Bác Ba Vạn đi rồi!
Anh em đội Hữu Nghị Sài Gòn trưa ngày 10-2 (nhằm ngày 29 Tết) bùi ngùi chia sẻ với nhau: 'Bác Ba Vạn đi rồi! Ông đã chìm sâu vào một giấc ngủ thật thanh thản'...
Ông Ba Vạn sinh năm 1936, tên thật là Phan Chánh Tâm hưởng thọ 85 tuổi. Ông lấy tên của người còn gái lớn làm bí danh hoạt động cách mạng của mình, từng là bí thư thành đoàn Sài Gòn Gia Định từ những năm 1960. Ông có thời gian điều hành bộ máy chính quyền cách mạng TP.HCM sau ngày non sông liền một dải.
Thời trai trẻ, ông mê đá banh như điếu đổ. Những người thân thiết của ông kể, rất nhiều lần ông phải cải trang với chiếc nón rộng vành che kín mặt vào sân Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất) xem bóng đá, tránh bị kẻ địch phát hiện. Ông Ba Vạn cũng có thời kỳ làm lãnh đạo LĐBĐ TP.HCM và sau này ông mới tự làm bóng đá, với hai đội thân quen của làng bóng Sài Gòn là Đá Mỹ Nghệ và Vạn Chinh.
Đúng 20 năm trước, tôi gặp ông sau 10 năm ông làm bóng đá, ngay tại nhà riêng số 6 Bà Huyện Thanh Quan (quận 3), cũng là nơi đóng đô của đội bóng. Ông Ba Vạn khoe với tôi những chiếc cúp, huy chương để trang trọng trong phòng truyền thống. Hỏi ông ba Vạn tiền đâu mỗi năm đổ hàng tỉ đồng ra chơi bóng đá, ông từ tốn đưa tôi sang một căn phòng khác, nơi chứa đầy đá quý thiên nhiên mà ông cất công sưu tầm và ăn nên làm ra với thương hiệu Thiên Vạn Sài Gòn. Ông đi vào sách kỷ lục Guiness là nhà trưng bày đá quý thiên nhiên nhiều nhất Việt Nam.
Rồi ông Ba Vạn kể, ông không giàu có đến mức vãi tiền ra cửa sổ chơi bóng đá, nhưng luôn hết lòng vì bóng đá. Cựu tiền vệ lãng tử Thiên Sơn, từng khoác áo Đá Mỹ Nghệ chơi giải hạng Nhất 2005, nhớ lại: “Bác Ba thương anh em cầu thủ như con cái của mình vậy. Đội bóng đi đâu, ông theo đó, từ thời HLV Từ Bá Nhẫn, đến thầy Lương Trung Minh, ai cũng quý mến bác Ba Vạn hiền lành, nhân hậu. Biết gia cảnh cầu thủ nào chưa thuận lợi trong cuộc sống, ông lặng lẽ giúp đỡ hết mình, từ tinh thần đến vật chất. Bác Ba Vạn đi xa, anh em nhớ bác lắm, dù vẫn biết sẽ có ngày đau buồn này”.
Cựu tiền vệ Lương Vĩnh Lễ sau khi chia tay đội Hải Quan về đầu quân cho Đá Mỹ Nghệ thời kỳ đầu tiên năm 1992, cùng lứa đàn anh như Phan Trung Việt (Sở Công Nghiệp) là trụ cột của đội bóng, kể: “Bác Ba Vạn hiền khô, chưa thấy ông to tiếng với ai bao giờ! Ông đối xử với anh em cầu thủ như người trong nhà, bằng cái tình của một người cha, và cái lý của ông bầu yêu bóng đá mãnh liệt. Chúng tôi đá bóng có thắng, có thua, có lúc hay, lúc dở nhưng chắc chắn ra sân đều chơi hết mình vì đội bóng của bác Ba Vạn”.
Vài tháng qua, ông bị mắc căn bệnh ung thư thực quản, ăn uống mệt nhọc. Ông giấu con cháu, gắng gượng tự đi đứng, gặp gỡ bạn bè, các đệ tử bóng đá một thời, nói cười hào sảng. Có lúc nằm bệnh viện ngột ngạt, ông cứ nằng nặc xin về nhà, nói để thắp nhang đám giỗ mẹ mình, kỳ thực là muốn ở nhà gần gũi với con cháu, với bạn bè mỗi sáng hay ngồi cà phê số 6 Bà Huyện Thanh Quan kể chuyện xưa. Còn chuyện nay, có khi nghe tin cầu thủ cũ của mình là trung phong Phan Trung Việt bị bệnh, ông nhắn con rể mình cũng là cựu cầu thủ bóng đá tìm cách giúp cho bằng được.
Cựu trung vệ Hồ Văn Lộc của đội Cảng Sài Gòn chuyển sang chơi cho đội phong trào Đá Mỹ Nghệ từ năm 1991, hồi tưởng: “Lúc đó bác Ba Vạn đưa về nhiều anh em hay lắm, như đội trưởng Phan Trung Việt, thủ môn Nguyễn Văn Dũng, tiền vệ Lương Vĩnh Lễ cùng với lứa cầu thủ như tôi, dưới sự dẫn dắt của HLV Lưu Tấn Ngọc (cha của cựu tuyển thủ Lưu Tấn Liêm và Lưu Tấn Phước) đá tưng bừng. Nhớ giải tứ hùng ở sân Tao Đàn, chúng tôi dẫn trước đội bóng lừng lẫy đương thời Cảng Sài Gòn 2-0, sau mới bị gỡ. Năm sau, Đá Mỹ Nghệ vô địch giải toàn thành. Tôi nhớ mãi hình ảnh bác Ba Vạn chơi bóng đá rất tài tử, ngẫu hứng, dạy cho chúng tôi sự tận tụy và thiện lương với nghề nghiệp”.
Những ngày cuối đời, ông Ba Vạn gầy guộc nhưng vẫn rất minh mẫn với nhiều câu chuyện cứ ngỡ đã chôn vùi trong lớp bụi của thời gian. Ông làm thơ tặng con cháu, kể chuyện bóng đá, thích hát tình ca. Ông còn vui vẻ khoe, nhạc sĩ Anh Việt Thu tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang, là bạn học của bác. Ông thú vị kể lại cái bút danh của người bạn, có em út tên Việt Thu, thương đứa em nhất nhà, mới ký tên những bài hát nổi tiếng như Mùa xuân đó có em, Hai vì sao lạc, Người ngoài phố,... là anh của Việt Thu.
Ông Phan Chánh Tâm yêu thích nhà thơ Tô Đông Pha, treo hẳn một bức trướng lớn trên tường nhà có câu: “Đi đến chỗ phải đi. Dừng ở chỗ phải dừng”. Vài ngày trước, ông muốn con cháu đưa đi chụp hình ở vườn hoa xuân Phố đi bộ Nguyễn Huệ, mà tiếc quá, chưa kịp đi vì dịch bệnh COVID-19.
Trưa ngày 10-2 (29 tết), bác Ba Vạn đã đến chỗ phải dừng, sẽ không còn làm thơ, kể chuyện bóng đá và hát tình ca nữa!
Mưa trời và phút đưa tiễn người cha của nhiều anh em cầu thủ
Sài Gòn 29 tết bỗng đổ mưa, cơn mưa lạ nặng hạt khiến nhiều anh em cựu cầu thủ nhớ đến ông bầu và cũng là người cha tinh thần của mình vừa nằm xuống. Nhớ hơn nữa chính là hình ảnh ông tỉ phú đá quý vén quần qua gối lội bùn giữa cơn mưa chăm cái sân bóng từ hồi quận 7 còn là vùng đất đầm lầy hoang vắng.
Trưa 30 tết, khi linh cữu ông rời khỏi nhà tại số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3 TP.HCM, trời cũng mưa nhẹ nhẹ càng làm nhiều anh em cầm lòng không đặng. Họ nhớ những lần ông để đầu trần đội mưa xuống sân thăm hỏi anh em rồi tiễn họ ra tận xe về khách sạn nghỉ ngơi…
Giờ thì các anh em cựu cầu thủ có người xem ông như cha lại sụt sùi đi sau linh cữu ông mà nước mắt và nước mưa hòa làm một…
Nguồn PLO: https://plo.vn/the-thao/bac-ba-van-di-roi-967068.html