Ba vụ kiện có thể thay đổi nước Mỹ
Sau một năm làm việc 'không may mắn', các thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ tiếp tục đối mặt những vụ kiện lớn mà New York Times nhận định có thể thay đổi đất nước này.
Tại một hội nghị ở Colorado Springs vào tháng 9, Chánh án John Roberts đã chia sẻ suy ngẫm của ông về điều mà ông cho là một năm “không may mắn” đối với Tòa án Tối cao Mỹ.
Ông cũng nói bóng gió về các cuộc biểu tình phản đối sau khi Tòa Tối cao Mỹ ra phán quyết đối với một số vụ án trong kỳ làm việc trước đó, theo New Yorker.
Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp nước Mỹ sau khi Tòa Tối cao lật ngược án lệ Roe v. Wade, qua đó xóa bỏ quyền phá thai của phụ nữ. Sau đó, tỷ lệ ủng hộ đối với cơ quan này đã rơi xuống mức thấp nhất mà tổ chức khảo sát Gallup từng ghi nhận - chỉ 25%.
Trong lúc trình bày, ông Roberts cũng bày tỏ sự không hài lòng khi nghe người ta nói rằng Tòa Tối cao Mỹ đã tự làm suy yếu tính hợp pháp của chính mình.
Kỳ làm việc gần nhất của Tòa Tối cao Mỹ đã kết thúc với một loạt vấn đề khiến dư luận xôn xao vào tháng 6. Công chúng đã sụt giảm niềm tin sau khi Tòa Tối cao Mỹ loại bỏ quyền phá thai, thiết lập quyền mang súng bên ngoài gia đình và hạn chế các nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Người Mỹ đang nhanh chóng suy giảm niềm tin vào nền tư pháp liên bang, với mức giảm 20 điểm phần trăm trong hai năm. Trước đó, nhánh tòa án thường nhận được sự ủng hộ của 2/3 người Mỹ trong các cuộc khảo sát của Gallup, theo CNN.
Và giờ đây, các thẩm phán tiếp tục đối mặt với ba vụ án lớn mà New York Times nhận định có thể thay đổi nước Mỹ.
Quyền biểu quyết
Vào ngày 4/10, tòa án xét xử vụ Merrill v. Milligan, một vụ kiện liên quan đến việc vẽ lại ranh giới khu vực bầu cử ở Alabama.
Câu hỏi được đặt ra là liệu kế hoạch vẽ lại ranh giới đối với các khu vực bầu cử tương ứng với 7 ghế đại diện cho bang Alabama trong Hạ viện vào năm 2021 có vi phạm mục 2 của Đạo luật Quyền bỏ phiếu hay không.
Mục 2 của luật trên quy định cấm “các thủ tục hoặc phương pháp bỏ phiếu có tính chất phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da hoặc tư cách thành viên của một trong các nhóm ngôn ngữ thiểu số”.
Các nhóm bảo vệ quyền bầu cử cho rằng quyết định của tòa án có thể vô hiệu hóa hoàn toàn Đạo luật Quyền bỏ phiếu, trong khi văn bản pháp luật này được cho là sẽ giúp ngăn chính quyền tiểu bang không phân biệt đối xử với người da màu.
Tuy người da màu chiếm khoảng 25% dân số bang Alabama, bản đồ bầu cử được vẽ lại của bang này chỉ có một khu vực bầu cử có đa số là người da đen.
Sau đó, một nhóm cử tri Alabama đã khởi kiện lên tòa án liên bang để phản đối bản đồ trên vì cho rằng nó làm suy yếu sức mạnh phiếu bầu của cử tri da đen. Hội đồng 3 thẩm phán thụ lý đồng ý với nguyên đơn khởi kiện trên căn cứ bang Alabama có “lịch sử sâu rộng về phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc".
Từ đó, tòa sơ thẩm yêu cầu Alabama thành lập một khu vực bầu cử thứ hai có đa số cử tri da đen, nhưng chính quyền bang này đệ đơn kháng cáo lên Tòa Tối cao Mỹ.
Phản hồi đơn kháng cáo, những người ủng hộ nguyên đơn lập luận rằng nếu Tòa Tối cao Mỹ hủy bỏ phán quyết của tòa cấp dưới, điều này có thể “làm suy giảm tính đại diện của các nhóm thiểu số trên toàn quốc”.
Hồi tháng 2, Tòa Tối cao Mỹ - với đa số thẩm phán nghiêng về tư tưởng bảo thủ - đã tạm hoãn quyết định của tòa cấp dưới và cho phép bang Alabama tổ chức bầu cử Hạ viện theo bản đồ bang này đề xuất. Tòa Tối cao cũng đồng ý sẽ xem xét toàn diện vụ kiện này trong tương lai.
Chính sách đặc cách cho các nhóm thiểu số
Ngày 31/10, Tòa Tối cao Mỹ sẽ xét xử 2 vụ kiện được phóng viên New York Times cho là có thể “đe dọa quy định về chính sách đặc cách đã có tiền lệ hơn 40 năm”. Đó là vụ kiện giữa tổ chức Sinh viên vì Tuyển sinh Công bằng (SFA) với lần lượt Đại học Harvard và Đại học Bắc Carolina.
Chính sách đặc cách (tiếng Anh: Affirmative Action) là những chính sách "ưu ái" dành cho các nhóm thiểu số để bù đắp lại sự bất công mà nhóm này đã phải chịu đựng trong quá khứ vì thái độ phân biệt đối xử.
Cả 2 vụ kiện đều đặt câu hỏi liệu các trường đại học này có đang phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á trong lúc họ cố bù đắp lại những bất công trong quá khứ, chủ yếu là đối với người Mỹ da đen, hay không.
Liên quan tới 2 vụ kiện trên, một án lệ quan trọng có nguy cơ bị lật ngược là Grutter v. Bollinger vào năm 2003. Trong án lệ Grutter v. Bollinger, tòa án đã cho phép các trường đại học cân nhắc yếu tố chủng tộc trong lúc tuyển sinh.
Những tổ chức như SFA từng thất bại trong quá khứ. Vào năm 2016, sự qua đời của thẩm phán tối cao Antonin Scalia và sự đổi ý bất ngờ của thẩm phán Anthony Kennedy đã giúp bị đơn - Đại học Texas ở Austin - được phép duy trì một chương trình có xem xét yếu tố chủng tộc ở đầu vào tuyển sinh.
Nhưng đến nay, Tòa Tối cao Mỹ đã thay đổi. Thẩm phán Kennedy đã nghỉ hưu, thẩm phán Ruth Bader Ginsburg theo tư tưởng tự do đã mất, trong khi Tòa Tối cao Mỹ xuất hiện thêm 3 thẩm phán bảo thủ do ông Trump bổ nhiệm: Amy Coney Barrett, Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh.
Sự phân chia ranh giới các khu vực bầu cử
Một vụ kiện liên quan đến vấn đề thay đổi ranh giới các khu vực bỏ phiếu để giành lợi thế bầu cử (gerrymandering) ở bang Bắc Carolina, có khả năng khơi lại một học thuyết pháp lý từng giành được sự chú ý từ phe cánh hữu sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Với tên gọi "cơ quan lập pháp tiểu bang độc lập", học thuyết này lập luận rằng chính các cơ quan lập pháp tiểu bang - không phải tòa án cấp tiểu bang - mới nắm quyền quyết định cuối cùng đối với các quy tắc bầu cử cấp liên bang.
Các đồng minh của ông Trump từng viện dẫn một phiên bản cực đoan của học thuyết này để thách thức kết quả bầu cử năm 2020. Họ tuyên bố rằng một số biện pháp bỏ phiếu mà các bang đưa ra trong đại dịch như bỏ phiếu qua đường bưu điện, là bất hợp pháp. Do đó, chiến thắng của Tổng thống Joe Biden cũng không được công nhận.
Hiện nay, một phiên bản khác của học thuyết trên đang dần giành được sự ủng hộ từ phe cánh hữu.
Các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa ở Bắc Carolina cũng đã viện dẫn học thuyết này khi kháng cáo vụ việc lên Tòa Tối cao Mỹ. Họ lập luận rằng các thẩm phán đã lợi dụng "sự mơ hồ và trừu tượng trong các điều khoản về bầu cử được quy định trong hiến pháp tiểu bang để tạo ra quy tắc bầu cử của riêng họ".
Một số thành viên của Tòa Tối cao Mỹ đang rất trông chờ được đưa ra phán quyết về vấn đề này.
Chẳng hạn, thẩm phán tối cao Clarence Thomas dường như rất cởi mở với một số phiên bản của học thuyết lập pháp độc lập kể từ vụ kiện giữa cựu Tổng thống George Bush và đối thủ Al Gore vào năm 2000.
Những người quan sát tòa án cũng đặc biệt chú ý đến thẩm phán tối cao Kavanaugh - người từng thể hiện thiện cảm với học thuyết.
Quyết định của Tòa Tối cao Mỹ trong vụ kiện nói trên có thể làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực trong các cuộc bầu cử liên bang.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ba-vu-kien-co-the-thay-doi-nuoc-my-post1362279.html