'Bắc Bling' - 'Sự nghiệp chướng': Nghệ thuật tổn thương bởi 'con nhặng' vo ve!
'Bắc Bling' lan tỏa giá trị văn hóa tử tế thì 'Sự nghiệp chướng' lại phơi bày chiêu trò rẻ tiền. Khi âm nhạc biến thành sân khấu cho những 'con nhặng' vo ve.
Trong những ngày đầu năm, khi “Bắc Bling” của Hòa Minzy chạm mốc 100 triệu lượt xem trên YouTube, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy tình yêu văn hóa dân gian trong lòng công chúng, thì ở một chiều ngược lại, bản “Sự nghiệp chướng” của Pháo lại trở thành một… “nghiệp vụ truyền thông lạ đời”, khiến dư luận dậy sóng, báo giới hoang mang và cộng đồng mạng chia rẽ.
Cùng là nghệ sĩ Việt, cùng phát hành sản phẩm âm nhạc trên nền tảng số, nhưng cách mà hai ê-kíp tiếp cận công chúng đã lột tả hai thái cực của một nền giải trí: một bên chọn sự tử tế để lan tỏa, một bên chọn sự lố bịch để đánh cược.
“Bắc Bling” – Một làn gió mát từ văn hóa quê hương
Không cần chiêu trò. Không livestream khóc than. Không “tự sự tâm linh hóa” để câu tương tác. Hòa Minzy cùng ê-kíp chỉ lặng lẽ thổi hồn dân ca Bắc Ninh vào một sản phẩm hiện đại, được dàn dựng tinh tế, chỉn chu, mang tính nghệ thuật và cảm xúc cao.

MV ca nhạc “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy đang tạo nên cơn sốt. Ảnh Thư Vũ
Cách cô chia sẻ thành tích 100 triệu view cũng là một bài học trong truyền thông. Thay vì khoe mẽ cá nhân, cô viết “Bác Chính ơi”, “con làm được rồi Bắc Ninh mình ơi!”, nhấn mạnh sự tri ân với quê hương, khán giả, và tập thể.
Một bài đăng tưởng đơn giản lại gây bùng nổ cảm xúc, với hơn 178.000 lượt thích và hàng nghìn lời chúc mừng.
“Bắc Bling” không chỉ là một MV ca nhạc. Đó là tuyên ngôn văn hóa dịu dàng nhưng đủ sức nặng, khiến công chúng nhớ rằng: nghệ thuật tử tế vẫn sống tốt, vẫn tạo được thành tựu mà không cần phải “gài drama”.
“Sự nghiệp chướng” – một cú chướng nhãn của truyền thông thao túng
Trái ngược với “Bắc Bling”, sự xuất hiện của MV “Sự nghiệp chướng” – cùng phiên livestream đầy kịch tính, hỗn loạn của ViruSs và rapper Pháo – đã tạo ra một vết gợn lớn trong không gian nghệ thuật Việt.
Họ không giới thiệu sản phẩm bằng âm nhạc, mà dựng hẳn Livestream úp mở, nước mắt lưng tròng, status ẩn ý đầy tâm linh kiểu “gieo nghiệp”. Họ đưa ra mối quan hệ rạn nứt – bất ngờ hòa giải – rồi “chốt đơn” MV. và cuối cùng là mạng xã hội, fanpage, KOL… tạo hiệu ứng tranh cãi cực đoan để đánh lừa thuật toán trending.
Cái đáng ngại ở đây không chỉ là một MV thiếu giá trị nghệ thuật, mà còn là nghi vấn một chiến dịch truyền thông “bẩn” – sử dụng công chúng như công cụ seeding, biến khán giả thành nhân vật phụ cho một màn kịch tự biên tự diễn.

Sau phiên live stream của ViruSs, Sự nghiệp chướng tiếp tục gây sốt. Ảnh minh họa
Ê-kíp đã nhiều lần nhấn mạnh việc ca khúc lọt vào top trending YouTube toàn cầu. Nhưng xin hỏi: Lọt top bằng gì? Bằng chất lượng hay bằng chiêu trò thao túng thuật toán? Việc đẩy mạnh seeding, tạo tranh cãi, livestream ầm ĩ rồi dựng cảm xúc giả tạo chỉ để “đánh lừa” đề xuất của YouTube là một hành vi biến truyền thông thành công cụ thao túng, chứ không còn là kênh truyền tải nghệ thuật. Tệ hơn nữa, nó làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Người ta không nhìn thấy một nền âm nhạc năng động – mà chỉ thấy một sân khấu mạng xã hội ngập đầy chiêu trò rẻ tiền.
Không phải ai cũng có thể “tự xưng” là nghệ sĩ
Nghệ sĩ không phải là người biết đứng trước ống kính hay livestream thành thạo. Nghệ sĩ là người biết tạo ra giá trị. Khi Hòa Minzy đưa văn hóa Bắc Ninh – từ dân ca, áo dài, tiếng nói quê hương – vào một sản phẩm đại chúng mà vẫn làm nó hiện đại, dễ nghe, bắt trend mà không rẻ tiền, thì đó là bản lĩnh. Khi ê-kíp kia cố tình tạo scandal, dẫn dắt đám đông bằng cảm xúc tiêu cực, thì đó là sự phản bội lại vai trò người sáng tạo. Và một nền văn hóa tử tế không thể dung túng những “nghiệp chướng” như vậy.

Hòa Minzy đưa văn hóa Bắc Ninh – từ dân ca, áo dài, tiếng nói quê hương vào một sản phẩm đại chúng mà vẫn làm nó hiện đại, dễ nghe, bắt trend mà không rẻ tiền, thì đó là bản lĩnh.
Không ai cấm sáng tạo. Nhưng không thể lấy cái danh sáng tạo để bao biện cho sự lệch chuẩn, câu view rẻ tiền, thao túng dư luận. “Sự nghiệp chướng” không chỉ là cái tên gây sốc – nó đang là chướng ngại vật cho một không gian nghệ thuật lành mạnh. Hãy để những sản phẩm như “Bắc Bling” được tỏa sáng – vì đó là cách nghệ thuật góp phần làm đẹp cho đất nước. Và hãy nói không với những “Sự nghiệp chướng” – vì đó là cách chúng ta tự bảo vệ giá trị văn hóa của chính mình.
Sự khác biệt lớn nhất giữa “Bắc Bling” và “Sự nghiệp chướng” không nằm ở lượt view – mà nằm ở tầm vóc của tư duy nghệ thuật. Một bên thổi hồn văn hóa Việt đi xa. Một bên dùng chiêu trò để reo rắc nhiễu loạn và xấu xí.
Vấn đề không nằm ở ca khúc. Vấn đề nằm ở cách chúng ta chọn con đường để đi đến trái tim công chúng.