Ba xu hướng tiêu dùng mới ở châu Âu
Việc nhanh chóng thích ứng với hành vi và mô hình thay đổi của người tiêu dùng, hiểu được những thách thức và cơ hội của thị trường bán lẻ giúp các công ty hàng tiêu dùng châu Âu thành công.
Theo bài viết mới đây trên trang mạng moderndiplomacy.eu, dân số già hóa, lối sống độc thân và tiêu dùng dựa trên giá trị là ba xu hướng quan trọng trong “bối cảnh tiêu dùng mới ở châu Âu”. Do đó, các nhà sản xuất không thể tránh khỏi việc phải sớm thích ứng với những xu hướng mới này để đưa ra các loại hàng hóa và dịch vụ đáp ứng được nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp cần tìm hiểu nhu cầu và mong muốn cụ thể của người tiêu dùng cao tuổi, trong khi các hộ gia đình độc thân có thể tìm kiếm các sản phẩm thiết thực, tiện lợi và được cá nhân hóa. Bất kể nhóm tuổi nào, người dân đều liên tục tìm kiếm giá trị tương xứng với số tiền bỏ ra cho hàng hóa và dịch vụ. Xu hướng này được cho là bắt nguồn một phần từ tình trạng lạm phát cao ở châu Âu, với chi phí sinh hoạt tăng mạnh.
Theo thống kê của Ủy ban châu Âu (EC), hơn 1/5 hay 21,3% dân số Liên minh châu Âu (EU) hiện đang ở độ tuổi từ 65 trở lên. Dân số già đi cũng đồng nghĩa với thu nhập trung bình giảm, dẫn đến sức mua thấp hơn. Tất nhiên, người tiêu dùng thường tránh các hàng hóa và dịch vụ có giá cao. Do đó, các nhà sản xuất sẽ phải xem xét lại chiến lược của mình, tập trung vào việc tạo ra giá trị trong khi cắt giảm chi phí.
Một báo cáo của công ty nghiên cứu McKinsey dự đoán rằng mặc dù thị trường đại chúng sẽ thu hẹp, nhưng các phân khúc tiêu dùng nhỏ sẽ phát triển mạnh. Ví dụ, ngày càng nhiều khách hàng châu Âu cho biết họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm có lợi ích về sức khỏe và thể chất. Điều này cũng ngụ ý rằng các sản phẩm sẽ cần được điều chỉnh theo hướng cá nhân hóa. Những sản phẩm ra đời dựa theo nhu cầu của người tiêu dùng trên các thị trường ngách sẽ trở nên thông dụng hơn, bên cạnh các nhãn hiệu riêng.
Thách thức và cơ hội
Bất ổn về kinh tế có thể ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, sự gián đoạn nguồn cung có thể tác động đến khả năng sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, gián đoạn trong chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng châu Âu do sức mua giảm vì lạm phát. Do đó, các nhà sản xuất phải xây dựng quản lý chuỗi cung ứng linh hoạt và bền vững để đối phó với khả năng gián đoạn trong tương lai.
Hơn nữa, việc giành được niềm tin của người tiêu dùng là yếu tố cần thiết để đạt được thành công lâu dài. Trách nhiệm xã hội, tính minh bạch và đạo đức nghề nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng nếu các nhà sản xuất muốn có những khách hàng trung thành.
Theo Innova Market Insights, các doanh nghiệp cũng phải tập trung vào tính bền vững, vì khách hàng tiêu dùng hiện nay rất đa dạng, với 1/3 thế hệ ra đời trong giai đoạn bùng nổ dân số, 1/4 thế hệ Z (gen-Z, những người sinh từ cuối những năm 1990 đến năm 2010) và thế hệ Millennials (những người sinh từ năm 1980 đến năm 2000). Đầu tư vào thương mại điện tử, phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng có thể mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp khi thiết kế những sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc tái chế, thuyết phục người tiêu dùng về cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ba-xu-huong-tieu-dung-moi-o-chau-au/344686.html