Không chỉ Heineken, Sabeco, Habeco và nhiều hãng bia đều đang chật vật

Các nhà sản xuất bia tại Việt Nam đang trải qua chặng đường kinh doanh khắc nghiệt trước những khó khăn của thị trường và tác động của Nghị định 100.

Suốt nhiều năm, Việt Nam là “miếng bánh béo bở” trong mắt các nhà sản xuất bia. Năm 2022, một báo cáo tiết lộ người Việt tiêu thụ tổng cộng 3,8 tỷ lít bia, chiếm 2,2% thị trường toàn cầu, đứng đầu ASEAN và thậm chí xếp thứ 3 khu vực châu Á về mức độ sử dụng.

Dẫu vậy, ngành công nghiệp “uống ra tiền” đang rơi vào khủng hoảng trong vòng vài năm trở lại đây. Từ dịch Covid-19, Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cho đến xu hướng thắt chặt hầu bao của người tiêu dùng, những khó khăn cứ thế bao phủ thị trường bia.

Cuối tháng 6 vừa qua, Heineken Việt Nam đã phải thông báo tạm ngừng hoạt động nhà máy ở Quảng Nam. Dù chỉ là nhà máy có công suất nhỏ nhất trong 6 cơ sở tại Việt Nam, động thái của Heineken là tín hiệu mới nhất cho thấy ngành sản xuất đồ uống có cồn đang chật vật vượt qua khó khăn.

Bia ngày càng “đắng”

Nhìn vào kết quả kinh doanh tại Việt Nam, Heineken đang trải qua quãng thời gian đáng quên. Dù không trực tiếp công bố tình hình tài chính, bức tranh “xám màu” của ông lớn dẫn đầu thị trường bia Việt Nam vẫn được phản ánh qua mối quan hệ liên doanh với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra).

Trong danh mục 34 công ty liên doanh liên kết, Satra đang sở hữu 40% vốn của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam và 40% vốn tại Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading). Phần vốn còn lại thuộc sở hữu của Tập đoàn Heineken tại Singapore và Australia.

Năm 2023, Satra ghi nhận hơn 2.700 tỷ đồng lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết, giảm gần một nửa so với năm 2022.

Ước tính theo tỷ lệ đóng góp hàng năm, 2 doanh nghiệp của Heineken chỉ đem về cho khoảng 1.800-2.000 tỷ đồng cho Satra năm vừa qua. Điều này đồng nghĩa lợi nhuận của nhà sản xuất bia dẫn đầu thị phần trong nước đã giảm tương ứng, còn 4.500-5.000 tỷ đồng.

 Thị trường Việt Nam trở thành "cơn đau đầu" cho các nhà sản xuất bia. Ảnh: Chí Hùng.

Thị trường Việt Nam trở thành "cơn đau đầu" cho các nhà sản xuất bia. Ảnh: Chí Hùng.

Báo cáo tài chính của tập đoàn mẹ Heineken cũng tiết lộ thị trường Việt Nam và Nigeria chiếm 60% tổng sản lượng bia sụt giảm năm ngoái, tức gần 860 triệu lít bia, do điều kiện kinh tế phức tạp. Bên cạnh động thái rời thị trường Nga, Việt Nam là nguyên nhân khiến sản lượng bia cao cấp của Heineken giảm tự nhiên 5,9%.

Trong báo cáo tài chính quý I/2024 mới đây, Tập đoàn Heineken cho biết môi trường tiêu dùng yếu và việc áp dụng các quy định nghiêm khắc về nồng độ cồn khi lái xe đã khiến thị trường bia Việt Nam sụt giảm ở mức 1 chữ số.

Tương tự Heineken, một nhà sản xuất bia khác đến từ nước ngoài là Carlsberg cũng đánh giá quy mô thị trường bia Việt Nam đã suy giảm 1 chữ số. Trong khi sản lượng của Carlsberg tại Trung Quốc, Lào hay Malaysia đều tăng trưởng, thị trường Việt Nam lại "dậm chân tại chỗ".

Dù vậy, bà Ulrica Fearn, Giám đốc Tài chính Carlsberg, vẫn khẳng định tập đoàn sẽ tiếp tục kế hoạch mở rộng mạng lưới phân phối để chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam.

“Chúng tôi vẫn nhận thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ ở phân khúc sản phẩm cao cấp”, vị lãnh đạo nhận định.

Khó khăn bao trùm

Báo cáo về ngành bia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết tổng doanh thu năm 2023 của nhóm doanh nghiệp bia, rượu niêm yết đã giảm còn hơn 45.000 tỷ đồng từ mức hơn 55.000 tỷ đồng năm liền trước. Trong khi đó, tổng lợi nhuận sau thuế của nhóm doanh nghiệp này cũng đã giảm gần 1/4, xuống còn gần 5.100 tỷ đồng.

Nguyên nhân của đà suy giảm mạnh này được chỉ ra là do xu hướng cắt giảm chi tiêu không thiết yếu của người tiêu dùng, giá thuê mặt bằng tăng cao ảnh hưởng tới kênh bán trực tiếp và xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân khi Nghị định 100 siết chặt kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Cũng trong năm 2023, Sabeco và Habeco đều chứng kiến doanh thu sụt giảm mạnh, lần lượt đạt 30.461 tỷ đồng (-13%) và 7.754 tỷ đồng (-8%).

Năm nay, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần gần 34.400 tỷ đồng, tăng 13% so với mức thực hiện năm 2023. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cũng được kỳ vọng tăng lên 4.580 tỷ đồng, tăng gần 8%.

Theo Sabeco, ngành bia Việt Nam vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan.

Việc người dân thắt chặt chi tiêu, thị hiếu và yêu cầu ngày càng khắt khe hơn đối với thiết kế bao bì, chất lượng... cũng là một áp lực đối với các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chi mạnh trong các chiến dịch quảng cáo và khuyến mại để tăng sức cạnh tranh và đẩy mạnh tiêu thụ.

Ban lãnh đạo Sabeco cho rằng Nghị định 100 sẽ tiếp tục là một rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia năm nay. Bên cạnh đó, các yếu tố như chi phí sản xuất kinh doanh (bao bì, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển) vẫn ở mức cao, biến động bất thường và dự kiến tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Khó khăn trước mắt song Sabeco vẫn đánh giá năm 2024 sẽ tiếp tục mang đến những cơ hội cho ngành bia nhờ lợi thế dân số vàng, thu nhập tăng mạnh, tiềm năng lớn của phân khúc bia không cồn và thị trường xuất khẩu.

Quý I vừa qua, chủ thương hiệu bia Sài Gòn ghi nhận doanh thu thuần hồi phục hơn 15% lên gần 7.200 tỷ đồng và báo lãi ròng tăng 2% lên hơn 1.000 tỷ đồng, qua đó chấm dứt chuỗi tăng trưởng âm.

Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận của Sabeco sẽ tăng trưởng 2 chữ số sau khi nhu cầu tiêu thụ tăng lên nhờ các giải thể thao lớn như Euro hay Olympic 2024. Tuy nhiên, SSI vẫn duy trì quan điểm thận trọng với triển vọng của Sabeco trước thách thức của thị trường hiện nay.

 Habeco báo lỗ quý I cao gấp 6 lần so với cùng kỳ. Ảnh: Habeco.

Habeco báo lỗ quý I cao gấp 6 lần so với cùng kỳ. Ảnh: Habeco.

Tín hiệu kém khả quan hơn còn đến với Habeco khi doanh thu thuần quý I vẫn đạt 1.308 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, nhưng hãng lại báo lỗ ròng 21 tỷ đồng, cao gấp 6 lần khoản lỗ cùng kỳ.

Một trong những lý do khiến công ty tăng lỗ là phải đẩy mạnh chi phí cho hoạt động quảng cáo, khuyến mãi và nhân viên để làm công tác thị trường.

Năm nay, Habeco đặt ra kế hoạch kinh doanh với doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính đạt 6.543 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 202 tỷ đồng, đều thấp hơn năm trước.

Chủ thương hiệu bia Hà Nội cho biết kế hoạch kinh doanh thận trọng này được doanh nghiệp đặt ra trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, thách thức như xung đột địa chính trị trên thế giới kéo dài ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa, gây khó khăn cho hoạt động mua sắm, quản lý nguyên nhiên vật liệu.

Ngoài ra, tình trạng sức mua của người tiêu dùng phục hồi chậm, quy định kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn khi tham gia giao thông khiến tiêu thụ sản phẩm bia, rượu tiếp tục bị ảnh hưởng. Áp lực cạnh tranh trong nội bộ ngành cũng được dự báo tiếp tục gay gắt.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/khong-chi-heineken-sabeco-habeco-va-nhieu-hang-bia-deu-dang-chat-vat-post1483580.html