Ba vấn đề trong bài phát biểu chính sách của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Đại học Georgetown, Hoa Kỳ
Ngay sau khi rời San Francisco đến thủ đô Washington D.C, sáng ngày 19/9, theo giờ địa phương (tức tối 19/9 giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm và có bài phát biểu chính sách tại Đại học Georgetown, Hoa Kỳ.
Cùng dự sự kiện có Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper.
Bài phát biểu của Thủ tướng có chủ đề: “Tăng cường lòng tin, nỗ lực hành động, tạo đột phá trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”.
Tại thư viện cổ Rigg trong Đại học, Hiệu trưởng Joel Hellman phát biểu chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam; nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thăm trường.
“Chúng ta đang sống trong thời đại có nhiều yếu tố bất ổn, các quốc gia đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam ngày càng có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế, nhất là ứng phó biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Những trao đổi hôm nay là nền tảng để hình thành chính sách trong tương lai”, ông Joel Hellman nói.
Hiệu trưởng trường Đại học Georgetown kỳ vọng, những chia sẻ của Thủ tướng sẽ có tác động tích cực tới thế hệ trẻ.
Bày tỏ xúc động khi đến thăm trường và được biết nhiều người châu Á thành đạt từ đây, trong đó có những sinh viên Việt Nam, Thủ tướng dành lời cảm ơn những đóng góp của Đại học Georgetown trong sự nghiệp giáo dục cho các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng đã nêu ba vấn đề chính. Thứ nhất, thế giới hiện nay thế nào? Thứ hai, mục tiêu, một số chính sách lớn của Việt Nam. Thứ ba, chúng ta phải làm gì để hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian tới?
Lựa chọn giữa “thập kỷ mất mát”
Thế giới hiện nay thế nào? Thủ tướng cho hay, bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là nguyện vọng thiết tha của nhân dân thế giới. Cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo và xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo tiếp tục mở ra những cơ hội phát triển mới. Trí tuệ sáng tạo của con người là không giới hạn.
Thế nhưng, nhân loại cũng đang đứng trước thời điểm khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Sau Chiến tranh Lạnh có một thời kỳ thế giới tương đối ổn định, chủ nghĩa đa phương được đề cao, do đó hợp tác quốc tế được phát triển, các Hiệp định thương mại được tăng cường.
“Thời kỳ bình yên đó góp phần làm cho thế giới phát triển, trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế, gia tăng vũ trang, sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang nổi lên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, giữa phát triển và tụt hậu, giữa độc lập và phụ thuộc trở nên mong manh. Các thách thức già hóa dân số, an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, lương thực, nguồn nước, năng lượng và tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng diễn biến ngày càng gay gắt, đa chiều, gây ra hậu quả nặng nề”.
Kinh tế toàn cầu đang chứng kiến nhiều cơn gió ngược. Ngân hàng Thế giới đã phát đi cảnh báo về một “thập kỷ mất mát”. Nhiều Mục tiêu phát triển bền vững bị đẩy lùi, khó có thể hoàn thành vào năm 2030.
Là nơi có hơn 60% dân số thế giới và chiếm 60% GDP toàn cầu, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương được kỳ vọng là khu vực phát triển năng động hàng đầu, là tâm điểm hội tụ hợp tác và liên kết với những khu vực thương mại tự do lớn hàng đầu thế giới như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nơi lợi ích được điều hòa, kết nối được khai thông, sức mạnh được nhân lên.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, đây cũng là khu vực có cạnh tranh chiến lược, tiềm ẩn những tranh chấp, nhiều thách thức an ninh phi truyền thống, không loại trừ dẫn đến căng thẳng, mất kiểm soát.
“Nói cách khác, thế giới đang biến động phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó định đoán, đặt ra bài toán chung cho sự an nguy và phát triển của nhân loại, cho vai trò của quản trị toàn cầu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thế giới đứng trước hai sự lựa chọn, một là thụ động hứng chịu những thách thức, nguy cơ với cái giá phải trả rất đắt; hai là, chủ động thích ứng, tranh thủ cơ hội, hóa giải thách thức, lấy hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển làm mục tiêu, lấy Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế làm nền tảng, lấy đối thoại và hợp tác làm công cụ.
“Việt Nam chọn con đường thứ hai và mong muốn các đối tác cũng như vậy. Đó là nền tảng để chúng tôi triển khai đường lối xây dựng và bảo vệ đất nước”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu rõ.
Những mục tiêu chính sách đúng đắn và phù hợp
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam là một đất nước chịu nhiều đau khổ của chiến tranh. Có thời điểm, thế giới không hiểu, vì vậy, Việt Nam từng bị bao vây, cấm vận và phải chịu đựng nhiều khó khăn nhất. Càng áp lực thì càng nỗ lực, không khuất phục, Việt Nam lấy mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh làm mục tiêu tổng quát.
Từ đó, Việt Nam rút ra bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn giai đoạn tới là kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nhân dân làm nên lịch sử, sự nghiệp cách mạng là của toàn dân, do dân, vì dân; đoàn kết, đại đoàn kết trong Đảng, toàn dân, toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và ngoài nước và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định sự thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu lớn như vậy, Việt Nam cần phải đẩy mạnh chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, tham khảo, học tập kinh nghiệm quốc tế, lấy phát triển kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Lấy nguồn lực bên trong là quyết định, nguồn lực bên ngoài là đột phá; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn trọng dân chủ để phát huy tối đa trí tuệ của mọi người dân; xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa là sức mạnh nội sinh, “văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi người dân tham gia xây dựng thể chế.
Xây dựng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng thế trận quốc phòng an ninh, quốc phòng toàn dân vững chắc; kiên trì thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”; xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Xuyên suốt quá trình này, Việt Nam lấy con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; làm tốt công tác an sinh xã hội với tinh thần nơi thuận lợi phải giúp nơi khó khăn, người giàu giúp người nghèo…
Cùng với đó, Việt Nam đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hoàn thiện thể chế; đột phá về hạ tầng chiến lược nói chung; nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhờ vậy, thực tiễn cho thấy, từ nền kinh tế chỉ có 4 tỷ USD, bình quân đầu người trên dưới 100 USD trước đổi mới, Việt Nam đã vươn lên đạt bình quân đầu người hơn 4.000 USD; GDP hơn 400 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong vòng kiểm soát; giá trị thương hiệu Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao; an ninh chính trị được giữ vững.
Đến nay, Việt Nam đã ký 16 Hiệp định thương mại tự do, tham gia tích cực vào các vấn đề quốc tế một cách chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là hình mẫu thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Và hành động của Việt Nam-Hoa Kỳ
Theo Thủ tướng, để hiện thực hóa nhanh và bền vững quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, cần phải có sự tin cậy, cách làm mới, cụ thể hóa thành những dự án, chương trình cụ thể.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng cho rằng, hai bên cần tập trung cụ thể hóa việc nâng cấp quan hệ thành những chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động, dự án, hoạt động hợp tác kinh doanh cụ thể; tiếp tục quan tâm và ưu tiên dành nguồn lực để hiện thực hóa các cam kết trong Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ hai nước.
“Chúng tôi mong muốn Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công ba đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; qua đó góp phần hiện thực hóa định hướng xây dựng một Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng như hai bên mong muốn", người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, hai bên cần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng và củng cố tin cậy chính trị giữa lãnh đạo, chính giới và nhân dân hai nước; tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao thường xuyên hơn, giữa các kênh nghị viện, giữa các chính đảng, mở rộng trao đổi, đối thoại trên các lĩnh vực cùng quan tâm; thúc đẩy hơn nữa hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân.
Tiếp tục coi hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là động lực chủ yếu và là “động cơ vĩnh cửu” thúc đẩy quan hệ song phương. Đặc biệt, Hoa Kỳ sớm thúc đẩy lộ trình công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam trên cơ sở bảo đảm cân bằng, bình đẳng, cùng có lợi.
Hai bên tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả thực hiện Hiệp định khung về Thương mại và đầu tư (TIFA) để thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác cụ thể, tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế và kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh.
Hoa Kỳ quan tâm hơn nữa, hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư phát triển các dự án lớn, nhất là công nghiệp chế tạo và mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
“Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng trao đổi, phối hợp để tạo những điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Sớm hoàn thiện các khuôn khổ hợp tác mới, làm cơ sở thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác. Xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là lĩnh vực mang tính đột phá, không giới hạn. Tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm như nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, y tế, dược phẩm; đào tạo sinh viên và nguồn nhân lực chất lượng cao…
Hai bên tiếp tục hợp tác hiệu quả về quốc phòng, an ninh; tiếp tục thúc đẩy khắc phục hậu quả chiến tranh làm điểm sáng trong hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cầu nối trong thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa ASEAN, giữa các nước Tiểu vùng Mekong với Hoa Kỳ và các đối tác khác; đóng góp vào các nỗ lực chung về trung gian hòa giải, đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp. Hai nước cần cùng nhau đóng góp tích cực cho sự phát triển năng động, rộng mở, bao trùm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; phối hợp chặt chẽ trong ASEAN, APEC, Liên hợp quốc để xử lý các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước, y tế.
Tăng cường thông tin, truyền thông, thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc. Đồng thời, tăng cường hợp tác trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phù hợp với hiến pháp và các cam kết quốc tế của mỗi nước, thúc đẩy tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giảm thiểu khác biệt.
“Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả, tương xứng với khuôn khổ mới, đáp ứng thiết thực lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới; hợp tác không làm tổn hại các nước”, Thủ tướng nêu rõ.
Nhìn lại chặng đường gần 30 năm qua, Thủ tướng tin tưởng, trong những thập kỷ tới và xa hơn nữa, với tinh thần quyết tâm, lòng tin và sự chân thành, quan hệ giữa hai nước chúng ta sẽ tiếp tục được củng cố và vun đắp; các thế hệ tương lai của hai dân tộc sẽ luôn là những người bạn tốt và chân thành của nhau.
Thủ tướng kết thúc bài phát biểu với câu nói của Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln: “Luôn nhớ rằng quyết tâm thành công của chính bạn quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.”; thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi và ngược lại.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã trả lời nhiều câu hỏi của các thính giả. Trả lời câu hỏi về việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ, Thủ tướng khẳng định lại đường lối đối ngoại của Việt Nam và nhấn mạnh, việc nâng cấp quan hệ hai nước phụ thuộc lợi ích, mong muốn của nhân dân hai nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giải đáp các câu hỏi liên quan tình hình thế giới, quan điểm, chính sách đối ngoại của Việt Nam; vấn đề chống biến đổi khí hậu; tăng cường quan hệ giáo dục đào tạo hai nước…