Bắc Bình: Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu cây trồng

Từ đầu năm đến nay, toàn huyện Bắc Bình đã gieo trồng 48.544 ha, đạt 75% kế hoạch năm 2021, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng lương thực 99.356 tấn, đạt 42,8% kế hoạch. Diện tích cây ăn quả hiện có khoảng 6.885 ha, trong đó cây thanh long 4.549 ha, các loại cây ăn quả khác 2.336 ha.

Bắc Bình

Các hộ dân ở xã Bình An, Bắc Bình đã chuyển đổi đất hoa màu sang trồng cây thanh long (ảnh tư liệu).

Các hộ dân ở xã Bình An, Bắc Bình đã chuyển đổi đất hoa màu sang trồng cây thanh long (ảnh tư liệu).

Theo lãnh đạo UBND huyện Bắc Bình cho biết: Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển gắn với tái cơ cấu cây trồng, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng huyện, chính quyền địa phương tập trung đầu tư, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi; kết hợp với tổ chức thâm canh, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tích cực triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng các loại cây trồng chủ lực, có lợi thế của huyện. Với lợi thế về điều kiện tài nguyên đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, các công trình thủy lợi, nông dân đã đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất cây trồng, sử dụng các loại giống lúa mới và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với thực tế. Diện tích chuyển đổi sản xuất giống lúa mới khoảng 5.441 ha, đạt 47,1% tổng diện tích canh tác và hợp đồng bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch trên 620 ha. Nhiều loại giống lúa mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của địa phương đang được triển khai mô hình trình diễn, cho năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh, như: Giống lúa ST 24, ST 25, Đài thơm 8, HN 6, An sinh 1399, OM 5451... Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với liên kết chuỗi giá trị được hình thành, lượng giống gieo sạ chỉ còn 120 - 200 kg/ha, giảm 50 - 100 kg/ha so với trước đây. Diện tích cây trồng đã thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trên 5.118 ha, nhiều nhất là cây ăn quả 4.900 ha. Hình thành một số vùng sản xuất tập trung cây thanh long 2.500 ha ở xã Phan Rí Thành, Hồng Thái; vùng cây ăn quả 2.218 ha ở các xã Sông Bình, Sông Lũy, Bình An, Bình Tân và vùng sản xuất lúa ổn định 11.000 ha tại các xã, thị trấn. Một số cây trồng trên vùng đất cát tiếp tục phát triển, như các loại cây thanh long, đậu phộng, cây tỏi Phan Rang và cây dưa lưới trồng trong nhà kính ở xã Hòa Thắng, Hồng Phong. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun tiết kiệm nước cho cây thanh long, dưa lưới và thử nghiệm ghép cam thuần trên gốc cam rừng, nhằm tăng sức đề kháng với sâu bệnh, chịu nắng hạn, cho năng suất, chất lượng cao.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng huyện đã thực hiện công tác khuyến nông, cơ giới hóa trong nông nghiệp, bảo quản sau thu hoạch. Chuyển giao, nhân rộng các mô hình sản xuất tại các xã, thị trấn và thực hiện mô hình xã hội hóa giống lúa, trồng bưởi da xanh, sản xuất các loại giống lúa mới, trồng sen - lúa. Huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nên khâu làm đất gieo sạ lúa đã dùng cơ giới hóa 100% và toàn bộ diện tích lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả nguồn nước tưới từ hồ Cà Giây, thủy điện Đại Ninh, hệ thống tưới Phan Rí - Phan Thiết, 812 - Châu Tá, Tầm Ru - Đá Giá để mở rộng diện tích sản xuất cây trồng.

Khánh Huyền

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/bac-binh-phat-trien-san-xuat-gan-voi-tai-co-cau-cay-trong-141166.html