Ba vấn đề then chốt định hình tương lai quan hệ giữa Syria và Nga

Sau khi chính quyền cũ sụp đổ, Syria đang tìm kiếm các đối tác quốc tế để tái thiết đất nước, trong đó Nga được xem là một lựa chọn quan trọng.

Tổng thống lâm thời Syria, Ahmed al-Sharaa gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov tại Damascus - ngày 28/1/2025. Ảnh: Bộ Tư lệnh Syria

Tổng thống lâm thời Syria, Ahmed al-Sharaa gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov tại Damascus - ngày 28/1/2025. Ảnh: Bộ Tư lệnh Syria

Đáp lại, Moskva đã cử đặc phái viên đến Damascus để thảo luận về quan hệ hợp tác trong tương lai, đặt ra nhiều câu hỏi về lợi ích của hai bên cũng như sự hiện diện của Nga tại Syria.

Đặc phái viên của Nga tại Trung Đông, Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov, đã có chuyến thăm chính thức tới Syria và gặp gỡ Tổng thống lâm thời Ahmed al-Sharaa. Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Nga đến Damascus kể từ khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ và chạy sang Nga vào ngày 8/12/2024.

Những vấn đề then chốt trong quan hệ hai nước

Cuộc thảo luận giữa hai bên xoay quanh một số vấn đề quan trọng bao gồm: Nga khẳng định ủng hộ sự thay đổi tích cực ở Syria, đồng thời cam kết tôn trọng chủ quyền quốc gia. Nga có thể đóng vai trò trong quá trình tái thiết, bồi thường thiệt hại chiến tranh và hỗ trợ phục hồi đất nước. Hai bên đã bàn bạc về việc đảm bảo trách nhiệm pháp lý cho những hành vi vi phạm trong thời kỳ chiến tranh, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chính quyền cũ.

Ba hồ sơ quan trọng trong đàm phán Syria - Nga

Theo nhà báo Raed Jaber, chuyên gia về quan hệ Nga - Syria, cuộc gặp giữa hai bên tập trung vào ba vấn đề chính:

Tương lai sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria: Moskva cần làm rõ kế hoạch duy trì hoặc rút bớt các căn cứ quân sự của mình.

Đầu tư kinh tế của Nga: Nga có thể tham gia tái thiết Syria, nhưng với điều kiện bảo vệ được lợi ích của các doanh nghiệp nước này.

Số phận của ông Bashar al-Assad và các cộng sự: Chính quyền Syria mới muốn đưa Assad ra xét xử, đồng thời đòi lại số tiền được cho là đã bị tham nhũng và mang ra nước ngoài.

Hãng tin TASS của Nga dẫn lời đặc phái viên Bogdanov cho biết vấn đề duy trì căn cứ quân sự cần được tiếp tục thảo luận. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Syria Murhaf Abu Qasra khẳng định Damascus sẽ xem xét các điều khoản mới, có thể điều chỉnh một số thỏa thuận trước đây để đảm bảo lợi ích của Syria.

Trong khi đó, theo Bloomberg, Nga đang gặp khó khăn trong việc duy trì hai căn cứ quân sự tại Syria. Một số hoạt động tại căn cứ không quân Hmeimim đã bị thu hẹp, trong khi tàu Nga cập cảng Tartus cũng bị trì hoãn trong thời gian dài.

Nhà báo Raed Jaber đưa ra ba khả năng về tương lai của các căn cứ quân sự Nga tại Syria:

Giảm sự hiện diện: Nga có thể cắt giảm thời gian đóng quân từ 49 năm xuống còn 5-10 năm và sau đó rút dần. Thu hẹp phạm vi hoạt động: Căn cứ không quân Hmeimim có thể bị đóng cửa, trong khi Tartus chỉ duy trì vai trò hậu cần, tương tự thỏa thuận năm 1972. Rút quân hoàn toàn: Nga rời khỏi Syria, nhưng đạt được các thỏa thuận mới về sử dụng cảng biển và sân bay để tiếp tục duy trì lợi ích chiến lược.

Các hệ thống phòng không Nga tại căn cứ Tartus ở Syria. Ảnh: TASS

Các hệ thống phòng không Nga tại căn cứ Tartus ở Syria. Ảnh: TASS

Damascus muốn gì từ Moskva?

Chính quyền Syria mới đã gửi thông điệp tới Nga rằng họ mong muốn xây dựng quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chung. Tổng thống lâm thời Ahmed al-Sharaa khẳng định Nga là một đối tác quan trọng, nhưng Damascus không muốn bị ràng buộc quá chặt với Moskva để tránh bị cô lập trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Syria mong muốn nhận được sự hỗ trợ về an ninh và chính trị từ Nga, đặc biệt là trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, chính quyền mới cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hợp tác nào cũng cần khắc phục những sai lầm trong quá khứ.

Một trong những yêu cầu quan trọng của chính quyền Syria mới là Nga phải bàn giao Bashar al-Assad để đưa ra xét xử. Tuy nhiên, Moskva chưa sẵn sàng thực hiện bước đi này, vì ông Assad vẫn là một quân bài chiến lược của Nga.

Nhà phân tích Dmitry Bridzhe cho rằng Nga có thể cân nhắc bàn giao Assad trong trung và dài hạn, đổi lại việc đảm bảo duy trì các căn cứ quân sự của họ ở Syria. Trong khi đó, nhà phân tích Mahmoud Hamza nhận định Moskva khó có thể giao Assad cho Tòa án hình sự quốc tế, vì điều này có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm đối với chính Tổng thống Nga Vladimir Putin, người cũng đang bị truy nã bởi tòa án này.

Với Nga, ưu tiên hàng đầu là duy trì các căn cứ quân sự và bảo vệ lợi ích của các công ty nước này tại Syria. Moskva có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực quân sự và năng lượng, nhưng không có đủ nguồn lực tài chính để đóng vai trò chủ chốt trong quá trình tái thiết Syria.

Trong khi đó, chính quyền Syria nhận thức rõ rằng quá phụ thuộc vào Nga có thể khiến nước này tiếp tục bị phương Tây trừng phạt và cản trở các nỗ lực hội nhập quốc tế. Vì vậy, Damascus đang tìm cách cân bằng giữa Moskva và các đối tác tiềm năng khác để đảm bảo một tương lai ổn định và phát triển bền vững.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo enabbaladi.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ba-van-de-then-chot-dinh-hinh-tuong-lai-quan-he-giua-syria-va-nga-20250204111555455.htm