Ba Vì phát triển chăn nuôi quy mô lớn

Dựa vào điều kiện lợi thế của địa phương, thời gian qua, huyện Ba Vì đã tập trung phát triển chăn nuôi những mô hình có lợi thế theo hướng chất lượng cao, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Nhờ sự đốc thúc, hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, sự chăm chỉ, mạnh dạn của người dân, những mô hình chăn nuôi bò thịt, bò sữa, gà đồi, đà điểu… đã mở ra hướng phát triển, làm giàu mới cho người dân Ba Vì.

Phát huy lợi thế

Những năm gần đây, chăn nuôi là một trong những lợi thế của huyện Ba Vì, mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Thống kê toàn huyện cho thấy, có hơn 200 hộ nuôi đà điểu, quy mô hàng chục nghìn con, tập trung nhiều nhất tại các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Ba Trại… Đáng chú ý, đà điểu là một trong những “thương hiệu” nổi bật của huyện Ba Vì trong những năm gần đây, bên cạnh ngành chăn nuôi bò sữa, bò thịt.

Chăn nuôi quy mô lớn đang là thế mạnh trong phát triển nông nghiệp bền vững của huyện Ba Vì. Ảnh: Đ.Luyện

Chăn nuôi quy mô lớn đang là thế mạnh trong phát triển nông nghiệp bền vững của huyện Ba Vì. Ảnh: Đ.Luyện

Là một trong những người đi tiên phong đưa giống đà điểu vào chăn nuôi ở miền Bắc, anh Nguyễn Văn Trung (thôn Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh) cho biết, đà điểu rất dễ nuôi, ít gây ô nhiễm hơn so với nuôi lợn, bò. Thức ăn của đà điểu cũng dễ kiếm, chủ yếu là rau cỏ, cám, ngô, thóc… Mặt khác, đà điểu lại có sức đề kháng tốt nên nguy cơ bị chết do dịch bệnh thấp.

Thịt đà điểu có nhiều giá trị dinh dưỡng nên giá bán tốt. Da, lông, xương đà điểu đều có thể chế biến thành các sản phẩm khác nhau… với những lợi thế này mang lại, nếu phát triển nuôi với số lượng lớn thì hiệu quả kinh tế sẽ mang lại cao hơn nhiều lần so với các cây, con giống truyền thống. Trải qua hơn chục năm tích lũy kinh nghiệm, đến nay anh Trung trở thành chuyên gia nuôi đà điểu tại trang trại theo mô hình khép kín (từ con giống, chăn nuôi đến giết mổ, chế biến). Ngoài duy trì hàng chục con đà điểu lấy thịt mỗi lứa, trang trại của gia đình anh Trung còn là địa chỉ tin cậy cung cấp giống đà điểu cho người dân trong vùng.

Tương tự, dựa vào lợi thế của địa phương, huyện Ba Vì đã tập trung quy hoạch chuyển sang phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa và gà đồi thả vườn. Đến nay, nhiều mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn được hình thành ở các xã: Minh Châu, Yên Bài, Vân Hòa... đã và đang phát huy hiệu quả mang lại thu nhập cao cho người dân. Đáng chú ý, trong chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi quy mô lớn, sự vào cuộc hỗ trợ của chính quyền địa phương là hết sức cần thiết. Lấy chăn nuôi bò thịt là ví dụ.

Theo đó, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, huyện Ba Vì đã lựa chọn bò thịt là vật nuôi chủ lực để tập trung phát triển. Trên cơ sở quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, định hướng 2030, huyện Ba Vì đã xây dựng, phê duyệt quy hoạch vùng trọng điểm chăn nuôi bò thịt tại 7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã ven sông. Chăn nuôi bò thịt được huyện Ba Vì chú trọng đầu tư, phát triển theo mô hình tập trung xa khu dân cư và an toàn sinh học.

Để nâng cao chất lượng đàn bò thịt, huyện Ba Vì đã chủ động phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất. Hiện, dự án lai tạo giống bò BBB trên nền bò thịt lai Sind thành đàn bò lai F1 hướng thịt đang được triển khai ở 31/31 xã, thị trấn. Kết quả, đã có gần 30.000 con bê lai F1 BBB được sinh ra. Trung bình một con bê lai BBB cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3 – 5 triệu đồng so với các giống khác.

Nâng cao đời sống người dân

Thực tế cho thấy, Ba Vì là huyện có thế mạnh chăn nuôi quy mô lớn của thành phố Hà Nội. Nhờ diện tích tự nhiên rộng lớn, lại dồi dào các nguồn phụ phẩm, sự chuyển đổi cơ cấu kịp thời đã giúp chăn nuôi nhanh chóng trở thành ngành sản xuất chính. Một điểm đáng chú ý từ các mô hình chăn nuôi đã và đang trực tiếp góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân. Chẳng hạn, tại xã Vạn Thắng do địa phương có đặc thù là vùng đồng trũng, rất thuận lợi để nông dân chuyển đổi, thực hiện mô hình nuôi thủy sản.

Bởi vậy, nơi đây đã đẩy mạnh phát triển các trang trại của gia đình. Ông Lê Văn Năm là một trong số những hộ chăn nuôi thủy sản của xã Vạn Thắng. Trang trại của gia đình ông Năm có tổng diện tích 5ha, chủ yếu thả nuôi các loại cá chép, trắm, rô phi... Mỗi năm, trang trại thu hoạch khoảng 100 tấn cá, trừ mọi chi phí, thu lãi 300-500 triệu đồng. Tương tự, anh Nguyễn Duy Anh một hộ chăn nuôi bò ở xã Minh Châu cho biết, mỗi con bò thịt sau một năm nuôi, cho lãi khoảng 8 - 10 triệu đồng.

Dựa vào lợi thế của địa phương, huyện Ba Vì đã tập trung quy hoạch chuyển sang phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa và gà đồi thả vườn. Đến nay, nhiều mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn được hình thành ở các xã: Minh Châu, Yên Bài, Vân Hòa... đã và đang phát huy hiệu quả mang lại thu nhập cao cho người dân. Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, tạo điều kiện cho người dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Cụ thể, huyện đã xây dựng, phê duyệt quy hoạch vùng trọng điểm chăn nuôi bò thịt tại 7 xã vùng núi và các xã ven sông.

Sự vào cuộc của chính quyền đã thêm động lực giúp ngành chăn nuôi của huyện Ba Vì trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của Hà Nội. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, 6 tháng đầu năm 2020, toàn huyện đã cơ bản hoàn thành thu hoạch cây trồng vụ xuân. Tổng đàn gia súc, gia cầm cơ bản ổn định. Các hộ chăn nuôi lợn đang tích cực tái đàn. Tổng đàn đà điểu trên địa bàn huyện hiện có 4.000 con.

Đáng chú ý, huyện Ba Vì đã có 18/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020, huyện đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 5 xã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. 7 xã còn lại đã xây dựng kế hoạch và thực hiện các tiêu chí nông thôn mới năm 2020-2021 trên cơ sở nguồn vốn thành phố đã phân bổ là 5 tỷ đồng/xã.

Ông Đỗ Mạnh Hưng cũng cho biết, để cụ thể hóa Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến hết năm 2019, toàn huyện Ba Vì đã có 9 sản phẩm được công nhận từ 3-4 sao. Với OCOP huyện Ba Vì đã yêu cầu mỗi xã phải lựa chọn ít nhất một sản phẩm dựa trên cơ sở nền tảng các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương, phù hợp thị hiếu tiêu dùng, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế... Sau khi lựa chọn được đối tượng, huyện đã tổ chức hội nghị tập huấn cho các chủ thể kỹ năng hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh, xây dựng các chuỗi sản xuất; tư vấn, hỗ trợ thiết kế logo, mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm...

Rõ ràng, nâng cao thu nhập cho người dân luôn là tiêu chí khó. Đối với huyện Ba Vì lại càng khó hơn khi đời sống của người dân phần lớn phụ thuộc vào phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, bằng việc chủ động tận dụng lợi thế địa phương, sự hỗ trợ định hướng kịp thời từ phía chính quyền địa phương, sự mạnh dạn đi đầu của người dân… Ba Vì đang từng bước phát huy tiềm năng chăn nuôi quy mô lớn, nâng cao đời sống thu nhập cho người dân.

Đ.Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ba-vi-phat-trien-chan-nuoi-quy-mo-lon-109417.html