Ba yếu tố để làm tốt bài thi đánh giá năng lực
Thời tôi đi học, mấy chục năm về trước, cánh cửa đại học chỉ duy nhất có một kỳ thi tuyển vào đại học, diễn ra trong 3 buổi thi căng thẳng giữa trưa hè nóng bức. 12 năm học hành 'đánh cược' vào một kỳ thi. Đối với nhiều người, rớt đại học được xem là nỗi buồn nhất của cả cuộc đời, bởi vì hoàn cảnh và bao lý do khác chen ngang, họ không thể nào 'đợi đến sang năm'.
Khác xa với bây giờ. Ví như các bạn trẻ muốn trở thành sinh viên Đại học Huế, có thể chọn 1 trong 6 cách để… thi. Đó là, gửi xét tuyển bằng điểm học bạ; kết quả các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) hay đánh giá năng lực (ĐGNL); điểm học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp với điểm thi năng khiếu; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh hay xét tuyển theo phương thức riêng trong Đại học Huế.
Rạch ròi thì ở đây vẫn có 3 kỳ thi. Bên cạnh tốt nghiệp THPT và cả thi năng khiếu mang tính truyền thống, đáng nói là kỳ thi ĐGNL. Đây là kỳ thi do các trường đại học tổ chức riêng và sử dụng kết quả đó để xét tuyển. Kỳ thi này là một bài kiểm tra cơ bản để đánh giá năng lực của thí sinh một cách toàn diện hơn. Nội dung bài thi ĐGNL tích hợp những kiến thức và tư duy, dưới hình thức cung cấp số liệu và dữ liệu cũng như các công thức cơ bản. Qua đó, đánh giá được khả năng suy luận và giải quyết vấn đề của thi sinh.
Tùy thuộc vào yêu cầu và mục tiêu tuyển dụng của từng trường sẽ có những cấu trúc bài thi ĐGNL riêng khác nhau, với số môn làm bài khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản các môn thi trong kỳ thi ĐGNL nằm ở các môn học, từ 6 đến 8 môn, cụ thể: Tư duy định lượng (môn toán học, vật lý, hóa học, sinh học); Tư duy định tính (môn ngữ văn); Khoa học và tự nhiên (môn lịch sử, địa lý); Ngoại ngữ: Tiếng Anh
Tham gia kỳ thi ĐGNL không những giúp thí sinh tăng khả năng được trúng tuyển vào trường mong muốn theo học, mà còn giúp các em được thử sức, kiểm tra lại lượng kiến thức, kỹ năng đã được học trong liên tiếp 3 năm qua. Các bộ đề thi đánh giá năng lực của từng trường được xây dựng theo định hướng đánh giá năng lực cơ bản của thí sinh. Nếu đạt được điểm thi cao, kết quả của kỳ thi này được nhiều trường đại học sử dụng để xét tuyển.
Đáng băn khoăn, dù đã tham gia kỳ thi ĐGNL thì các học sinh vẫn phải thực hiện một kỳ thi bắt buộc là tốt nghiệp THPT. Điều này tạo thêm áp lực thi cử cho học sinh. Các thí sinh phải thi tập trung ở một địa điểm khiến việc đi lại và ăn ở tốn kém nếu ở xa khu vực, địa điểm thi. Ở Việt Nam, kỳ thi ĐGNL tuy không còn mới nhưng vẫn khá xa lạ với nhiều thí sinh ở xa trung tâm thành phố, chưa có nhiều thông tin tiếp cận. Giáo viên các trường cần phải tư vấn và hướng dẫn cụ thể; đồng thời, không quên giúp đỡ các thí sinh này, từ cung cấp thông tin kịp thời đến việc đưa ra những phương pháp học tập hiệu quả.
Kỳ thi ĐGNL đợt 2 năm 2023 do Đai học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức xuất hiện thủ khoa đạt thành tích cao nhất trong lịch sử kể từ khi kỳ thi được tổ chức vào năm 2018. Đó là Phan Lê Thúc Bảo (cựu học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế) với số điểm 1.133/1.200. Chia sẻ về kinh nghiệm làm bài thi năng lực, chàng thủ khoa nay đang là sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, ba yếu tố để làm tốt bài thi ĐGNL là nắm vững kiến thức cơ bản, trau dồi năng lực suy luận và chuẩn bị một tâm lý vững vàng.
Nói cho cùng, chia sẻ của Thúc Bảo là đúng nhưng cũng không hề mới. Muốn thi đỗ, theo đúng nguyện vọng của cá nhân trong kỳ thi ĐGNL, các thí sinh phải nỗ lực học tập, trau dồi năng lực và phải bản lĩnh, vững vàng trong thi cử. Còn nữa, cũng phải nên “liệu cơm gắp mắm”, biết lượng được sức mình để chọn trường và chọn ngành phù hợp.