phải cùng nhau thực hiện nghiêm túc các quy định của chỉ thị này"- Phó Thủ tướng lưu ý.

Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định Bộ Công Thương đã có kế hoạch chuẩn bị cho tình huống áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố. Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với TP HCM và các tỉnh, thành phố khác để có phương án vận chuyển hàng hóa đến những nơi áp dụng Chỉ thị 16 và đưa đến các nơi cần thiết nhất để bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhất có thể nhu cầu thiết yếu của người dân.

Bộ Y tế cho biết trong ngày 17-7, Việt Nam ghi nhận 3.718 ca mắc Covid-19. Trong số 3.705 ca trong nước (2.959 ca trong khu cách ly, phong tỏa), các địa phương có số ca mắc nhiều gồm: TP HCM 2.786 ca, Đồng Tháp 180 ca, Long An 134 ca, Bình Dương 124 ca, Đồng Nai 107 ca, Khánh Hòà 100 ca... Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27-4 đến nay là 44.314, trong đó có 7.538 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

N.Dung

Xoay xở tìm thêm nguồn cung thực phẩm cho TP HCM

Với việc các địa phương cùng áp dụng Chỉ thị 16 khiến việc thu hoạch, vận chuyển nông sản, thực phẩm về TP HCM dự báo khó khăn hơn trong những ngày tới.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết TP HCM đang thiếu khoảng 1.000 tấn nông sản thực phẩm. Sở Công Thương đã thúc đẩy 2 chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức mở cửa cho các thương nhân thực hiện trung chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, Sở Công Thương đang làm việc với các quận, huyện để đánh giá tình hình và cho mở lại các chợ truyền thống có đủ điều kiện phòng chống dịch và chỉ tổ chức cho tiểu thương bán rau - củ - quả, thịt, cá… phục vụ người dân trên địa bàn. Các chuỗi kinh doanh hàng hóa cũng đang được cho bổ sung rau - củ - quả vào danh mục để bán cho người dân; các sàn thương mại điện tử cũng đang xây dựng kế hoạch để sớm triển khai bán rau - củ - quả trên sàn và sử dụng chính kho hàng của doanh nghiệp.

Về giải pháp tìm kiếm nguồn hàng cung ứng cho TP, ông Phương thông tin Sở Công Thương TP đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ và các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên lẫn phía Bắc, nhờ giới thiệu nhà cung cấp nông sản thực phẩm để tính toán nguồn cung và tổ chức tiếp nhận, phân phối. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các nguồn cung có thể tiếp nhận từ các tỉnh Tây Nguyên, phía Bắc.

Th.Nhân

Thế Dũng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ba-uu-tien-cho-19-tinh-thanh-ap-dung-chi-thi-16-20210717231913427.htm